Phản ứng về việc "Xây bãi để xe “đè” di tích Hoàng thành"

Phản ứng về việc "Xây bãi để xe “đè” di tích Hoàng thành"
TP - Đau lòng lắm chứ. Nhưng nay người ta lại xâm hại di tích ngay trước mắt, khi di tích ấy đang được chúng tôi tạm thời quản lý, lại càng đau hơn. TS Bùi Minh Trí -Thư ký dự án Hoàng thành Thăng Long nói.

Quốc hội và Chính phủ luôn rất quan tâm tới di tích Hoàng thành Thăng Long ở 18 Hoàng Diệu. Vậy, nguồn cơn nào dẫn đến chuyện mượn đất xây bãi để xe ở khu di tích này?

Việc này có thể tóm tắt như sau:

Trong tổng số hơn 11.000m2 bàn giao cho bên khảo cổ học, hiện BQL dự án đầu tư xây dựng nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới bàn giao cho nhóm khai quật khoảng 3.500m2.

Tháng 3/2004, giới khảo cổ tạm dừng khai quật để nghiên cứu chỉnh lý hiện vật và đề xuất phương án bảo tồn trình Thủ tướng. Phía BQL dự án tiếp tục giải phóng mặt bằng ở khu C, nhưng không bàn giao cho chúng tôi mà cho Cục Quản trị (Văn phòng Quốc hội) mượn đất.

Cục Quản trị cho biết họ mượn làm nơi để xe ôtô, và đề nghị giới khảo cổ lấp 3 hố khai quật (gần 1.000m2), cộng với hố C3-hố thăm dò đầu tiên ở 18 Hoàng Diệu.

Giới khảo cổ trả lời không thể lấp vì chưa hoàn thành khai quật, nghiên cứu, đi ngược lại Luật Di sản văn hoá và Công ước quốc tế về di sản. Vấn đề ở đây là đất đã bàn giao cho khảo cổ lại được bàn giao một lần nữa cho Cục Quản trị.

Ông cho rằng giới khảo cổ đang lâm vào vụ tranh chấp đất dân sự, ở đây lại là mảnh đất nhạy cảm Hoàng thành Thăng Long?

Những nhà khảo cổ như chúng tôi không có quyền giữ đất, cho xây hay không cho xây, tất cả những gì chúng tôi đang nghiên cứu và cả di tích này đều sẽ là tài sản văn hoá của người dân Hà Nội. Lẽ ra chúng tôi cũng không có ý kiến.

Nhưng bắt đầu từ đêm 8/5, họ cho máy vào đào xúc suốt đêm, khoan sâu xuống lòng đất, ảnh hưởng tới hiện vật phía dưới. Chỉ từ 0,8-1,2m thôi đã chạm vào các tầng văn hóa rồi. Nay khoan sâu như thế, số phận di vật sẽ ra sao?

Chúng tôi thường đau đầu khi nghĩ tới hồi mới khai quật Hoàng thành Thăng Long. Để kịp tiến độ cho xây dựng, giới khảo cổ phải xúc, phải ủi, phải làm nhanh.

Đau lòng lắm chứ. Nhưng, nay người ta lại xâm hại di tích ngay trước mắt, khi di tích ấy đang được chúng tôi tạm thời quản lý, lại càng đau hơn. Đặc biệt họ đổ bê-tông, cô lập hố C3 của chúng tôi.

Hố C3 từng cung cấp rất nhiều di vật quan trọng và còn tiếp tục được khảo sát vào tháng 5/2007. Khi ấy, buộc chúng tôi phải phá hủy công trình Cục Quản trị đã làm, sẽ vừa gây bất đồng mâu thuẫn vừa lãng phí tiền của.

Cả 2 bên cần ngồi lại với nhau để có tiếng nói đồng thuận nào đó. Nếu họ không biết, chúng tôi sẽ giải thích cho họ biết việc làm đó ảnh hưởng tới triển vọng được công nhận di sản thế giới.

Phía Cục Quản trị có phản hồi gì sau những văn bản của Viện Khảo cổ học và những ý kiến trực tiếp của các anh không?

Ông Đỗ Kim Sơ - Cục trưởng Cục Quản trị nói: “Tôi chả chạm đến hố của ông, việc tôi tôi cứ làm”. Nói thế thì tôi thua rồi. Tôi gọi điện thoại cho ông Sơ, nhưng ông ấy bảo bận. Đến nay, chúng tôi chưa nhận được hồi âm nào từ Cục Quản trị.

Xin cảm ơn ông.

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã có ý kiến chính thức giao UBND TP Hà Nội và Bộ VHTT phối hợp Viện KH Xã hội Việt Nam và các cơ quan chức năng nghiên cứu quy hoạch bảo tồn tổng thể khu di tích Hoàng thành Thăng Long, gồm toàn bộ 4 khu A, B, C, D và khu thành cổ Hà Nội để xây dựng hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới vào năm 2010.   

Ông Koichiro Matsuura-Tổng Giám đốc UNESCO phát biểu sau khi thăm Hoàng thành Thăng Long hồi năm ngoái:

Hiện có 2 vấn đề mà Việt Nam cần quan tâm.

Thứ nhất, phải chỉ rõ khu vực nào sẽ được đệ trình UNESCO để công nhận là di sản thế giới, cụ thể ở vị trí nào, vì hiện có rất nhiều công trình xây dựng xung quanh khu vực khảo cổ ấy.

Thứ hai là kế hoạch quản lý... Chỉ khi nào xác định rõ 2 vấn đề trên thì mới có thể tính đến việc đệ trình yêu cầu. UNESCO xem đây là một dự án dài hạn và sẽ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong việc bảo tồn di tích này...

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.