Phố hoa, đường xuân

Phố hoa, đường xuân
TP - “Nếu dân Anh đón năm mới tại Quảng trường Trafalgar đợi chuông đồng hồ Big Ben, người Mỹ kéo về Quảng trường Thời đại, thì Hà Nội chào 2009 trong không gian đầy hương sắc”.

Tại Phố Hoa, tên mới của phố Đinh Tiên Hoàng ngày này, nhà tổ chức lễ hội ví von.

Khai xuân bằng đại cảnh hoa, lá, đất và cỏ là nét lạ- sự kiện của thủ đô năm mới hướng tới nghìn năm.

Phố hoa, đường xuân ảnh 1
Phố Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) đêm 31/12/2008 trở thành Phố Hoa

Rừng hoa, suối hoa tràn phố

Một con suối làm từ đá vụn trắng uốn lượn, trên đó có cây cầu, con thuyền, đăng đó cũng đơm đầy hoa. Màn sắp đặt công phu được phối hợp bởi ba cửa hàng hoa Sáo, Minh Vĩnh, Time Flower- tập hợp theo lời mời của nghệ nhân hoa quốc tế Nguyễn Mạnh Hùng người bỗng nổi lên trong những ngày này. Kể từ khi nhận lời- chị Sáo (chủ cửa hàng Sáo) còn nhớ là từ 17/11 đến nay, chị hầu như không ngủ.

Một tiểu cảnh phơ phất- những bụi lau mô phỏng rừng cờ lau tụ nghĩa năm nào dành tưởng nhớ Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi năm 968. Dòng chú thích: “Lần đầu tiên Hà Nội tổ chức lễ hoa Phố Hoa trên đường Đinh Tiên Hoàng. Chúng con xin kính dâng người với tấm lòng thơm thảo”.

Phố hoa, đường xuân ảnh 2
Suối hoa

Đi từ đầu Hàng Khay lại, đập vào mắt có gian hàng tranh hoa khô của nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu. Hoa khô nhãn hiệu Việt Nhật của ông làm toàn từ thực vật, như xơ mướp giả bông lau, lá tre giả cánh hoa... Bằng các nguyên liệu này ông còn vẽ thành tranh. Không vô cớ ông Mưu có khách hàng ở Nhật, Hàn Quốc, Pháp, Đức.

Chồn chân thưởng hoa rồi thì có thể ngồi lên chõng tre của các cô mặc áo the uống nước chè, nước vối, kẹo lạc, kẹo dồi, bánh rán... Xen (cảnh) này được hiểu là phông nền cần thiết gợi cảnh xưa người cũ Hà Nội và cả thương nhớ đồng quê.

Ba tháng trước Hà Nội trải qua trận lụt lịch sử  nên Nghi Tàm, Mê Linh, Tây Tựu... không đủ hoa cho lễ hội. “Đồng trắng” lại vừa qua vụ 20/11 và mùa cưới, nên hội tụ ở đây là sản phẩm từ Đà Lạt và các tỉnh phía Nam, Trung Quốc.

Thiếu vắng những loại hoa nổi tiếng của những làng hoa nổi tiếng nhất thủ đô. Bù lại, có mâm xôi, mimôza, phong lan và tất cả may thay, đều đẹp trong tiết tháng Chạp.

Phố hoa, đường xuân ảnh 3
Đường hoa

Những gương mặt mùa xuân

Patrick Heaphy và Chuck Baroo người Mỹ- lần đầu đến Việt Nam xuýt xoa trước các variăng bonsai: “Đây là thứ yêu thích nhất của tôi ở chỗ này, và cũng là thứ đẹp nhất tôi từng thấy trên thế giới”.

Patrick từng du lịch qua hai chục nước, nhưng rất may chưa đến cường quốc bonsai Trung Quốc, Nhật Bản. Hai người cũng nêu quan điểm hội hoa Việt Nam hay ở chỗ khá dài ngày lại bày ngay trên đường, tiện vừa đi vừa ngắm.

Phố hoa, đường xuân ảnh 4
 “Gánh hàng hoa”

Một “chủ nhân của lễ hội”, chị Xuyến kể, năm ngày có sự kiện, chị chỉ được về nhà sau 24 giờ. Bê, chuyển, canh giữ, tưới nước cho hoa lễ hội xong, chị lại trở về với đám cúc và thảm cỏ ven Bờ Hồ- công việc gắn bó từ năm 1989 (chị là nhân viên tổ Hoàn Kiếm 2- Cty công viên cây xanh Hà Nội).

Một người làm nghề chăm hoa đón Tết thế nào? “Hai mươi năm nay tôi không biết thế nào là mùng Một Tết dương lịch và Tết nguyên đán ở nhà. Nhưng quen rồi”.

Ông Khang, Cty Hoàng Hoa góp một khu gỗ lũa + hoa, một tiểu cảnh cạnh sân khấu Vườn hoa Lý Thái Tổ và hai nhà tranh có chiếc thuyền trên hồ cạn- khá oách.

Ông kể: “Thời gian chuẩn bị ít, tài chính riêng cũng đang eo hẹp nhưng lâu lắm Hà Nội mới có một dịp vui”. Theo ông Khang, lần cuối Hà Nội tổ chức hội hoa xuân quy mô lớn là năm 1985.

Phố hoa, đường xuân ảnh 5

Một sản phẩm trong lễ hội phố Hoa của các nghệ nhân TP.HCM. Ảnh: Phạm Yên

Trong dòng người đang chảy cũng như suối, thấy khá nhiều văn nhân tài tử: Thu Hà (phim Lá ngọc cành vàng), Nguyễn Huy Thiệp – Nguyên chủ nhà hàng Hoa Ban cùng bạn già Nguyễn Bảo Sinh (nhà thơ dân gian như ông tự nhận, riêng viết về hoa có câu “Không tưới cho hoa nilông/Không tâm sự với người không hợp mình”). Rồi các MC bận rộn... Phố Hoa, điểm hẹn mới của người Hà Nội chăng.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.