Phim hình sự Việt: Chả có gì để nói!

Phim hình sự Việt: Chả có gì để nói!
Dùng nhãn quan của người quen xem phim hình sự hành động Mỹ để nói về phim hình sự hành động Việt Nam thì hoặc là nói cả ngày, hoặc... chả có gì để nói!

Trước tiên, xin chọn vế "nói cả ngày". Có nghĩa là so sánh mệt nghỉ với phim Mỹ. Và chê phim ta đến chán chê.

Làm gì có phim hình sự nào mà chưa chi người xem đã biết trước nhân vật này là thằng lưu manh toàn phần, nhân vật kia là người có đạo đức sáng ngời?

Làm gì có phim hình sự nào mà kết cuộc câu chuyện lại được biết trước khi phim kết thúc rõ nhiều, cứ như sợ người xem không hiểu và không đủ thời gian... xem hết?

Trên sóng truyền hình không hiếm những phim như thế. Nói series Cảnh sát hình sự trên VTV hay Đô la trắng trên HTV (TP.HCM) là phim hình sự thì hết tám phần ưu ái và hai phần nhầm lẫn.

Đây chỉ là những phim về vụ án, về chuyện cảnh sát hình sự phá án. Bởi nội dung vụ án cứ phơi rành rẽ qua những đoạn thoại dài dòng, án bị phá cũng chỉ đơn giản sau vài tiếng còi hụ, dăm ba cú ra đòn... rất giả...

Nhưng bảo truyền hình chú tâm làm những phim hình sự cho ra hình sự thì hãy còn lâu, bởi các bác ấy còn đang mải mê với những câu chuyện tình lắt léo kiểu Hàn Quốc hoặc Thái Lan. Chế biến mấy món cay cay kiểu Thái, Hàn dầu sao cũng dễ làm và dễ bán hơn mấy cái món hình sự dích dắc cầu kỳ kiểu Mỹ.

Nhìn sang phim nhựa, tình cảnh còn hiu hắt hơn bên truyền hình. Từ sau những bộ phim hình sự hành động đậm mùi phim xã hội đen Hong Kong của gia đình Lý Huỳnh một dạo, đã thấy mất hút dòng phim này.

Gần đây có Dòng máu anh hùng của gia đình Nguyễn Chánh Tín gây xôn xao, song phim này thiên nhiều về hành động. Sắp tới có Vũ điệu tử thần mà đạo diễn của nó, Bùi Tuấn Dũng khẳng định chắc chắn "đây chính là phim hình sự hành động".

Vậy thì hãy thử nói một chút về "phim hình sự" Vũ điệu tử thần. Đúng là nội dung phim đã giấu được danh tính tên sát thủ số một cho đến... giữa phim, đáng kể hơn, khán giả đến cuối phim mới biết được viên cảnh sát của đội chống tội phạm ma túy là quân nhân biến chất, là kẻ dẫn dắt cả hai phía chính diện lẫn phản diện.

Cứ theo cấu tứ kịch bản một bộ phim hình sự kiểu Mỹ mà đạo diễn thừa nhận là chịu ảnh hưởng, thì Vũ điệu tử thần đã bước đầu đạt được tiêu chuẩn "xem cảnh trước không đoán được cảnh sau".

Song, trừ nhân vật phụ là lão già hành nghề đạo chích theo một kiểu cách lạ đời được xây dựng khá độc đáo, các nhân vật chính ngược lại đều thiếu cá tính.

Nhân vật của phim hình sự, lại theo lối Mỹ, mà thiếu một nét quái nào đó trong tính cách, thì phần hồn của phim chưa đầy. Nói theo kiểu dân ghiền phim hình sự hành động, thì xem Vũ điệu tử thần chưa thấy sướng được!

Trở lại việc chọn vế thứ hai, vế "chả có gì để nói". Vậy để đạo diễn của Vũ điệu tử thần nói: "Có hai loại phim hình sự hành động và hình sự tâm lý. Nhưng ở Việt Nam chưa có ai làm hai loại này. Mới chỉ có phim vụ án". Thế phim hình sự Việt Nam rõ ràng là một con số không tròn trĩnh?

Không dám nói rằng phim của mình bước đầu khai mở cho dòng phim hình sự hành động thực sự, Bùi Tuấn Dũng chỉ khẳng định mình đã tạo ra một êkíp ăn ý, khai thác hết khả năng của nhau trong điều kiện có thể để làm ra bộ phim tốt nhất:

"Điều kiện để làm phim hình sự ở Việt Nam rất thiếu, phim trường, đạo cụ, kinh phí, cháy nổ, kỹ xảo... nói chung là thiếu gần như toàn bộ". Lại thêm một con số không to tướng?

Thì đã nói là chả có gì để nói.

Thế nên, giờ đây có đạo diễn bắt tay vào làm phim hình sự là mừng, có nhà sản xuất bỏ tiền ra đầu tư cho phim hình sự thì phải hoan hô. (Hiện tại, phía truyền hình đang thực hiện vài dự án làm phim có vẻ như là phim hình sự...).

Có như thế thì may ra mới đến lúc người ta hoặc sẽ râm ran cả ngày, cả tháng hoặc... không nói được lời nào vì phim hình sự Việt Nam... ổn quá.

Theo Võ Tiến
VietnamNet

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.