Phép mầu của các vua nhà Nguyễn

Phép mầu của các vua nhà Nguyễn
TP - Học theo "phép mầu" của người xưa, cho cây được đeo thẻ người trồng, chắc chắn cây sẽ sống và ngày càng xanh tốt. Phép mầu ấy thật ra rất đơn giản, do các vua nhà Nguyễn sáng lập.
Phép mầu của các vua nhà Nguyễn ảnh 1
Rừng thông Nam Giao nhìn từ Viên Đàn. Ảnh: Thanh Tùng

Địa hình đặc trưng của vùng phía nam và tây nam kinh thành Huế là gò đồi và khe suối. Ngay từ thuở mới vào định đô ở Kim Long, Phú Xuân các chúa Nguyễn đã chọn khu vực này làm âm phần.

Ở đây, thông mọc thành rừng, hình thành nên một lá phổi xanh khổng lồ che chở cho cả thành phố Huế.

Mỗi cây tượng trưng một vị đại thần

Có những rừng thông giàu ý nghĩa nhân văn, đem lại niềm tự hào cho mỗi gia đình, dòng họ. Đó là rừng thông ở trong khuôn viên đàn Nam Giao ngày trước. Rừng thông được trồng theo ý chỉ của vua Minh Mạng và được các vị vua kế thế tiếp tục duy trì, trở thành một lệ tục, một tập quán tốt đẹp.

Rừng thông này tượng trưng cho nhà vua và triều đại. Mỗi cây thông tượng trưng cho một vị Hoàng thân, một vị đại thần có liên quan đến sự hưng thịnh của vương triều.

Theo một bài viết của ông Nguyễn Đình Hoè, lúc đó là Hiệu phó trường Hậu bổ dưới triều Duy Tân, Vua Minh Mạng tự tay trồng 10 cây ở Trai Cung (nơi vua nghỉ ngơi, trai giới cho thanh tịnh trước khi đăng đàn tế lễ), vua Thiệu Trị trồng 11 cây. Các vị Hoàng thân mỗi người trồng một cây.

Các quan văn trong triều, quan Phủ doãn (tỉnh trưởng) Thừa Thiên, quan võ hàm Nhị phẩm đều trồng mỗi người một cây. Thời Tự Đức mở rộng đối tượng, quan văn hàm Tứ phẩm, quan võ hàm Tam phẩm được trồng mỗi người một cây.

Trước năm 1885, các mệnh quan triều đình được thăng chức, sau khi đến bái mạng nhậm chức đều phải lên Nam Giao tự tay trồng cây thông phần của mình trước sự chứng kiến của đại diện Bộ Lễ, Bộ Công và ủy nhiệm cho người khác bảo vệ, chăm sóc. Nếu không may cây bị chết thì phải trồng lại cây khác thay thế.

Mỗi cây thông sau khi trồng được treo một cái thẻ bằng đồng, hoặc bằng đá, khắc tên, chức vụ của người trồng và thời điểm trồng. Kể cả cây do nhà vua đích thân trồng cũng được đeo thẻ.

Linh mục L.Cadière xác nhận thông tin trong bài viết của ông Nguyễn Đình Hoè và bổ sung chi tiết hơn trong một bài đăng trên tạp chí "Những người bạn cố đô Huế" - tập 1, năm 1914.  L.Cadière viết:

Khi đọc sử Minh Mạng, tôi có bắt gặp một đoạn người ta nói đến cách trồng thông theo tục lễ ở Nam Giao.

"Năm Giáp Ngọ, niên hiệu 15 Minh Mạng, vào mùa xuân tháng hai...  người ta tế lễ trời đất ở đàn Nam Giao".

"Trước đó một ngày, vua đến Trai Cung và trồng cây vào bên trái bên phải của lầu 10 cây thông rồi tự tay buộc các biển đồng, mỗi biển có ghi các dòng chữ của vua, để ghi nhớ chức vị của người trồng".

"Sau đó, các vị quan của kinh đô cấp Tứ phẩm trở lên và các quan ở các tỉnh về để chuẩn bị tế lễ đều được ưu tiên trồng cây và có ghi trên biển tên tuổi họ hàng của mình và ngày tháng năm đã trồng cây".

Xin dẫn thêm minh chứng thứ hai là bài thơ "Kiến Trai cung trung thủ thực tùng cảm phú" của Tuy Lý Vương Miên Trinh. Trong lễ Tế Giao vào năm Minh Mạng thứ 15, Hoàng tử Miên Trinh, lúc ấy mới 15 tuổi, đã tự tay trồng một cây thông.

20 năm sau lên thăm đàn Nam Giao, đứng trước cây thông kỷ niệm xưa, vị Hoàng thân này đã xúc động cảm tác, gửi gắm vào bài thơ nhiều suy tư của mình. Hai câu cuối của bài thơ ông ước hẹn: kiếp sau sẽ hoá thành con chim hạc bay về đậu trên cành thông như "núi láng giềng chim bầu bạn" - Đãi ngã tha niên hóa hạc qui.

Chiếc thẻ trong ảnh đăng kèm bài này bằng đồng, chiều dài 15,2 cm, chiều rộng 8,2 cm, dày 0,8 cm. Mặt trước khắc tên người trồng, với dòng chữ Hán: Kinh cơ thủy sư Hữu doanh nhất vệ Chưởng vệ Nguyễn Doãn thực.

Có nghĩa là chiếc biển này đã treo ở cây thông do quan Chưởng vệ của vệ thứ nhất thuộc Hữu doanh của thuỷ quân tại kinh đô có tên là Nguyễn Doãn trồng ở đàn Nam Giao. Mặt sau khắc ghi thời điểm trồng là Thiệu Trị lục niên Bính Ngọ (năm Thiệu Trị thứ 6 - năm Bính Ngọ 1846).

Dưới triều Nguyễn quan Chưởng vệ được phong hàm chánh nhị phẩm. Thông tin trong chiếc thẻ này khớp với thông tin trong bài viết của ông Nguyễn Đình Hoè.

Những chiếc thẻ này là phép màu bảo vệ cho cây an toàn tuyệt đối và giúp cây phát triển tươi tốt. Bởi vì các vị đại quan ai cũng muốn tên tuổi của mình gắn chặt với nơi thiêng liêng, với cây thông lịch sử và linh thiêng. Càng không có ai muốn mỗi lần lên tế Giao thấy bảng tên của mình bị treo trên một cành cây thấp nhỏ, khô héo, thiếu sức sống.

Việc các Hoàng thân và quan chức cao cấp của triều đình được trồng thông ở đàn Nam Giao là một vinh dự lớn cho bản thân và cho cả dòng họ. Vì đây là một tập tục có tính lịch sử và thiêng liêng.

Với ý tưởng này của các vua nhà Nguyễn, thông đã nhanh chóng phủ xanh, phủ kín từ Phương Đàn rộng ra ngoài khuôn viên của đàn Nam Giao.

Phép mầu của các vua nhà Nguyễn ảnh 2 Phép mầu của các vua nhà Nguyễn ảnh 3
Hai mặt chiếc thẻ bằng đồng của Chưởng vệ Nguyễn Doãn

Những ý tưởng mới

Thời thịnh của Nho giáo, một nhà hiền triết phương Đông dạy các học trò của mình rằng: Thập niên chi kế bất nhi thọ mộc/Bách niên chi kế bách nhi thọ nhân. Lợi ích của việc trồng cây được so sánh với lợi ích trồng người, đào tạo nhân lực.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người biết trân trọng và khai thác mọi tinh hoa tri thức của nhân loại. Từ ý tưởng hay của người xưa, Người chủ trương phát động Tết trồng cây với lời kêu gọi Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.

Lợi ích của việc trồng cây và trồng người được Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn nôm rất mộc mạc để ai cũng có thể hiểu: Vì lợi ích mười năm trồng cây/Vì lợi ích trăm năm trồng người.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào Tết trồng cây đã lan rộng khắp cả nước. Thế nhưng, ở rất nhiều địa phương Tết trồng cây đang còn là một căn bệnh thành tích, bệnh phong trào, mang tính hình thức. Trồng thì nhiều mà cây sống thì ít. Nhiều vị lãnh đạo ở các địa phương có tham gia trồng nhưng không biết bảo vệ cây trồng.

Ngày hội ra quân trống dong cờ mở, có báo chí, truyền hình cổ súy rầm rộ, nhưng tỷ lệ cây sống được bao nhiêu thì ít ai quan tâm tổng kết, đánh giá. Ấy là do có trồng mà không có dưỡng; có trồng nhưng không có giải pháp bảo quản chăm sóc.

Mới đây, tháng 8-2009, một nhà đầu tư từ TPHCM ra Thừa Thiên- Huế tổ chức lễ khởi công một dự án lớn ở Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Dự án triển khai trên diện tích hơn 600 ha, nằm trên địa bàn hai xã ven biển, tổng giá trị đầu tư trên một ngàn tỷ đồng.

 Dự án tầm cỡ nên Thủ tướng Chính phủ đã đến dự lễ khởi công và trồng cây lưu niệm. Khoảng tuần sau dân tình xôn xao: cây lộc vừng trị giá 50 triệu đồng Thủ tướng trồng lưu niệm bỗng dưng... biến mất. Không lẽ đạo tặc to gan? Có người chức trách liên quan khi mới hay tin cũng phải... sảng hồn. Hoá ra không phải.

Nhà đầu tư đã chuyển cây lưu niệm của Thủ tướng vào Đà Nẵng "tạm trú", nơi có bản doanh của họ, để chăm sóc. Cũng đúng thôi. Sau lễ động thổ công trình sẽ nằm bất động trong một thời gian khá dài.

Cây quý như thế không chuyển đi nếu không bị mất cắp thì cũng bị chết bởi không có ai ở lại coi ngó. Và chuyện chỉ đạo trồng cây ở đàn Nam Giao của các vua Nguyễn vẫn là một bài học hay trong trồng cây lưu niệm và trồng cây gây rừng.

Cũng cách đây chưa lâu, Công ty du lịch Saigontourist đã thể nghiệm tour "Mỗi du khách một cây xanh cho Đà Lạt". Ý tưởng này rất khả thi đối với cố đô Huế, chắc chắn sẽ có khá nhiều du khách hưởng ứng. Còn nhớ, trong các kỳ Festival Huế 2000, 2002 đã có khá nhiều khách cả tây và ta tham gia tour du lịch Ngự Hà - vườn rau trong kinh thành.

Nếu chuyển tour này đến địa điểm thích hợp để cho khách đi du lịch sinh thái được tham gia trồng cây; giống như tour "Một ngày làm nông dân ở làng rau Trà Quế" - ở Hội An, chắc chắn sẽ có không ít du khách hưởng ứng. Đó vừa là thú vui, là sự hiếu kỳ, vừa tạo cơ hội cho du khách để lại một kỷ niệm trong chuyến du lịch đến cố đô Huế.

Học theo "phép mầu" của người xưa, cho cây được đeo thẻ người trồng, chắc chắn cây sẽ sống 100%. Rừng cây kỷ niệm này sẽ góp phần thu hút khách trở lại Huế lần hai, lần ba... Và cũng không chỉ riêng gì với Huế.

Trước năm 1885, các mệnh quan triều đình được thăng chức, sau khi đến bái mạng nhậm chức đều phải lên Nam Giao tự tay trồng cây thông phần của mình trước sự chứng kiến của đại diện Bộ Lễ, Bộ Công và ủy nhiệm cho người khác bảo vệ, chăm sóc. Nếu không may cây bị chết thì phải trồng lại cây khác thay thế.
MỚI - NÓNG