Phim truyền hình bị 'giết' như thế nào?

Phim truyền hình bị 'giết' như thế nào?
TP - Sau bài Thảm họa phim truyền hình, vì đâu?, để rộng đường dư luận, Tiền Phong chuyển tải ý kiến của nhà phê bình điện ảnh Đoàn Minh Tuấn, tiếp tục mổ xẻ nguyên nhân khiến phim truyền hình kém cỏi, “sống như chết”, khiến khán giả cực kỳ bức xúc hiện nay.

Thảm họa phim truyền hình, vì đâu?

Ở nhiều nước, phim truyền hình dài tập là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với khán giả phổ thông. Như các nước Mỹ Latin, những bộ phim thuộc loại telenovella khiến cuộc sống của người dân dường như bị dừng lại khi TH phát sóng.

Ở Mỹ, từ thời nhà sản xuất được tài trợ bởi các hãng xà phòng - cho ra đời thể loại opera soap (opera xà phòng - vì khi chiếu, phần đông các bà nội trợ xem nên quảng cáo nhiều xà phòng) cho đến nay, phim TH vẫn tiếp tục phát triển. Dường như chỉ ở ta, phim TH có chiều hướng càng làm càng dở. Vì sao?

Nhà đài - kẻ chủ mưu giấu mặt

“So sánh mối quan hệ giữa nhà đài với các nhà sản xuất phim, tôi lại nhớ hình ảnh vợ chồng Tenardier và cô bé Cozet trong Những người khốn khổ của V.Hugo”

Việc xã hội hóa ngành sản xuất phim đã tạo điều kiện cho nhiều công ty sản xuất phim ra đời. Theo số liệu tin cậy, hiện có hơn 150 công ty làm phim, trong đó khoảng 50 công ty làm phim TH dài tập. 30 trong số này là đối tác của HTV, còn VTV có khoảng 20. Vậy mà chỉ có vài đầu ra ở VTV và HTV khiến họ phải cạnh tranh để sinh tồn.

Đấy là hậu quả tréo ngoe của việc nhà nước cho thành lập hãng phim tư nhân nhưng lại thắt chặt đầu ra của sản phẩm. Nghiễm nhiên đặt VTV và HTV vào vị trí các ông chủ đầy quyền lực.

Và 50 doanh nghiệp kia, muốn sản phẩm đến được công chúng, không còn con đường nào khác là phải quan hệ, tức là phải “chạy”. Những chuyện chạy này hay hơn rất nhiều so với các phim dài tập được chiếu trên truyền hình. Một cặp biên kịch - đạo diễn kể, có ý định xây dựng một phim truyền hình dài tập về những nỗi cay đắng nhục nhã mà họ phải trải qua để phim mình được cấp “quota”, nhưng rồi cuối cùng đành nuốt nghẹn vào lòng.

Nhà đài đặt ra giờ Vàng. Cái này là cái gì? Có tiêu chí nào không? Cũng tương tự bên giáo dục, đôi khi cái gọi là trường điểm, lớp điểm là nơi có nhiều học trò yếu kém nhưng cha mẹ quan hệ tốt với nhà trường, gửi gắm con em vào. Thực chất giờ Vàng là một nguồn làm ăn của đài. Không lạ gì khi những bộ phim yếu kém được chui vào khung giờ Vàng. Nhà đài chỉ việc chiếu phim thu tiền quảng cáo và:

- Không hỗ trợ nhà sản xuất

- Không chịu trách nhiệm gì về bộ phim

- Không có định hướng gì cho đối tác

- Không cần biết khán giả có xem hay không

- Còn nhiều cái không khác nữa.

Đạo diễn Khải Hưng, 5 năm về trước, nói: “Phim truyền hình của ta vẫn chưa qua tuổi thôi nôi”. Nhà sản xuất Phước Sang nói phim truyền hình dài tập “còn bé lắm mấy anh ơi, nó mới 2 tuổi thôi mà”. So sánh mối quan hệ giữa nhà đài với các nhà sản xuất, tôi lại nhớ hình ảnh vợ chồng Tenardier và cô bé Cozet trong Những người khốn khổ của V.Hugo.

“Cô nàng bất đắc dĩ” - nghe tên phim đã thấy kỳ
“Cô nàng bất đắc dĩ” - nghe tên phim đã thấy kỳ.

Hãng phim tư nhân - nạn nhân kiêm thủ phạm

Thường thì một hãng phim tư nhân mới thành lập, họ phải làm những phim tài liệu về giáo dục hay du lịch trong thời gian dài để học hỏi kinh nghiệm và chuẩn bị tiềm lực hướng đến việc làm phim truyện. Nước ta, một hãng phim tư nhân vừa ra đời đã lao ngay vào làm phim, không phải một tập mà nhiều tập. Đấy là điều kỳ diệu của Việt Nam.

Và một hãng phim tư nhân thường phải có độ tuổi từ 15 đến 20 năm mới gọi là trưởng thành trong nghề để nói chuyện nghề nghiệp được. Ngược lại, ở ta các hãng tư nhân muốn tồn tại chỉ cần quan hệ rộng. Quan hệ để vay tiền ngân hàng. Quan hệ để có doanh nghiệp, đại gia yểm trợ. Quan hệ để có các công ty quảng cáo hỗ trợ. Quan hệ để phim mình được nhà đài cấp “quota”, được xếp chiếu giờ Vàng. Bao nhiêu sức lực, tài lực dành cho quan hệ rồi thì lấy gì đầu tư vào phim nữa? “Toét mắt là tại giếng đình. Cả làng cùng toét riêng mình em đâu”.

Phim yếu, phim cẩu thả, phim rẻ tiền, phim giả tạo, phim không thể sống nổi một lần, phim gì đi chăng nữa, ai dám phạt nhà sản xuất? Cùng lắm là ngưng chiếu chứ gì! Việc gì phải làm phim tốt cho tốn tiền. Việc gì phải làm phim hay cho mệt. Phim hay mà không chen chân được vào giờ Vàng thì khác gì áo gấm đi đêm? Nhiều người làm tranh hàng chợ thì hội họa sẽ suy tàn. Nhiều người làm phim nghiệp dư thì phim ắt tệ hại.

Nghệ sỹ - kẻ tòng phạm

Cung cách làm phim như vậy nên đội ngũ làm phim, từ biên kịch đến đạo diễn, quay phim, dựng phim và các thành phần khác đều làm kiểu nháo nhào, cẩu thả. Biên kịch đòi làm luôn đạo diễn. Đạo diễn đòi làm luôn phần âm nhạc cho phim. Một diễn viên một lúc nhận vài hợp đồng, vừa làm người mẫu, ca sỹ là chuyện thường. Quay phim đòi kiêm luôn biên kịch. Nhà sản xuất đòi làm từ A-Z... Cái làng phim truyền hình Việt Nam từ Nam chí Bắc đều như nhau cả. Tôi nhớ đến ca khúc Vũng lầy của chúng ta của Lê Uyên Phương mà hình dung thảm trạng phim truyền hình Việt lúc này.

Một đạo diễn làm nghề tử tế trên trường quay bị cậu ánh sáng chế giễu: “Thôi đi ông ơi! Ông săn bắt con nghệ thuật làm đinh gì mà lâu thế! Bọn tôi chết khát cả rồi”. Anh họa sỹ thiết kế thêm vào: “Được huy chương thì mình ông hưởng chứ bọn tôi được cái gì. Thôi, xong sớm nghỉ sớm”. Anh đạo diễn đành thỏa hiệp với các đồng nghiệp.

Ai có lương tâm làm phim tốt bị cho là dở hơi. Ai yêu cầu đồng nghiệp lao động nghiêm túc bị coi là không biết điều. Ai làm phim không đảm bảo tiến độ của nhà sản xuất bị cho nghỉ. Nhìn vào đội ngũ làm phim truyền hình hiện nay, tôi chợt nhớ hình ảnh của các phân tử va chạm nhau một cách hỗn loạn như kiểu chuyển động Brown.

Quyền Linh nay chuyển hẳn sang nghề MC bởi “Sợ phim Việt chẳng còn dám diễn”
Quyền Linh nay chuyển hẳn sang nghề MC bởi “Sợ phim Việt chẳng còn dám diễn”.

Khán giả - ngộ độc

Làm khán giả thật khổ trăm bề. Đồ ăn thức uống thì nhiễm thuốc sâu, chất bảo quản. Chưa sáng ra đã bị ô nhiễm bởi tiếng ồn tứ phía. Ra đường thì kẹt xe, lầy lội, nắng gắt. Hàng ngày phải va chạm bởi bao thứ bực mình. Tối về nhà bật TV, gặp toàn phim phải gió.

Tôi cứ hình dung phim truyền hình hiện nay như một loại thực phẩm được chế biến từ vật liệu ôi thiu, xào xáo qua loa, thêm vài thứ gia vị cho dậy mùi rồi bán cho công chúng.

Phim truyền hình như một loại thức ăn nhiễm độc. Khán giả tiêu thụ nó đang dần bị hủy hoại một cách âm thầm về nhiều mặt. “Khán giả chấp nhận mọi thứ” - có thể nói, chưa bao giờ, nguyên tắc này của truyền hình được các đài, nhà sản xuất và các nghệ sỹ lợi dụng như hiện nay.

Một đạo diễn làm nghề tử tế trên trường quay bị cậu ánh sáng chế giễu: “Thôi đi ông ơi! Ông săn bắt con nghệ thuật làm đinh gì mà lâu thế! Bọn tôi chết khát cả rồi”. Anh họa sỹ thiết kế thêm vào: “Được huy chương thì mình ông hưởng chứ bọn tôi được cái gì. Thôi, xong sớm nghỉ sớm”. Anh đạo diễn đành thỏa hiệp với các đồng nghiệp.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG