Phim đề tài đồng tính VN : Trở về... 100 năm trước!

Phim đề tài đồng tính VN : Trở về... 100 năm trước!
TP - Những bộ phim đề cập đề tài đồng tính luyến ái ở Việt Nam dường như đang lặp lại vết xe đổ của điện ảnh thế giới: Đi lại từ đầu quy trình thay đổi nhận thức của giới điện ảnh từ một thế kỷ trước, thay vì bắt nhịp vào trình độ nhận thức chung hiện nay.

Gần trăm năm trước, bộ phim đầu tiên đề cập đề tài đồng tính luyến ái- Sự khác biệt của những người khác (1919) - ra đời tại Đức. Sau đó, đề tài này bị “quăng quật” khá nhiều khắp các nền điện ảnh, dựa trên đủ loại tư tưởng.

Gần đây, dư luận về vấn đề đồng tính luyến ái đã cởi mở hơn. Hàng loạt phim được khán giả đón nhận, vinh danh trong các liên hoan phim khu vực và quốc tế: Bên nhau hạnh phúc (1997, Vương Gia Vệ), Bá Vương biệt Cơ (1993, Trần Khải Ca), Tiệc cưới (1993, Lý An), Mulholland Dr. (2001, David Lynch), Núi Brockeback (2005, Lý An) ...

Thành công vang dội của những phim này không có gì phải nghi ngờ. Trong đó, ẩn chứa sự thừa nhận của cả người làm phim lẫn khán giả về giới đồng tính.

Năm ngoái, phim về đề tài đồng tính Đức vua và chàng hề (Lee Jun-ik) nhận 15 đề cử trong giải thưởng điện ảnh danh giá của Hàn Quốc- Daejong. Bộ phim còn đạt kỉ lục doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh Hàn.

Riêng khu vực châu Á - vốn là nơi luôn tỏ ra khắt khe hơn về vấn đề này so với phương Tây, cũng có hẳn một liên hoan phim dành riêng cho loại phim đề tài đồng tính Hong Kong Lesbian and Gay Film & Video Film Festival (HKLGFF), với sự tham gia của nhiều nhà làm phim trên thế giới.

Qua cái nhìn của các nhà làm phim, người xem cảm nhận thái độ ứng xử đúng đắn với “giới tính thứ ba”.

Phim Việt Nam: Theo vết xe đổ

Dù muốn hay không, đồng tính cũng là vấn đề của con người, đương nhiên nghệ thuật điện ảnh không thể né tránh. Điều quan trọng là các nhà làm phim nhìn vấn đề đó như thế nào cho công bằng và thuyết phục, cho kịp với nhận thức của xã hội.

Gần đây, có một số phim (cả điện ảnh và truyền hình) ít nhiều có nội dung về đồng tính như: Một thế giới không có đàn bà, Gái nhảy, Hồn Trương Ba - da hàng thịt, Trai nhảy, Công ty thời trang, 2 trong 1, Ảo ảnh ...

Hầu như thái độ của các nhà làm phim ở những phim này đều có vẻ đang đi lại đúng những bước chuyển biến qua gần 100 năm ở “bên ngoài”. Cũng là thái độ rụt rè, sau đó là miệt thị, mua vui, chọc cười...

Không ít nhà làm phim còn coi “yếu tố đồng tính” như một chiêu câu khách cho bộ phim của mình. Bối cảnh để đặt nhân vật đồng tính trong phim nếu không là vũ trường, quán bar, thì cũng là chốn ăn chơi, hiếm khi là một nơi nghiêm túc để tỏ chút xót xa, thông cảm.

“Thiện cảm” hơn cả với người đồng tính có lẽ là Những cô gái chân dài của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng. Phim có một tuyến nói về tình cảm của anh chàng gay sống cùng phòng với Hoàng – nhân vật chính.

Phim đề tài đồng tính VN : Trở về... 100 năm trước! ảnh 1
“Đức vua và chàng hề”

Mối quan hệ này được mô tả với chút bi, có ghen tuông, hờn dỗi, rồi kết cục cũng là sự ra đi, gieo chút cảm thương cho nhân vật...

Còn đây là nhãn quan của đạo diễn Lê Hoàng: “Đồng tính rõ ràng là một căn bệnh”,“Tôi nhắc lại là tôi không ủng hộ tình yêu đồng tính cũng như không ai ủng hộ một thứ bệnh”. (Trả lời độc giả giao lưu trực tuyến trên Vietnamnet ngày 5/6/2003 trước khi khởi quay bộ phim đề tài đồng tính – Trai nhảy).

Trong khi đó, từ năm 1973, khoa học Mỹ đã chứng minh rằng đồng tính không phải một căn bệnh. Nếu vị đạo diễn này đã nói đến vậy, thì khán giả có thể mong chờ chi một tấm tình đối với những người đồng tính trong phim của ông?

Điện ảnh thế giới đi qua những cung bậc xúc cảm, ứng xử như trên từ lâu rồi. Họ đã có những bộ phim nhìn về thế giới đồng tính với con mắt đầy thương cảm, cảm thông, rồi đến mức bình thường, công bằng rồi. Còn điện ảnh Việt Nam, chưa biết đến khi nào quan điểm này mới được chính thức thừa nhận và đưa lên phim chính thống.

MỚI - NÓNG