Phi Phi Oanh: 'Vượt tầm kiểm soát' với sơn mài

Tranh: Nguyễn Văn Hổ.
Tranh: Nguyễn Văn Hổ.
TP - Phi Phi Oanh là một họa sĩ được đào tạo bài bản, nhưng là về sơn dầu. Thế nên sơn mài, với cô, là một cuộc chơi bất ngờ, một “mối tình” định mệnh nhưng đầy đam mê. Để rồi, bao năm qua, cứ nhắm mắt đưa tay đi theo nó với những sáng tạo và cựa quậy không ngừng.

Liều “ăn” nhiều

Sinh ra và lớn lên tại Texas (Mỹ), Phi  Phi Oanh được học chuyên ngành sơn dầu ở New York, rồi đi học thêm ở Pháp, Tây Ban Nha, Nhật Bản. Khi về Việt Nam theo suất học bổng Fulbright năm 2005, nữ họa sĩ người Mỹ gốc Việt đã vô tình bị những bức tranh sơn mài cuốn hút. “Chất liệu sơn hữu cơ, màu hổ phách, màu mật mía đặc trưng, cùng bề mặt phẳng nhẵn như gương soi đã gây ấn tượng mạnh mẽ với mình. Thế nên, dù học bổng chỉ kéo dài 1 năm, nhưng vì trót mê nên cứ nấn ná ở lại, và rồi mọi sự đã ngoài tầm kiểm soát”, Oanh cười nhớ lại.

Phi Phi Oanh có một khuôn mặt rất Việt Nam, duyên dáng , nhẹ nhàng và ở ngoài đẹp hơn nhiều  so với khi lên ảnh.  Cô bẽn lẽn và  ít nói về bản thân. Chủ đề loanh quanh suốt buổi nói chuyện vẫn chỉ là sơn mài. Sống hết mình với nghệ thuật, làm được những cuộc triển lãm lớn, nhỏ trong và ngoài nước nhưng Phi Phi Oanh vẫn ngại khi nhận lời khen hay khi kể về thành tích của mình.

Ít ai biết 4 năm nay, Oanh đã định cư hẳn ở Việt Nam. Cũng bởi Oanh sống trầm lặng, kín kẽ và đơn giản. Ngoài gia đình nhỏ hạnh phúc với người chồng Tây Ban Nha và bé con đầu lòng xinh xắn gần 1 tuổi, cuộc sống của Phi Phi Oanh cũng chỉ loanh quanh tại xưởng vẽ riêng ở làng Yên Phụ. Chỉ cần một không gian nhỏ, chiếc bút lông và sơn màu, là đã đủ cho thế giới của Oanh Phi Phi.

Phi Phi Oanh: 'Vượt tầm kiểm soát' với sơn mài ảnh 1

Năm 2007, Oanh có triển lãm sơn mài đầu tiên ở Việt Nam. “Hộp đen” gồm 16 tác phẩm với 16 chiếc hòm sơn mài lớn, thu hút người xem bởi không gian tỏ mờ, với sự nổi bật của tác phẩm sơn mài trên bề mặt hộp đen. Những chiếc đèn rọi thẳng từ trên cao xuống mặt những chiếc hộp vừa đủ để những bức tranh sơn mài trên nắp hộp khoe hết vẻ lấp lánh, bí ẩn.

“Chào sân” đầy ấn tượng với khán giả thủ đô. Nhưng từng đó chưa đủ thỏa mãn Oanh, bởi cô nghĩ “phủ sơn ta lên gỗ cũng không phải quá mới”. Hai năm sau, cô tiếp tục mở triển lãm thứ 2 “Specula - Những chiếc gương phản xạ”. Lần này, cô tiếp tục “gây choáng”. “Specula” được thiết kế giống một đoạn hành lang vòm, chiếu sáng qua lớp kính mờ bên dưới. Oanh vẽ chồng lên đó nhiều lớp màu rồi mài bằng giấy ráp, sau đó, dùng đá đánh bóng mặt tranh. Chính điểm cách tân này đã làm người xem cảm tưởng như hoàn toàn thoát khỏi đô thị ồn ào, náo nhiệt để bước vào những hang động huyền bí, những đền đài Phật giáo và các nhà thờ. Sử dụng nhựa epoxy và sợi thủy tinh để làm cốt nền tranh, Oanh đã vẽ sơn mài trên bề mặt cong khổ lớn và tạo ra được một không gian sơn mài có tính kiến trúc. 

Thừa thắng xông lên, Oanh lại tiếp tục “se duyên” cho sơn ta và sắt. “Tiềm tiệm” là triển lãm sắp đặt gồm bốn chồng gạch, một mâm cơm tối đạm bạc cho bốn người, một tấm chiếu, sàn gạch hoa, và một loạt xô dùng cho những ngày mưa. Phi Phi Oanh đã mạnh dạn dùng sơn ta vẽ lên kim loại tái chế, một kỹ thuật công nghiệp Nhật Bản cũ mà cô đã cố biến đổi cho phù hợp với sơn mài Việt Nam.

Phi Phi Oanh: 'Vượt tầm kiểm soát' với sơn mài ảnh 2

Một tác phẩm sơn mài trên kính của Phi Phi Oanh.

Bị ám ảnh bởi không gian, năm 2011, Phi Phi Oanh tiếp tục hợp tác cùng họa sĩ Vũ Kim Thư để mở triển lãm “Không gian và những mảnh vỡ”. Oanh đem đến những tìm tòi mới khi vẽ bằng sơn ta trên giấy, sau đó được ép lên khung nhựa trong khổ lớn. Sáng tác lần này dựa trên ý tưởng “bóc tách” bề mặt bức tranh từ tấm vóc sơn mài to dày và nặng nề của truyền thống để tạo một lối vẽ sơn ta mới trên mặt phẳng mỏng và nhẹ như giấy.

“Palimpseste” (2013) dựa trên một cuộc thử nghiệm trước đây của Oanh khi vẽ sơn mài trên phim trong suốt. Trong triển lãm này, cô sử dụng “da sơn mài” (bức tranh sơn ta được vẽ trên nền trong suốt, một khái niệm cô theo đuổi suốt bao năm qua) dưới hình thức một bản kính dương được chiếu thông qua các máy chiếu lên màn hình lụa được kéo căng trên khung gỗ. Bằng thử nghiệm này, Phi Phi Oanh đã làm mất đi tính vật chất của tranh sơn mài, một điều vốn “không tưởng” đối với những nghệ sĩ sơn mài truyền thống.

Hiện nay, nhiều họa sĩ Việt dùng sơn Nhật để vẽ thì Phi Phi Oanh vẫn chung thủy với sơn ta, bởi theo cô “sơn Nhật dù dễ tính hơn nhưng thường cứng, chỉ phù hợp với đồ mỹ nghệ, trang trí. Sơn ta mới mang lại chiều sâu và sự bí ẩn sau mỗi mảng màu”.

“Thấu” (2016) lại là triển lãm gồm loạt tác phẩm sơn mài trên kính – một thử nghiệm mới nhất của Phi Phi Oanh. Những lớp sơn mài trên kính được rọi chiếu từ cả hai mặt trước và sau để phô bày, lột tả triệt để những tinh túy thuần chất của sơn mài- điều khó có thể đạt được ở bất cứ một bề mặt nào khác.

Nghĩa là, mỗi lần xuất hiện, Phi Phi Oanh luôn tạo nên những đột phá mới mẻ. Oanh liều. Nhiều người bảo thế. Ngay cả những họa sĩ sơn mài chuyên nghiệp cũng phải “lắc đầu lè lưỡi” khi thấy cô nàng họa sĩ ấy hùng dũng mang thứ sơn ta “bảo thủ” đi thử nghiệm khắp các bề mặt chất liệu, chứ không chỉ dừng lại ở những tấm vóc truyền thống. Và những gì cô làm được đã khiến người ta phải nghĩ lại về sơn mài. Nhận xét về tác phẩm của Phi Phi Oanh, tác giả cuốn sách “Hội họa sơn mài Việt Nam”, Quang Việt đã viết: “Tác phẩm bằng chất liệu sơn mài truyền thống của Oanh Phi Phi bao giờ cũng là biểu hiện của cái mới, cái quy mô, của niềm tin, khát vọng, của lao động và nghị lực”.  

Phi Phi Oanh: 'Vượt tầm kiểm soát' với sơn mài ảnh 3

Sơn mài trên gỗ của Phi Phi Oanh.

“Ranh giới vô định”

Đó là tên triển lãm mà Phi Phi Oanh được mời tham gia cùng nhóm các nghệ sĩ Việt – Hàn đang diễn ra tại Hà Nội. Tại triển lãm lần này, Oanh tiếp tục đem đến ấn tượng và trải nghiệm đặc biệt cho người xem qua các tác phẩm sơn mài trên kính.

Nữ họa sĩ người Mỹ gốc Việt bảo, “ranh giới vô định” cũng chính là điều mà cô nhận ra trong thế giới sơn mài. Càng lao vào lại càng thấy sơn mài bí ẩn, vô tận. Lại càng muốn tìm tòi, khám phá, thử nghiệm không ngừng. Trong cộng đồng nghệ thuật Việt Nam, Oanh vừa là người trong cuộc, vừa là người ngoài cuộc. Vì không được học về sơn mài theo hệ thống chính qui của trường nghệ thuật Việt Nam, nên buộc cô phải theo đuổi một quá trình học hỏi và thử nghiệm nghiêm khắc trong suốt thời gian sống tại Hà Nội. “Tài liệu mang tính học thuật về tranh sơn mài ở Việt Nam không nhiều, điều này vừa là thách thức với kẻ tay ngang như mình nhưng cũng lại là cú hích để mình sáng tạo không bị giới hạn hay bị ràng buộc bởi nguyên tắc, quy luật nào”, cô chia sẻ.

Từ khi “phải duyên” với sơn mài, Oanh bỏ hết những năm tháng học tập, những kiến thức học hành về sơn dầu để toàn tâm toàn ý với “tình mới”. Nhiều người tiếc cho Oanh, có kẻ lại bảo Oanh dại, đâm đầu vào chất liệu “khó tính”. Nhưng đã yêu thì luôn có lý do để “bao biện”, Oanh nghĩ, dù sơn mài nhạy cảm với thời tiết và sau khi mài đôi khi mang đến kết quả ngoài mong đợi. Nhưng chính điều đó đã kích thích sự hứng thú và mới mẻ cho cô mỗi lần sáng tạo. Người ta nghĩ sơn mài là chất liệu cũ, nhưng với cô, sơn ta là chất liệu nghệ thuật đương đại vẫn còn đang biến chuyển, và cô tự hào là một phần trong sự biến chuyển đó. Tháng 6 này, Oanh được mời tham dự triển lãm ở Bảo tàng Singapore. Đó là cuộc “đối thoại” riêng giữa sơn mài của Nguyễn Oanh Phi Phi và những tác phẩm của danh họa Nguyễn Gia Trí, bậc đạo sư của sơn mài nghệ thuật Việt.

Luôn coi sơn mài là một cuộc chơi dài hơi, còn mình là kẻ rong chơi phiêu lãng. Nhưng không vì thế mà Oanh thiếu sự nghiêm túc. Oanh thường vẽ không nhìn mẫu vì “Mình thích vẽ những thứ đã hiển hiện trong tâm trí mình”. Đặc biệt, cô ghét vẽ theo ảnh bởi “vẽ lại qua ảnh không những không có hồn mà còn là vẽ qua cái nhìn của người khác”. Và vì thế, trong tác phẩm của Phi Phi Oanh dễ bắt gặp đôi khi là một cái loa phát thanh, đôi dép để ngoài thềm, xe máy bên lề phố, hay đơn giản chỉ là những chiếc lá vàng rơi... Tất cả những thứ bình dị, nhỏ bé, có phần hơi lộn xộn đó lại hết sức gần gũi, thân quen với Oanh, như một phần Hà Nội trong cô vậy.

Khi được hỏi làm nghệ thuật ở nước ngoài và ở Việt Nam khác nhau như thế nào, Oanh bảo, nhiều người nghĩ làm nghệ thuật ở nước ngoài “sướng lắm, tự do lắm!” nhưng không phải, ở đâu thì cũng phải sáng tạo, phải có cái riêng. Ở Việt Nam, Oanh vẫn được thoải mái vẫy vùng với thế giới sắc màu của riêng mình. Đó là lý do, dù đi rất nhiều nơi, làm việc ở nhiều nước nhưng Việt Nam vẫn là nơi Oanh trở về. 

Chiếc “quần nghệ thuật”

Bàn tay Oanh để lại dấu tích của những lần dùng tay không để mài sơn. Thấy tôi xót, Oanh cười bảo: “Ngày xưa một số họa sĩ Trung Hoa còn dùng lưỡi để vẽ, để có thể cảm nhận được bức tranh bằng chính cơ thể mình. Mình dùng tay để mài, vừa mang ý nghĩa đó nhưng cũng dựa trên kinh nghiệm dân gian mồ hôi từ tay sẽ làm cho bề mặt tranh bóng và sâu hơn”.

Tôi để ý thấy Oanh mặc một chiếc quần rất đẹp. Hay nói đúng hơn là rất “chất”. Chiếc quần kaki màu bộ đội được trang trí bằng những mảng hoa văn trừu tượng nhiều màu sắc, in nổi trên nền vải xanh thẫm. Và tôi đã “ngã ngửa” khi chủ nhân của nó tiết lộ rằng: tất cả là sơn mài. Chiếc quần này là người bạn đồng hành cùng Oanh lọ mọ ngày đêm ở xưởng vẽ. Những vết sơn là dấu tích thời gian, là kỷ niệm, là minh chứng tinh yêu của cô gái trẻ với sơn mài. Chiếc quần có tuổi thọ đã... hơn 10 năm. Oanh vẫn giữ nó bởi mỗi lần khoác lên người, nó mang lại cho Oanh nhiều cảm hứng với công việc. Giống như kiểu “bị nhập”. Tủ quần áo của Oanh có vài bộ như thế. Lớp sơn ta được “mài” một cách tự nhiên theo thời gian, những họa tiết ngày càng bóng lên, tiệp vào vải khiến những bộ đồ ấy trở thành những “tác phẩm nghệ thuật” độc nhất vô nhị. Và đặc biệt là... rất bền.

MỚI - NÓNG