Phía sau “Vụ lừa đảo”

Phía sau “Vụ lừa đảo”
TP - 6/4 tới, bộ phim "Vụ lừa đảo" (The Hoax) ra mắt ở Mỹ. Tài tử Richard Gere đóng vai chính Clifford Irving- nhân vật từng tạo ra vụ giả mạo văn chương nổi tiếng nước Mỹ.
Phía sau “Vụ lừa đảo” ảnh 1
Diễn viên Richard Gere trong phim

Đối với người Mỹ, Howard Hughes là nhân vật huyền thoại, phi công và kỹ sư hàng không hàng đầu thế giới từng lập nhiều kỷ lục trong lĩnh vực này.

Ông còn là nhà sản xuất phim có tác phẩm đoạt giải Oscar, một trong những tỷ phú giàu nhất thế giới bấy giờ và là tay chơi khét tiếng, sở hữu rất nhiều người đẹp.

Ông chính là nguồn cảm hứng cho đạo diễn Martin Scorsese dựng phim Phi công đoạt 5 giải Oscar năm 2005 ( vai Hughes do Leonardo DiCaprio đóng).

Tuy nhiên, cuộc đời ông là bức màn bí mật, đặc biệt từ sau năm 1958 Hughes lui về sống ẩn dật và thù ghét công chúng. Bất cứ khi nào phát hiện ai đang viết về mình ông đều tìm cách bịt miệng.

Năm 1970 tại Tây Ban Nha, Irving gặp lại nhà văn và là người bạn cũ, Richard Suskind. Hai người âm mưu tạo ra một  cuốn tự truyện của Hughes vì cho rằng, do đã rút khỏi đời sống xã hội nên Hughes chẳng bao giờ lên tiếng.

Suskind tiến hành thu thập tài liệu còn Irving viết các bức thư- bắt chước nét chữ của Hughes nhờ đã từng đọc được các bức thư của Hughes do tạp chí Newsweek đăng tải.

Irving liên lạc với NXB của mình, McGraw-Hill, và tuyên bố, nhờ cuốn sách viết về de Hory, nên đã được tỷ phú này biết đến và cho phép viết tự truyện.

McGraw-Hill thảo ngay hợp đồng giữa Hughes, Irving và NXB (Irving đã giả mạo chữ ký của Hughes). McGraw-Hill trả trước 100 ngàn đô cho Irving cộng thêm 400 ngàn đô cho Hughes, Irving thương lượng nâng tổng số lên 765 ngàn.

Irving và Suskind tìm hiểu tất cả các thông tin và tài liệu về Hughes. Irving cũng tạo ra các cuộc phỏng vấn vờ như được thực hiện tại các vùng hẻo lánh khác nhau theo ý thích của Hughes, và quả thực, điều ấy cũng phù hợp với hình ảnh lúc đó của nhà tỷ phú này. Thật ra, tất cả các địa điểm này là nơi Irving hò hẹn với các nhân tình.

Năm 1971, Irving gửi bản thảo cho McGraw-Hill kèm theo các nhận xét viết tay giả mạo của Hughes. Một nhà đoán chữ tuyên bố đúng là thủ bút của Hughes, các chuyên gia về Hughes cũng đồng tình. McGraw-Hill ra tuyên bố sẽ in cuốn sách vào tháng 3/1972.

Nhà báo Frank McCulloch, người phỏng vấn Hughes cuối cùng, nhận được một cú điện thoại giận dữ từ người tự xưng là Howard Hughes. Thế nhưng sau khi đọc bản thảo của Irving, McCulloch nhận xét đây không phải là tác phẩm giả mạo. Dư luận thì vẫn hết sức ngờ vực.

Cuối cùng, vào 7/1/1972, Hughes sắp xếp một cuộc họp báo qua điện thoại với bảy nhà báo, vạch mặt Irving, tuyên bố chưa từng gặp nhà văn này. Irving cho rằng giọng nói đó là giả mạo.

Luật sư của Hughes, Chester Davis, tiến hành khởi kiện McGraw-Hill, Life và Clifford Irving. Nhà chức trách Thụy Sĩ vào cuộc và phát hiện ra một tài khoản ngân hàng mang tên “H.R. Hughes” nhận số tiền 750 ngàn đô la.

Chính Edith Irving (vợ Irving) đã mở tài khoản này dưới cái tên Helga R. Hughes. Sau đó, James Phelan, tác giả một cuốn tự truyện về một cựu giám đốc kinh doanh của Hughes, đọc đoạn trích của cuốn tự truyện đã phát hiện ra một số tình tiết lấy từ sách của ông.

Cuối cùng vào 28/1/1972, hai vợ chồng Irving bỏ cuộc và thú nhận, Irving vẫn bị kết án 14 tháng tù. Suskind bị kết án sáu tháng tù. Irving tự nguyện trả lại 765 ngàn đô la cho NXB.

Ra tù, Clifford Irving tiếp tục viết sách, có một số cuốn trở thành bestseller. Cuốn tự truyện giả mạo sau này được bí mật xuất bản năm 1999, bán rất chạy.

Tháng 7/05, bộ phim The Hoax kể về Irving và vụ giả mạo được khởi quay. Irving nhận xét: “Tôi chẳng dính dáng gì tới bộ phim này”. Tuy nhiên, ngược lại với mong muốn ấy, tên Irving vẫn xuất hiện trong dòng cảm ơn với tư cách là “cố vấn kỹ thuật”. Hiện Irving sống tại Aspen Colorado (Mỹ). 

MỚI - NÓNG