Phim Đường thư nói gì?

Phim Đường thư nói gì?
Bối cảnh phim là Khe Sanh mùa khô 1967 nơi diễn ra những trận đánh ác liệt trong chiến tranh chống Mỹ... Đường thư chứng tỏ vẫn có thể làm sinh động những đề tài đang bị thể hiện theo cách thức quá sáo mòn, khô cứng!
Phim Đường thư nói gì? ảnh 1
Một cảnh trong “Đường thư”

 Theo yêu cầu của mặt trận, hai chiến sĩ Tân (Quốc Tuấn đóng) và An (Tuấn Tú) mang công lệnh đặc biệt lên cao điểm 861 đang bị địch bao vây. Trên đường đi qua những cánh rừng già, họ đụng độ nhóm biệt kích.

Thực ra chỉ Tân là quân bưu, còn An là cậu binh nhì đặc công kiêu hãnh “báo đài chỉ nói đến trinh sát, đặc công, lính chiến… chứ có ca ngợi quân bưu bao giờ”. Cho nên An nhận lệnh theo Tân lên cao điểm 861 nhưng không được thoải mái cho lắm. Thỉnh thoảng lại gây sự “anh là quân bưu, đánh đấm… gì!”. Thế nhưng An  mới là người ngây thơ trước thực tế khắc nghiệt của chiến tranh… Quốc Tuấn vào vai Tân khiến người xem có cảm giác đây là vai đáng nhớ nhất của anh.

Tuấn kể: “Tôi đóng nhiều phim chiến tranh rồi, nhưng ở Đường thư nhân vật có tính cách và số phận rõ ràng, không bị chung chung”. Xem Tân của Tuấn vẫn muốn nhân vật của anh thô ráp hơn chút nữa, gắt hơn chút nữa và nhịp phim cũng nhanh thêm chút nữa cùng công lệnh hỏa tốc.

Đường thư có thực là phim hành động như đạo diễn nói? Rõ ràng không phải kiểu phim hành động, võ thuật từ đầu tới cuối, khả năng võ thuật của anh lính đặc công An chỉ thể hiện trong 2- 3 cảnh.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cho biết: “Đường thư không tâm lý rườm rà, không triết lý nặng đầu, tuyên truyền cứng nhắc. Kết cấu một đường dây, kịch bản kiệm lời với những ép- phê đủ gây sợ hãi, hồi hộp, hấp dẫn…, cách này được gọi là thể loại hành động chiến tranh.

Hai cảnh biểu diễn võ thuật chỉ là thủ pháp nhỏ. Cảnh tôi đầu tư nhiều nhất vẫn là trường đoạn pháo kích và vượt qua bãi mìn. Đoàn làm phim đã dốc hết khả năng tiền bạc và trình độ biểu diễn để làm đoạn đó… Nếu tôi làm quá nữa thì Đường thư không còn là Đường thư”.

Kinh phí làm phim cũng bằng các bộ phim được tài trợ bình quân hàng năm (hơn 1 tỷ đồng, chưa trừ khấu hao máy móc và một số khoản khác), Đường thư không được ưu ái thêm tiền vì có cảnh đạn nổ bom rơi. Với kinh phí ấy, đạo diễn phải đếm từng viên đạn, nhưng rốt cuộc phim đã sử dụng gấp 2,5 lần dự toán vì “có cái không thể tiết kiệm được”.

Diễn viên Quốc Tuấn bảo “bình thường các đoàn làm phim chỉ gài từng quả nổ một, đằng này đạo diễn cứ chập đôi lại đánh khiến tôi ù cả tai”. Quay phim Vũ Đức Tùng muốn có những cú máy cầm tay lao vào khói lửa, đạn bắn, mìn nổ, nhưng ta lại không có hệ thống cân bằng tự động, quay phim đành chấp nhận mạo hiểm, vào sát quả nổ.

Đạo diễn tâm sự: “Tôi làm gì có tiền mà bỏ thêm ra để làm Đường thư, chỉ biết làm hết lòng”. Biên kịch Đoàn Tuấn xúc động (2 nhân vật Tân, An không phải hư cấu, là người cùng đơn vị với anh và đã mất) cứ nhắc đi nhắc lại “những người làm phim trẻ có tâm hồn trong sáng và sự quyết liệt của mình”.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.