Phê bình văn học hiện nay xuống cấp

Phê bình văn học hiện nay xuống cấp
Vì những lý do riêng nên một vài năm gần đây GS Nguyễn Đăng Mạnh ít viết phê bình văn học. Theo ông, tình trạng chung là quá bình lặng, ít có đóng góp cho sự phát triển văn học và định hướng dư luận bạn đọc.
Phê bình văn học hiện nay xuống cấp ảnh 1
GS Nguyễn Đăng Mạnh

Thưa GS, dường như GS đã rút khỏi "trận tuyến" phê bình?

Tôi vẫn dạy học và viết sách. Tôi đang viết các chuyên luận, sách giáo khoa, soạn tuyển tập. Có điều tôi không viết phê bình nữa. Phê bình không được coi trọng. Lý luận phê bình văn học hiện nay đang xuống cấp.

Trong cuộc hội nghị về lý luận phê bình văn học vừa qua, báo cáo đề dẫn đưa ra ý kiến: Trước năm 1990 lý luận phê bình có phát triển, sau 1990 thì xuống cấp... Thực ra phải nói cụ thể thế này: Trong khoảng hai năm 1987-1988 văn học có phát triển, có khởi sắc, nói riêng về lý luận phê bình cũng vậy. Nhưng sau đó bắt đầu xuống cấp.

Xin GS một vài phác thảo về văn học từ sau 1975?

Tôi dạy lịch sử văn học VN 1930 - 1945, nên chủ yếu viết về các nhà văn tiền chiến. Tình hình văn học sau 1975 tôi không nghiên cứu sâu, nhưng theo tôi, văn học sau 1975 đại khái như thế này: Lúc đầu nền văn học vẫn phát triển theo quán tính tuy hoàn cảnh xã hội, tâm lý độc giả đã thay đổi. Văn học vẫn viết theo lối cũ nên bị hẫng hụt trước thái độ thờ ơ lạnh nhạt của công chúng.

Từ 1980 trở đi, bắt đầu có những chuyển biến. Nổi lên là những cây bút phản ánh mặt tiêu cực của xã hội, tạo nên những cuốn tiểu thuyết phóng sự của Nguyễn Mạnh Tuấn chẳng hạn. Ngoài ra Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyễn Trọng Oánh, Ma Văn Kháng, Lê Lựu... bắt đầu phản ánh cuộc sống theo kinh nghiệm cá nhân và nhìn con người toàn diện hơn.

Từ Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), văn học thật sự đổi mới, đổi mới trở thành hẳn phong trào rầm rộ. Những năm 1987-1988 có thể gọi là những năm hội hè của giới văn nghệ. Và văn nghệ có khởi sắc rõ rệt, cả về lý luận, phê bình và sáng tác. Lúc đầu vẫn là chuyện phản ánh tiêu cực xã hội, được gọi mặt, chỉ tên sự thật bằng thể văn phóng sự.

Những chuyện tiêu cực xét ra chủ yếu cũng vẫn là thay đổi về đề tài mà thôi, chưa có gì đổi mới sâu sắc về tư tưởng và thi pháp. Văn học chỉ thực sự đổi mới khi nó quan niệm và thể hiện con người một cách toàn diện từ phương diện chính trị xã hội đến phương diện cá nhân, từ phương diện đời công tới phương diện đời tư, từ phương diện ý thức đến phương diện tâm linh, phương diện vô thức, tiềm thức, từ con người tinh thần đến con người bản năng, con người tình dục.

Không được nhìn con người như ông thánh cũng không được nhìn con người như con vật. Tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá con người là chính nó, chính con người trên cõi đời trần tục, trần thế này. Cố nhiên cách viết cũng phải đổi mới cho phù hợp.

GS không quan tâm đến những cây bút trẻ cùng với một số tác phẩm mới nổi hiện nay?

Tình hình sáng tác hiện nay, tôi thấy nổi lên hiện tượng: Mọi cây bút - đặc biệt là những cây bút trẻ - đều có sự thức tỉnh sâu sắc về ý thức cá nhân. Ai cũng muốn đưa ra một cái gì riêng của mình về nội dung, nhất là về hình thức. Sự thức tỉnh ý thức cá nhân là điều kiện cho sự phát triển tài năng và hình thành phong cách độc đáo. Nhưng bản thân nó thì chưa hẳn đã tạo ra được một giá trị gì.

Không có tài, không có tư tưởng thật sự, tha thiết với cái đẹp và số phận con người, thì ý thức cá nhân chỉ có thể tạo ra những ý nghĩ kỳ quặc, những cách nói năng rắc rối, lối viết sao cho thật tối nghĩa để loè đời. Tuy nhiên, tôi tin ở những cây bút trẻ.

Xin cảm ơn GS.

Theo Lao động

MỚI - NÓNG