Phía Đông có gì lạ

Phía Đông có gì lạ
TP - Đến cửa hải quan ở sân bay Helsinki (Phần Lan) gia đình tôi chia hai ngả, chồng và con mang hộ chiếu màu boóc- đô đi lối dành cho công dân châu Âu, loáng cái mất hút.

> Đàn gà
> Nước mắt màu xanh thẫm

Còn tôi nhẫn nại chờ nhân viên hải quan có bộ mặt lạnh lùng (đương nhiên) giờ đây còn lắm lời, quét đi quét lại tấm hộ chiếu màu xanh lá mạ trong máy dò chẳng khác nào nhân viên cửa hàng miễn thuế cà quẹt visa card của khách lòng chắc mẩm đã hết tiền! Nhưng tôi chẳng bực bội làm gì. Tôi đang vui vì sắp bay về Việt Nam nghỉ hè, lần nào về chẳng đầy sự mới lạ.

Chỉ còn châu Á là vui! Luôn đổi thay ghê gớm xét ở vẻ bề ngoài những con phố, đại lộ, chung cư, trung tâm thương mại... Một anh bạn cò đất thất nghiệp gom tiền trở lại chơi châu Âu từng lắc đầu chép miệng bảo tôi “Bao năm rồi châu Âu chẳng thay đổi, giá trị chỉ ở sự cổ kính, mà sự cổ kính mặt tiền này mặc nhiên chẳng thể bán mua, khác hẳn ở Việt Nam mình, sơn sửa được hết, đập đi xây lại được hết”.

Tất nhiên cũng có nhiều thứ chẳng hề thay đổi, ví như giao thông. Buồn cười đến chảy nước mắt khi gặp lại Frank theo cô vợ Việt về đây nghỉ hè trước gia đình tôi một tuần. Anh ngồi nói chuyện trong tư thế đầu nghiêng nghiêng đơ đơ “Sái cổ rồi! Mấy ngày đầu dạo phố cứ thấy còi ô tô bim bim là ngoái cổ, liên hồi trận, quen thói ở châu Âu tưởng bạn bè nhận ra nhau mới bấm còi chào”.

Nhưng chịu khó quan sát, sẽ tìm ra sự đổi thay ngay trong những điều chẳng thay đổi ấy, ấy là chị em đã song kiếm khẩu trang- áo chống nắng giờ còn hợp bích váy chống nắng. Nếu Benny- bạn của chồng tôi thu xếp được du lịch cùng chuyến này để thỏa mong ước ngắm vẻ đẹp phụ nữ Việt trên phố, liệu anh còn cãi “viên kẹo bọc giấy thường là viên kẹo ngon” nữa không, hay anh lại ngỡ mình đang đi giữa… mùa hè Ả Rập?!

Chỉ còn taxi là rẻ, mớ rau muống cũng đắt khói lên rồi, vì nó là rau sạch. Siêu thị trở thành “con hát đã già”, trang trại mới là “hot girl cao giá”. Cái tưởng mới thực ra là quay về cơ chế cũ- tự cung tự cấp. Bạn bè khá giả nay có mốt không mời ăn nhà hàng sang trọng thành phố mà đón về chơi trang trại ngoại ô.

Trong những lô đất rộng hàng hecta bừng bừng khí thế vệ sinh an toàn thực phẩm ấy, bạn khoe kỳ công thuê được nông dân mất ruộng về đây cấy lúa, trồng rau, chăn lợn, nuôi gà, thả cá… và nhiệt tình đãi bữa cơm thôn quê quý hiếm “không nhuộm phẩm màu, không thuốc tăng trọng”.

Bạn nhớ lại một chiều muộn chốn Hà thành, đón con về nửa đường gặp mưa. Nép dưới mái hiên di động chờ mây quang mưa tạnh, bạn bỗng thấy một người dáng dấp nông dân nhìn trước ngó sau rồi đổ gánh rau xuống đường cống lộ thiên.

Bạn xót xa hỏi người nông dân sao không mang rau ế về nấu cho lợn ăn mà đổ đi phí hoài, người bán rau trả lời “Cho lợn ăn rau này để lợn ngộ độc chết à?!”. Bạn nổi da gà không phải vì mưa lạnh mà bởi câu nói thản nhiên của người bán rau.

Tối đó, có bao nhiêu tiền tích cóp định cho con du học trời Âu, bạn bàn với vợ về vùng ven mua trang trại. Và lúc này, gần như kính cẩn đặt vào giữa mâm đĩa rau lang luộc vừa hái cạnh bờ ao, bạn tâm đắc “Các cụ dạy nước xa không cứu được lửa gần. Con tớ lỡ dịp tiếp thu nền giáo dục châu Âu hiện đại, nhưng du học chưa chắc tương lai sẽ sáng sủa hơn trong khi thực tại cứ đà ăn thực phẩm độc hại kiểu này thì cả nhà chết chắc!”.

Thấm thoắt đã sắp hết hè, trước khi về lại châu Âu tôi còn được bạn cũ mời ăn khao thành tích từ chối dạy trường điểm, xin chuyển sang trường… ngu.

Thời buổi sống căng như dây đàn rồi còn áp lực dạy giỏi, mệt lắm. Bạn thở phào, từ nay không được tín nhiệm mở lớp dạy thêm nữa nhưng sẽ có thời gian ở nhà luyện cho con, đồng thời cũng chuyển con từ lớp điểm sang lớp ngu cho đỡ tốn phí, một cách đầu tư tự mình hiểu rõ hiệu quả đến đâu. Biết thương con thực sự rồi. Đối với tuổi thơ, được chơi cũng quan trọng như được đi học. Đổi mới tư duy kiểu này châu Âu còn lâu mới hiểu!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG