Phản quảng cáo

Phản quảng cáo
TP -  Có những quảng cáo rất “dễ thương”, rất văn hóa, gây ấn tượng tốt, cảm tình đẹp cho người nghe - xem. Ngược lại, những quảng cáo có phần quá đà đến độ kệch cỡm khiến người nghe- xem khó chịu đến độ... phản cảm!

Từ ngày đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, tiến vào cơ chế thị trường, công việc làm ăn kinh doanh buôn bán bung ra, chuyện quảng cáo cũng bắt đầu sôi động. Đặc biệt có sự trợ lực của các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, truyền hình, phát thanh… thì quảng cáo lại càng bùng phát!

Có nhiều dạng quảng cáo. Ở đây xin “điểm” qua một ít pha quảng cáo trên truyền hình. Nhiều quảng cáo trong số này vô tình lại… phản quảng cáo, không những ít mang lại hiệu quả như mong muốn giới thiệu sản phẩm, thương hiệu của mình mà đôi khi còn đụng đến vấn đề văn hóa, đạo đức nữa!

Ví dụ, quảng cáo một loại thuốc làm đẹp làn da phụ nữ với cảnh một ông già tuổi cha chú và một cô gái trẻ (gọi nhau là bác cháu). Thế mà khi gặp cô gái sau khi dùng thuốc có làn da sáng đẹp, ông “lão nông” đã ngẩn ngơ đến nỗi… rơi tõm xuống mương nước kèm theo tiếng cười rinh rích của cô gái! Người nghe - xem thấy gờn gợn, có gì đó không phải đạo lắm!

Quảng cáo thuốc bổ thận cho cánh đàn ông thì cô vợ trẻ đứng bên anh chồng, nói (với khán giả) “Một người khỏe hai người vui”! Chẳng có gì là sai là xấu ở đây cả (thậm chí quá bình thường), nhưng cánh phụ nữ mỗi lần nghe hình như đều… đỏ mặt!

Chỉ vì tập quán văn hóa Á Đông xưa nay phụ nữ ít khi khoe toẹt… “chuyện ấy” một cách thoải mái giữa chốn đông người như vậy! Tương tự, thuốc “tráng dương bổ thận” cũng được quảng cáo bằng cảnh một cặp vợ chồng trên giường với hình tượng cô vợ ngúng nguẩy bất bình một mình bên cạnh anh chồng “yếu kém” đang nằm khoèo!

Còn quảng cáo một loại dầu gội đầu cho nam giới thì đặt vào miệng cô gái câu nói: “Dầu gội… làm anh mạnh mẽ quá”! Dầu gội đầu với chuyện… “nam tính” kia thì có liên quan gì với nhau mà “mạnh mẽ” với “yếu kém”?!

Về quảng cáo một loại đệm nằm thì cho ngay cảnh cô gái trẻ nằm thõng thượt hớ hênh trên giường nệm, chăn đắp trễ tràng, để lộ ra một khoảng… “của tự nhiên”, khiến người mẹ phải ý tứ kéo chăn đắp lại! Không biết hình ảnh này có khả năng “câu” được khách không!

Quảng cáo một loại phân bón: Trường đoạn phim cho thấy nhờ bón phân ấy mà nông dân được mùa, ai cũng cười vui ngả ngớn. Nhưng tiếp liền là cảnh ông già ngồi chờ con làm đồng về bên một ngôi nhà tranh xiêu vẹo, tồi tàn! Được mùa, thu nhập khá thì phải đi liền với hình ảnh nhà cửa khang trang đẹp đẽ chứ?!

Cũng quảng cáo một loại phân bón khác thì gắn vào miệng mấy anh nông dân những câu nói bắt vần bắt vè nghe rất ngố ngơ ngọng nghịu, nhất là giọng cười ằng ặc của ba anh, nghe cứ như là... cười vào chính cái quảng cáo ấy vậy!

Còn quảng cáo một loại thuốc ho được bào chế từ Nam dược với câu nói xanh rờn”: “Thuốc Nam mà hiệu quả”! Thế, hóa ra thuốc Nam không ra gì cả, may đâu chỉ có thuốc này là hiệu quả thôi sao?

Rồi quảng cáo một loại nước uống tăng lực mà y chang một trích đoạn phim hành động hoặc phim… kinh dị rất rối rắm! Một sản phẩm mì ăn liền có pha bột đậu xanh cũng kỳ công làm cả một màn diễn “võ hiệp kỳ tình” như phim chưởng Đài Loan, Hồng Kông! Người xem thấy chả cần thiết đến như vậy.

Rồi cũng sản phẩm này, ở một pha quảng cáo khác có câu: “Ăn … trúng ô-tô”! Nghe là đã… ê răng! Đành rằng quảng cáo là phải gây ấn tượng (mạnh), nhưng đến độ “lên gân, nắn cốt” thái quá, liệu có nên chăng? Có khi… lợi bất cập hại ấy chứ!

Lại có cái quảng cáo xem qua không ai kịp hiểu gì cả khi thấy mấy anh chị cười cười cợt cợt ẻo lả dắt tay nhau ra nhảy nhảy nhót nhót với chỉ một câu hát nhại đi lặp lại liên tục một giai điệu đến phát nhàm: “… là thịnh vượng, thịnh vượng là …”… không ăn nhập gì với nội dung cần giới thiệu cả!

Rồi cũng thương hiệu này lại có cái quảng cáo bình tắm nước nóng với cảnh một thanh niên ở trần, một cô gái ở trần, một em bé ở trần, thậm chí một cụ già cũng ở trần trùng trục giơ cả bụng phệ rốn nhăn ra… Tất cả cùng vừa tắm vừa múa may quay cuồng, trông phát ngượng!

Ấy là không nói đến những quảng cáo cho một số sản phẩm rất… “tế nhị, nhạy cảm” (!). Đành rằng những món sản phẩm ấy là cần thiết cho mọi người, cho xã hội, nhưng cứ trương ra những hình ảnh, những lời thoại… đôi khi phản thẩm mĩ để chịu sự phê phán từ phía cộng đồng thì cũng không nên.

Đa số quảng cáo dường như chủ yếu lợi dụng vào thể hình các cô gái người mẫu, diễn viên làm duyên làm dáng, cố ý nói cười, miệng mồm mặt mũi không được tự nhiên, hoặc những cặp trai gái lừ lừ nhìn nhau trông phát ngượng, kèm theo là những lời thoại cứ như học sinh trả bài, cứng ngơ cứng ngắc vô hồn…

Trái với những kiểu trên, có những quảng cáo rất hay, rất dễ thương, gây cảm tình và ấn tượng, được nhiều người nhớ lâu và nhắc đến. Ví dụ quảng cáo sữa bò Mộc Châu với những chú bò hoạt hình ngộ nghĩnh.

Sữa Zinzin với lời ca tự nhiên, độc đáo. Mạng Big Xero và Beeline với những chú gà vui nhộn. Nước xả Comfort với hoạt cảnh sinh động, đằm thắm. Bột ngọt Ajinomoto với lời lẽ thanh thoát, vừa phải. Mì Trứng vàng với hình ảnh 3 mẹ con vừa đẹp xinh vừa thú vị với những lời thoại ngây thơ v.v…

Từ đó ngẫm ra: Dùng cách hoạt hình hay các cháu bé để chuyển tải nội dung quảng cáo thường được người nghe - xem thích thú hơn. Chính nét ngộ nghĩnh, dí dỏm, “phi lý” một tí đó lại làm cho quảng cáo sinh động, có “hương vị”, có hồn!

Tại liên hoan Truyền hình toàn quốc 2009 vừa rồi có công diễn tiểu phẩm hài về Quảng cáo, nhằm phê bình những kiểu quảng cáo không mấy “tế nhị” nói trên. Chương trình “Mỗi ngày một cuốn sách” trên VTV1 có lần giới thiệu tác phẩm “1001 ý tưởng đột phá trong quảng cáo” của tác giả Luc Dupont.

Trong sách có chương bàn về quảng cáo, nói rõ những từ ngữ, hình ảnh nên tránh. Sách không là tất cả, tuy nhiên cũng nên tham khảo để mang lại hiệu quả tốt, đồng thời bảo đảm được tính tế nhị, văn hóa trước bàn dân thiên hạ đang theo dõi để lựa chọn sản phẩm cho mình.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.