Phố vẫn còn sông

Tác giả Đinh Vũ Hoàng Nguyên và cuốn sách được giải Văn học Nghệ thuật Thủ đô
Tác giả Đinh Vũ Hoàng Nguyên và cuốn sách được giải Văn học Nghệ thuật Thủ đô
TP - Trong số tác phẩm đoạt giải “Văn học Nghệ thuật Thủ đô” vừa được công bố ngày 12/12 có cái tên Có một phố vừa đi qua phố. Đây là di cảo của tác giả Đinh Vũ Hoàng Nguyên (1975-2012) - người không định làm văn chương nhưng đã đạt đến giá trị văn chương (theo lời nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên).

Y VÀ NHỮNG CHUYỆN “ĐỂU”

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận xét: “Đinh Vũ Hoàng Nguyên viết trên mạng là chính. Nhưng những gì đăng trên mạng của anh thu hút rất nhiều độc giả. Cuốn sách Có một phố vừa đi qua phố rất đáng đọc bởi nó vừa có tính văn chương, có chất sống, gợi cho người ta vui buồn, cảm xúc với tác giả”.

Đinh Vũ Hoàng Nguyên còn được ưu ái gọi là truyền nhân tân tiến của Nam Cao có lẽ vì mụ Thấn (truyện ngắn Khu cu) chửi còn hay hơn Chí Phèo ở khoản “điểm tin cập nhật” sặc mùi thời đại. 

Đọc văn anh lại thấy như Azit Nexin (nhà văn người Thổ Nhĩ Kỳ) đang soi vào gương, đồng dạng và đảo chiều. Azit uống trà ra chuyện biếm. Nhân vật “tôi” của ông bị rơi vào đủ tình huống oái oăm cười ra nước mắt. Còn “y” của Đinh Vũ Hoàng Nguyên thì ngược lại, khoái đặt người khác vào tình trạng dở khóc dở cười. 

“Mình tự đặt cái thể loại viết này là “lảm nhảm” vì nó chẳng mang ý đồ gì; thông điệp thì lại càng không; chỉ là những suy nghĩ chợt hiện vu vơ, lan man không đầu không cuối... Ai đọc, đừng xâu chuỗi các chuyện để cố bảo mình có mục đích hay ẩn giấu bức xúc gì bên trong... vì chẳng có đâu!”.

Đinh Vũ Hoàng Nguyên

Y coi mình là thái sử Bá (quan chép sử thời Xuân Thu nước Tàu). Ông Bá thà bị chém còn hơn xuyên tạc sử. Y thà bị Hiệp hội sản xuất bàn là - Hội các “viên ngoại” sinh một bề con gái (Một mẩu blog của Nguyên) - ném xuống biển còn hơn ngừng chép ra chuyện “thâm cung bí sử” của lũ bạn thân cho đám đông cười trẹo họng. 

Xoay quanh y toàn những chuyện “đểu”. Phố đểu - nói phố cho oách nghe thì toàn chuyện làng xã nửa mùa. Nghệ sĩ đểu, bạn bè cũng đểu- điểm này quá rõ. Câu chữ móc Đông nghéo Tây, dây cà lộn qua dây muống khiến người ta ức đến cổ phải cười phun ra cho hả.

SÔNG TRONG LÒNG PHỐ

Văn, thơ của Đinh Vũ Hoàng Nguyên đứng chung với nhau cứ như người ta chơi bập bênh cảm xúc. Tựa như bao nhiêu “nhăng nhố” anh trút vào tùy bút (loại tùy hứng thì cất bút) còn “thổn thức” dành lại cho thơ. 

Lão thầy bói già (tên blog của Nguyên) mở cửa thả status cho bàn dân thiên hạ vào xem, cười cợt và ném đá. Đợi khách mải mê, “lão” khép cửa chuồn đi với “em” của mình. “Em” là nàng nào đó lão gặp trên phố, đổ lòng yêu. Rồi nàng làm lão loay hoay với mưa với gió, lội con sông chở những lãng đãng mùa. 

Đọc thơ mới sực nhớ lão là họa sĩ. Mỗi câu thơ, một nét cọ. Bức tranh phố với nàng trinh nữ mặc áo mùa thu dần hiện trên nền toan trắng. Là lão đang mơ đấy. Đến lúc phố đi qua phố rồi, mùa đông đưa lão về thực tại và nghĩ đến con.

Thơ của Nguyên gợi nên niềm tiếc nuối. Nghe anh kể con nghe về Những huyết cầu Tổ Quốc thấy rõ sự run rẩy trong từng mạch máu. Cư dân mạng đã muốn khóc khi xem bức ảnh bé Đinh Bũm nhìn cha trên giường bệnh. Nhưng cũng bức ảnh đó, người ta nhận ra anh đang cười.

Người đi qua phố vẫn để lại dấu chân. Đinh Vũ Hoàng Nguyên đi đâu xa lắm từ năm kỉa năm kia mà vẫn có người viết status Facebook hộ lão thầy bói gia . Hóa ra trò tếu táo bậy bạ chọc cười thiên hạ làm người ta buồn nhiều hơn vui. Mà buồn, nhớ mới lâu.

Văn học Nghệ thuật Thủ đô là giải thưởng của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội (Hội Nhà văn, Hội Mỹ thuật và Hội Sân khấu) trao hai năm một lần. Ngoài Có một phố vừa đi qua phố của Đinh Vũ Hoàng Nguyên, giải thưởng văn học còn trao cho ba tác phẩm khác: Cửa hiệu giặt là của Đỗ Bích Thúy, Mùi chữ của Hoài Nam, Thời tốc độ và tâm lý sáng tạo của Phạm Khải.

MỚI - NÓNG