Phim 'Biệt động Sài Gòn' ra tòa

Phim 'Biệt động Sài Gòn' ra tòa
Tòa án nhân dân (TAND) TP Hà Nội vừa thông báo thụ lý vụ án tranh chấp quyền tác giả kịch bản phim Biệt động Sài Gòn giữa nguyên đơn - ông Nguyễn Thanh (nguyên PV Báo Quân đội Nhân dân) với bị đơn - nhà biên kịch Lê Phương và Hãng phim truyện Việt Nam.

Ông Nguyễn Thanh yêu cầu TAND Hà Nội xác định kịch bản phim Biệt động Sài Gòn là của riêng ông, và yêu cầu Hãng phim truyện Việt Nam phải hoàn trả số tiền nhuận bút ít nhất là nửa tỉ đồng cho ông.

Lý do ông Thanh đưa ra là kịch bản Biệt động Sài Gòn của  ông và kịch bản Những thiên thần ra trận (tác giả Lê Phương) được dựng thành phim Biệt động Sài Gòn không có gì khác biệt về cốt truyện, nhân vật, bối cảnh...

Ông Thanh còn cho rằng ông Phương đã "cố tình kinh doanh trí tuệ" của ông trái phép khi in kịch bản Biệt động Sài Gòn thành sách ở các nhà xuất bản Long An, Thanh Hóa, và một số nơi khác trong những năm 1986 - 1987, mà không hề xin phép.

Đầu năm 1982, Hãng phim truyện Việt Nam được yêu cầu thực hiện một bộ phim về đề tài biệt động Sài Gòn trước năm 1975. Nhà biên kịch Lê Phương được giao viết kịch bản. Được bạn bè giới thiệu, ông Phương tìm gặp ông Thanh - người đã viết nhiều bài báo về biệt động Sài Gòn, để mời hợp tác.

Theo lời ông Phương, bản thảo Biệt động Sài Gòn của ông Thanh không được lãnh đạo Hãng phim truyện Việt Nam ký duyệt, nên ông Phương phải viết lại từ đầu.

Ông Phương thừa nhận có sử dụng tư liệu của ông Thanh, vì đã giao kèo cả hai ông đều là đồng sáng tác nên được phép "lấy của nhau". Nhưng ông Phương khẳng định, ngay sau khi có Quyết định sản xuất phim Biệt động Sài Gòn, ông đã trả cho ông Thanh 1/3 số tiền nhuận bút (theo thỏa thuận giữa hai ông: ông Phương hưởng 2/3, ông Thanh lĩnh 1/3), và đề nghị Hãng phim truyện Việt Nam ghi tên ông Thanh là đồng tác giả trên génerique phim.

Sau này, khi Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất thêm Biệt động Sài Gòn tập 3 và 4, tuy ông Thanh không tham gia, nhưng trên génerique, ông Phương vẫn đề nghị để tên ông Thanh là đồng tác giả và vẫn chia 1/3 nhuận bút.

Còn việc in kịch bản Biệt động Sài Gòn tại  NXB Long An, NXB Thanh Hóa và Báo Sài Gòn Giải Phóng (năm 1986-1987), ông Phương cho biết mình cũng chỉ là "nạn nhân" của việc các tờ báo và nhà xuất bản in ấn xô bồ, không xin phép, không trả nhuận bút (trừ Báo Sài Gòn Giải Phóng).

Phim 'Biệt động Sài Gòn' ra tòa ảnh 1

Biên kịch Lê Phương (bên trái) và Ông Nguyễn Thanh (bên phải). Ảnh: Y.N (Thanh Niên)

Không ai làm chứng !

Có vẻ như vụ kiện hy hữu này sẽ đi vào "ngõ cụt". Bởi sự "hợp tác" giữa ông Thanh và ông Phương không có người làm chứng, cũng không còn bất kỳ văn bản, hợp đồng nào làm căn cứ. Nên bây giờ mỗi ông "nhớ nhớ quên quên" theo một cách.

Hãng phim truyện Việt Nam chỉ có thể khẳng định nhuận bút kịch bản phim Biệt động Sài Gòn cũng như việc ghi tên tác giả - đồng tác giả đã được thực hiện đầy đủ theo pháp luật. Sau 10 năm, vì không thấy kiện cáo gì từ hai ông nên mọi hóa đơn, chứng từ, hãng đã không còn lưu giữ.

"Chia bao nhiêu cho vừa lòng nhau là chuyện bếp núc của hai nhà biên kịch. Hãng không đứng ra phân xử nên không thể kết luận đúng sai thay tòa", đạo diễn Hải Ninh (nguyên Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam) nói.

Bản thảo viết tay của ông Thanh - cơ sở để so sánh đối chiếu với kịch bản của ông Phương - hiện cũng không được trưng dẫn. Theo lời ông Phương, bản thảo của ông Thanh được viết trên giấy học trò, khoảng gần 400 trang, còn bản thảo của ông Phương viết sau, chỉ khoảng 190 trang đánh máy lấy tên Những thiên thần ra trận.

Ông Phương cho rằng, nếu ông Thanh muốn chứng minh kịch bản trên là của một mình ông Thanh thì phải đưa ra trước TAND TP Hà Nội bản thảo viết tay gần 400 trang để tòa so sánh với kịch bản Biệt động Sài Gòn mà ông Phương đã sửa chữa, chứ không phải là so sánh bản đánh máy gần 200 trang mà ông Thanh cung cấp.

Ông Phương khẳng định ông Thanh đã đến Hãng phim truyện Việt Nam để lấy bản thảo viết tay về (sau khi bản thảo không được sử dụng), chắc chắn ông Thanh đang lưu giữ bản thảo viết tay, còn bản đánh máy 200 trang ông dùng để kiện là bản "ngụy tạo".

Thế nhưng, ông Thanh lại phủ định việc lưu giữ bản thảo viết tay, mà nói rằng ông Phương đã "thủ tiêu" nó. Ông Thanh tuyên bố chưa hề đến Hãng phim truyện Việt Nam để nhận kịch bản về. Và kịch bản của ông chỉ dài gần 200 trang, chứ không phải 400 trang...

Tuy nhiên, bên thứ ba - Hãng phim truyện Việt Nam, khả dĩ có thể làm chứng được, thì đại diện hãng cũng "không thể nhớ nổi" vì hồi đó phải duyệt 16 - 17 kịch bản phim cùng lúc!

Biệt động Sài Gòn (1986) được coi là một trong những thành công chói sáng của điện ảnh cách mạng. Ai đúng, ai sai, TAND Hà Nội sẽ phân xử. Chỉ có điều, sự cố này ít nhiều khiến một bộ phim "vang bóng một thời" trong lịch sử điện ảnh Việt Nam tạo một vết xước trong lòng người hâm mộ!

Theo Y Nguyên
Thanh Niên

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.