Phố đi bộ ở TP Hồ Chí Minh - Kỳ cuối: Cần bản sắc, hiện đại

Phố đi bộ Nguyễn Huệ nhìn từ trên cao.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ nhìn từ trên cao.
TP - Các kiến trúc sư và chuyên gia phát triển đô thị đều không ủng hộ cấm hàng rong ở phố đi bộ; đồng thời hiến kế để thành phố có thêm những phố đi bộ nghệ thuật ngày càng văn minh, hiện đại.

Hàng rong là nét văn hóa?

Từ khi trở thành phố đi bộ, đại lộ Nguyễn Huệ có nhiều thay đổi về diện mạo. Từ một khu trung tâm thương mại sang trọng, nhiều nhà hàng, cà phê đã xuất hiện. Căn chung cư cũ ở số 42 và các ngõ hẻm tập trung nhiều nhà hàng, quán cà phê, shop thời trang… bình dân để phục vụ du khách. Ngoài ra, phố đi bộ Nguyễn Huệ còn thu hút hàng rong tụ tập đông đảo mỗi tối khiến con phố “sang chảnh” ngày nào nay đã bình dân hơn và có phần… nhếch nhác hơn.

Tiến sĩ Khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng: Chọn phố Nguyễn Huệ làm phố đi bộ là chưa phù hợp, bởi từ trước tới nay đây là khu thương mại và dịch vụ sang trọng, khi trở thành phố đi bộ vẫn có con đường xe chạy hai bên. Hơn nữa, khoảng không gian ở giữa với thời tiết rất đặc trưng của Sài Gòn và cây cối mới trồng nên ban ngày không có ai đi bộ, chỉ có buổi tối thôi”.

TS Hậu cho rằng, người ta đổ ra đấy không phải để đi bộ vì xung quanh là khu thương mại sang trọng, không phù hợp với đa số người dân, nên đây là khu phố chỉ để đến vui chơi. Do tính chất như vậy, việc biến Nguyễn Huệ thành phố đi bộ nhưng lại không có những thứ phục vụ cho chức năng sinh hoạt đi bộ nên hàng rong tự phát là đương nhiên. Với phố Bùi Viện, việc tổ chức phố đi bộ là đúng nghĩa bởi hai bên hàng quán rất nhiều và cũng là nơi tập trung lưu trú của du khách. Các món ẩm thực là nét văn hóa độc đáo của Sài Gòn, phục vụ cho nhu cầu của du khách”.

KTS Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch thường trực Hội Kiến trúc sư TPHCM, người chủ trì thiết kế Công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh chia sẻ: “Gọi là phố đi bộ Nguyễn Huệ thì chưa đúng, mà phải nói cả quảng trường nữa, nó là 2 trong 1. Trong một đô thị nói chung, bao giờ cũng có một hoặc nhiều quảng trường, đó là nguyên tắc quy hoạch đô thị. Việc kết hợp quảng trường và phố đi bộ là một phương án hợp lý nhất, bởi nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân thành phố là rất cần nhưng không có đất.

Khi có không gian rồi, việc sử dụng thế nào là của nhiều ban ngành. Đi bộ không có nghĩa là ra đó thể dục, đi tới đi lui mà chỉ là một cái cớ để đến đó. Việc bán hàng rong luộm thuộm, thành phố và các ban ngành liên quan phải có trách nhiệm”.

TS Nguyễn Thị Hậu bày tỏ: “Tôi không tán thành việc chính quyền ra lệnh cấm hàng rong, mà phải quản lý bởi người dân có nhu cầu và cấm không phải cách quản lý đô thị. Trên thế giới, các phố đi bộ phục vụ cho du lịch không bao giờ cấm hàng ăn, hàng rong vỉa hè”.

KTS Nguyễn Trường Lưu cho rằng: “Cấm hàng rong nhếch  nhác là đúng nhưng sau cấm thì phải có quy hoạch, phải làm thế nào để hàng rong trở nên có văn hóa. Nếu làm được như Bùi Viện thì quá tốt, tôi đánh giá cao phố đi bộ này tất nhiên là  cần  quản lý  quy  củ hơn. Các thành phố lớn trên thế giới như Saint Peterburg (Nga), hàng rong hoạt động bình thường. Nghệ sĩ đến đây vẽ tranh, biểu diễn, còn  du khách  vừa ngồi xem vừa thưởng thức cà phê, ăn nhẹ…”.

Theo ông, khi đi nước ngoài, chúng ta nếu có nhu cầu tìm hiểu đời sống, văn hóa của người bản địa thì phải vào các khu phố, chứ vào khách sạn 5 sao thì ở quốc gia nào cũng như nhau. Nếu TPHCM tổ chức tốt các phố đi bộ thì đây chính là cơ  hội  để quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Phố đi bộ nghệ thuật

“Trên thế giới, phố đi bộ nước nào cũng có đến cả trăm năm rồi nên họ quản lý chuyên nghiệp hơn chúng ta nhiều. Phố đi bộ chỉ là tên gọi thôi, chứ ra phố với nhiều mục đích như cần môi trường giao tiếp, xem biểu diễn nghệ thuật đường phố, mua đồ lưu niệm, ăn uống…Theo tôi, TPHCM có nhiều phố đi bộ chứ không chỉ có phố Nguyễn Huệ và Bùi Viện”- GS.TS Nguyễn Minh Hòa, Ủy viên Hội đồng Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, Trưởng Bộ môn Đô thị học Trường ĐH KHXH&NV TPHCM chia sẻ.

Theo ông Hòa, các phố có chợ đêm như Kỳ Hòa (quận 10) trước đây cũng là phố đi bộ, hay chợ Bến Thành quận 1 hiện nay cũng là phố đi bộ. Nói chung, phố đi bộ chỉ là một không gian chung, nơi để người dân, khách du lịch khác màu da, quốc tịch đều có thể giao lưu, gặp gỡ và tìm thấy bản sắc văn hóa của địa phương.

Với kinh nghiệm của một người trong Hội đồng Quy hoạch TPHCM, ông Hòa cho rằng những khu vực Nhà thờ Đức Bà và các con đường xung quanh như Alexandre, Hàn Thuyên hoàn toàn có thể trở thành phố đi bộ. “Có nhiều loại phố đi bộ nhưng tôi nghĩ nên làm khu vực này khép kín là phố đi bộ nghệ thuật. Thành phố phải tạo ra các khu phố đi bộ đậm đặc văn hóa, nghệ thuật đáp ứng  nhu cầu  của người dân, khách quốc tế đến Sài Gòn, ông Hòa nói thêm.

KTS Nguyễn Trường Lưu: “Tôi biết sắp tới TPHCM sẽ có phố âm nhạc, phố hội họa. Giới quy hoạch kiến trúc đang chọn nhiều địa điểm để trình lên thành phố và tôi thấy hợp lý nhất là các con phố quanh khu vực Nhà thờ Đức Bà: Alexandre, Hàn Thuyên… Những phố đi bộ nghệ thuật này sẽ giải quyết nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân, du khách đến TPHCM trong tương lai không xa”.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.