Phiên bản Hamlet cho người Việt

“Hamlet” ra mắt công chúng đầu tháng 11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội Ảnh: T.Toan.
“Hamlet” ra mắt công chúng đầu tháng 11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội Ảnh: T.Toan.
TP - Đạo diễn, NSƯT Anh Tú và nghệ sỹ nhà hát Kịch Việt Nam chỉ còn ít ngày trau chuốt bi kịch Hamlet, hứa hẹn là phiên bản khác hẳn, phù hợp khán giả Việt Nam.

Xin lỗi Shakespear!

Buổi chạy thử đầu tiên kết thúc sau 2 tiếng 15 phút. Đạo diễn Anh Tú và ê kíp thở phào. Nếu để nguyên kịch bản của Shakespear, dễ kéo dài gần 5 tiếng. Khán giả Hà Nội lâu nay theo luật bất thành văn, chỉ xem đến hai tiếng hoặc hơn một chút là đứng dậy, bất kể hay đến mấy. “Shakespear vĩ đại cũng phải xin phép cắt bớt. Cắt không mất thời gian lắm, nhưng để giữ được tinh thần của Shakespear thì phải suy nghĩ nhiều”, Anh Tú nói.

NSƯT Trung Anh vốn đóng đinh vai hiền lành khổ hạnh, lần này được giao vai ác Claudius. “Tôi thích cách làm việc của Trung Anh, chuyên nghiệp và dễ đồng điệu”. Hamlet giao cho Tạ Minh, buổi chạy thử đường dây đầu tiên thấy diễn viên bị quá sức. “Cậu ấy hơi bị hùng hục quá, nhưng đây mới là tập tành còn hai tuần để chuốt, hy vọng sẽ tốt hơn. Nhiều lớp Tạ Minh diễn tốt, nhiều lớp lại chưa tiết chế, tốn sức không cần thiết”, đạo diễn nói.

Diễn viên chính cũng thừa nhận buổi chạy đầu tiên này chưa cân đong được chỗ cần bung, chỗ nên giữ sức. “Tôi nghĩ kể cả có chia sức thì đây cũng là vở rất mất sức. Hamlet vừa vũ đạo, đấu kiếm, lời thoại rất dài, có những đoạn cần hơi để nói đến bốn dòng thoại”, Tạ Minh phân trần. Tạ Minh xem đi xem lại nhiều lần bản phim Hollywood về Hamlet năm 1990, có Mel Gibson thủ diễn.

Theo đạo diễn, dàn diễn viên trẻ cũng cần thời gian để uốn thêm. Thi thoảng mạch diễn bị ngắt vì tiếng thét của đạo diễn. Chẳng là một anh lính ngó lơ khi cả đám đang nghiêm trang trong hàng ngũ, hay một vai quần chúng mất tập trung.

Hamlet cho khán giả Việt

Anh Tú có cảm giác Shakespear muốn lôi tất cả góc tăm tối của con người, bắt con người phải đối mặt, thay đổi, hướng đến chân thiện mỹ để tẩy sạch mình. Vở này không phải về trả thù, đó chỉ là một phần nhỏ cho nên mới có phần độc thoại của nhân vật phản diện Claudius hay hoàng hậu Gertrude.

Tạ Minh tin khán giả sẽ thích bản dựng này, bởi nó phù hợp thời đại và văn hóa Việt Nam. “Tôi thích cách đạo diễn khai thác Hamlet. Trong những góc đen tối nhất của con người luôn le lói tia sáng. Con người xấu đến mấy cũng có cái đáng thương, lóe lên hy vọng. Cảnh vua và hoàng hậu ở cuối cho thấy, tất cả lỗi lầm có thể sửa. Họ làm nhiều điều xấu nhưng sau khi trả giá họ có thể thanh thản hơn”, Tạ Minh nói. Anh cho biết đạo diễn rất ghét hóa trang giả Tây: Vóc dáng người Việt mà đeo râu tóc giả, trang phục giả người phương Tây thì khó coi. Cho nên có thể nói Hamlet sẽ hợp mắt khán giả Việt hơn.

Nhạc sỹ Giáng Son được đặt hàng viết một ca khúc tình yêu cho Hamlet và Ophelia. Tình yêu trong kịch bản không nhiều, mang tính chất giao đãi, vì Hamlet luôn phải giả điên, từ chối tình yêu của Ophelia. Tuy nhiên, đạo diễn có ý muốn thêm phần tình yêu của hai người, để vở mềm mại hơn. Sau buổi tập, nhạc sỹ Giáng Son nói bắt được vài ý chính.  

Mô hình sân khấu với các bệ bục trong Hamlet chuyển động theo diễn xuất của diễn viên - ý đồ của đạo diễn: “Tôi rất phản đối bục bệ ba tầng bảy lớp nhưng tôn trọng NSND Doãn Châu và mô hình của ông. Buộc phải có bục bệ để giấu trò diễn, tôi cũng bỏ bớt vài chỗ rồi”. 

MỚI - NÓNG