Phát hiện thêm một xẩm 'xịn'

Phát hiện thêm một xẩm 'xịn'
TP - Lễ giỗ tổ nghề xẩm sáng 18/3 tại đình Hào Nam, một ông già đẹp lão, kính đen, đi phải có người dắt, lên bái tổ. Khi ông cất tiếng hát, tuy chưa được điêu luyện như bà Cầu nhưng nghe biết ngay là xẩm xịn.

Hai chục năm trước, ông Nguyễn Văn Gia còn đi đây đó kiếm sống cùng cây nhị.

Phát hiện thêm một xẩm 'xịn' ảnh 1
Cha con ông Nguyễn Văn Gia hát tại lễ giỗ tổ nghề xẩm 18/3 Ảnh: N.M.Hà An

Sau trận sốt năm 23 tuổi, Nguyễn Văn Gia bị mù hoàn toàn. Một lần ra Bờ Hồ nghe ông trùm xẩm Nguyễn Văn Nguyên, Gia mê quá xin theo học. Gặp người cùng cảnh, yêu thích xẩm, trùm Nguyên tận tình chỉ bảo không lấy tiền.

Giờ học lý thuyết, Gia chép bài bằng chữ nổi. Học nhị thì thầy cầm tay. Thạo rồi thì nghe thầy, kéo theo. Học nhị xong mới học hát- đầu tiên là Đưa đò - điệu dễ nhất. Khó nhất theo ông Gia là điệu Ba bậc.

Được nửa năm, Gia theo thầy và vợ thầy đi hát (giống như đi thực tập) chừng nửa năm nữa. Thường người khác chỉ học vài ba bài là vội đi kiếm ăn.

Mà thời bấy giờ, dân tình chuộng cải lương, nhạc vàng nên người hát xẩm cũng phải đáp ứng thị hiếu. Càng chóng mai một. Gia cũng được thầy dạy cải lương. Nhưng dù phải hát nhạc gì để mưu sinh, bao giờ ông cũng mở đầu buổi hát bằng một điệu xẩm.

Ông kể, được thầy dạy nhiều nhưng đã quên bớt, chỉ còn nhớ năm-sáu làn điệu như Huê tình, Đưa đò (giờ gọi là Tàu điện), Ba bậc... “Hỏi ngay có khi không nhớ được, nhưng ngồi cầm nhị suy nghĩ có khi lại nhớ ra,” ông nói.

Thời bấy giờ, ông cho biết còn nhiều bậc thầy xẩm như ông trùm Thịnh, bà Cấn... nhưng không thuộc nhiều làn điệu và hát không hay bằng cụ Nguyên. Cụ Nguyên chơi tốt nhị, nguyệt, đánh được bầu.

Quê gốc ở Phú Đô (khu Mỹ Đình ngày nay), khi xưa, ông Gia đi bộ đi hát, cũng có khi ở nhờ bạn bè ngoài Hà Nội. Ông đi một mình, mang theo nhị, ghi ta. “Xưa dễ đi. Toàn xe đạp. Thì tôi chống gậy đi được. Giờ nhiều xe máy quá. Chịu”.

Ông thường hát ở Bờ Hồ (cụ thể là gốc cây lộc vừng chỗ nhà máy đèn nay là Sở Điện lực nhìn sang)- cũng là địa bàn của trùm Nguyên, hoặc ra bến tàu xe. Ông hát trên tàu hỏa nhiều hơn tàu điện. Tàu dừng ở thị xã, thị trấn nào, lại xuống hát.

Trong quá trình đi hát, ông cho biết không bị cướp bao giờ, chỉ lúc buồn ngủ quá, nằm ghế đá, bị ăn trộm tiền mà thôi.

Đó là hồi chưa đổi tiền, tờ to nhất là 10 nghìn. Xẩm thường được cho từ năm xu đến hai hào. Sộp lắm thì năm hào, một đồng.

“Chịu khó  thì thu nhập cũng kha khá,” ông cho biết. Vợ ở nhà làm ruộng. “Có khi tôi đi về chả có tiền cho bà ấy đâu. Thế rồi cũng vẫn có cơm ăn”. Thời đi hát, ông gặp bà Hà Thị Cầu ở Hà Nội. Ông mời bà chị đi uống nước, chuyện trò.

Theo ông Gia, quãng 1975-78 giở đi, người hát xẩm mới bắt đầu dùng loa máy tăng âm. Thời gian đó, ông bà đã có con, kinh tế cũng tàm tạm, bà bảo: “Thôi ông về hát cho tôi nghe, tôi nuôi”. Thế là ông về. “Thời gian đó  bị (công an) đuổi nhiều quá”, ông nói thêm.

Các trùm xẩm thường có tiếng là nhiều vợ? Ông Gia phân bua: “Như cụ Nguyên cứ mang tiếng nhiều vợ nhưng không phải cụ ấy thích lấy nhiều đâu. Mà là không may. Có thể bà này bị chết hoặc bỏ đi, lại phải lấy người khác.

Mỗi lúc chỉ có một bà thôi. Đến lúc cụ ấy chết, không có con. Có một anh con giai nếu còn sống giờ cũng chừng 50...”. Ông Gia còn nhớ thầy mình (mất cách đây hơn chục năm) sinh năm Quý Hợi bằng tuổi nhạc sĩ Văn Cao.

Hỏi chuyện nhà, ông đáp: “Chuyện tôi có gì đâu...”. Hồi đó, bà mới ngoài 20, người Sơn Tây, đi bán gà ở chợ Tam Đa gặp ông hay hát ở đó. Có khi ông nhờ người ta đếm tiền, lại bị họ lấy mất.

Chứng kiến cảnh đó, bà bảo: “Thôi lúc nào ông tích cóp được nhiều nhiều để tôi đếm hộ cho”. “Thì bà ấy đếm bà ấy không lấy”, “Mà lấy luôn ông”- cánh trẻ đang ngồi hóng chuyện nói đế. Tuy nhiên cũng phải mất vài năm thuyết phục nhà gái. Khi lấy được vợ, ông Gia tầm 43 tuổi.

Lúc nghệ nhân Hoàng Gia lên biểu diễn, mọi người thắc mắc về cô bé còi còi ngồi hát cùng. Hóa ra là con gái ông- tên Nguyễn Hồng Đăng. “Tôi dạy nó hát lõm bõm được ít bài. Có gì tôi chưa hoàn thiện, lại gửi cháu cho học thầy Hoạch (NSND Xuân Hoạch), thầy Giang (NSƯT Thao Giang)”.

Ông có bốn người con. Trong một lần các nghệ sĩ Thanh Ngoan, Xuân Hoạch, Thao Giang về đình làng Phú Đô diễn xẩm, ông Gia đã được phát hiện.

Vậy là Hà Nội có thêm một người hát xẩm xịn với nghệ danh Hoàng Gia. Đây cũng là bút danh khi ông sinh hoạt trong tổ thơ ở làng. Ông Gia còn có nghề xem số tử vi.

Ông thường hoạt động văn nghệ tại địa phương với CLB Người cao tuổi. Trong thôn xã, ai ưa thích, ông lại truyền cho ít xẩm.

MỚI - NÓNG