“Pháo bong bóng”

“Pháo bong bóng”
TP - Tôi đã dự lễ cưới ở nhiều nơi, thấy có nghi thức: Nổ bóng bay thay pháo mở đầu tiệc cưới.
“Pháo bong bóng” ảnh 1

Thời trước, trong các dịp vui mừng năm mới, mừng nhà mới, mừng tân hôn đều đốt pháo. Tiếng pháo giòn giã hoà cùng mùi cay nồng đặc trưng, làn khói mơ màng bay lên, xác pháo tung ra muôn hồng ngàn tía, thăng hoa, lan toả.

Đốt pháo là nghệ thuật tổng hợp của âm thanh, ánh sáng, màu sắc, hương vị, trở thành truyền thống văn hóa dân tộc. Tuy nhiên pháo cũng gây ô nhiễm môi trường, nhất là gây nhiều tai nạn và lãng phí tiền bạc do đó nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã cấm pháo.

Chúng ta vui vẻ giã từ  pháo vì tác hại của nó. Ngày tết chỉ “Thịt mỡ, dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu, … bánh chưng xanh”, vắng tiếng pháo nhưng vẫn vui vì an toàn và tiết kiệm. Thế nhưng trong tiệc cưới nhiều người vẫn luyến tiếc, vì thế không có pháo thật họ dùng “pháo” giả.

Bước vào hôn trường, thấy hàng trăm quả bóng bay treo hai bên khán đài, lòng tôi  lâng lâng, bay bổng. Những quả bóng màu hồng đào được bơm căng hình trái tim tràn đầy sức sống đang vươn lên cao như ước mơ và khát vọng của hạnh phúc lứa đôi.

Bỗng “ùm, oàm, bụp, bụp, bộp, bộp”. Ai đó cầm dây rút ngược những trái bóng, bắt chúng đâm vào chiếc đinh nhọn hoắt cắm sẵn trên trần nhà nhằm tạo ra những tiếng nổ đì đoàng, vô cảm.

Sau trận “oanh kích”, dây bóng trơ ra vài chiếc núm xỉn màu, te tua,  trên sàn nhà vương vãi các mảnh cao su dúm dó, rách rưới.  Có quả xì hơi, có quả không nổ  rơi xuống như trái tim lăn lóc, vạ vật, cô đơn.

Tóm lại, lúc trước nó căng tròn, đẫy đà, mịn màng, tươi trẻ bao nhiêu thì bây giờ thảm hại, bệ rạc bấy nhiêu.

Tại sao mở đầu tiệc cưới nhất thiết phải là những tiếng nổ vô hồn để kết cục là sự tàn tạ?  Tại sao phải tạo ra của giả? Trong cuộc sống, thuật ngữ  “bóng xì hơi” dùng để chỉ những người đang bế tắc, chán nản, thất vọng, điều đó hoàn toàn xa lạ với lễ thành hôn, ngày vui nhất của cuộc đời. Vậy tại sao mở đầu bằng màn “bóng xì hơi”?

Nghi thức nổ “pháo” tuy rất nhỏ, không ảnh hưởng đến ai nhưng mỗi lần dự tiệc cưới thấy các quả bóng hình trái tim bị nổ, tôi như bị mất mát một cái gì. Tại tôi nhạy cảm quá chăng? 

Mốt đốt “pháo” bóng bay bắt đầu từ các thành phố lớn nay đang  thịnh hành khắp cả nước. Tôi muốn nêu lên để bạn đọc cùng trao đổi, góp ý. Theo tôi, không nên để một nghi thức không đẹp, phản văn hóa  trở thành phổ biến trong ngày vui nhất của đời người.

MỚI - NÓNG