Phòng áp mái, chấn song và nhà chung

Phòng áp mái, chấn song và nhà chung
TP - Đêm đầu trong khách sạn ở đảo Santorini (Hy Lạp), xoay xở trên giường hẹp và nhìn trần nhà là là trước mặt, bạn tôi kêu khó ngủ. Thật giống cảm giác của tôi lần đầu thức dậy trong căn phòng áp mái kiểu châu Âu “Chút xíu nữa là đập đầu vào trần nhà rồi”.

Tôi và bạn tôi dĩ nhiên không phải kiểu nhân vật trong tiểu thuyết “Phật ở tầng áp mái” của nhà văn Juile Otsuka viết về cuộc sống phụ nữ Nhật di cư sang Mỹ đầu thế kỷ 20. Chúng tôi không có “giấc mơ Mỹ”, chỉ lạ lẫm phút đầu với căn phòng áp mái kiểu Tây.

Giờ thì tôi hiểu cảm giác lạ lùng hiện trên gương mặt khách trong làng khi vào xem ngôi nhà chị tôi vừa dựng lên ở quê. Nhà gì mà cửa sổ không chấn song. Họ nghĩ chị tôi bị ảnh hưởng Tây nặng chứ ở xứ này cửa sổ không chấn song khác nào mời kẻ trộm vào nhà. Còn chị tôi lý luận “Cửa sổ chấn song trông như nhà tù”.

Xung đột thế hệ cũng là đây, chung nhà cũng từ đây nảy sinh những chuyện nho nhỏ mà đầy chán ngán. Ấy là một ngày nọ, sau chuyến công tác trở về căn nhà hiện đại ta kỳ công mới cất lên, thấy bức tường quét sơn mịn bóng bỗng nham nhở sứt sẹo vì những lỗ đóng đinh mắc màn mà mẹ ta, bà ta hoặc cô dì chú bác họ hàng nhà ta đến chơi, ngủ lại qua đêm dò không đúng mạch vữa.

Tầng áp mái hoặc phòng áp mái giờ cũng khá phổ biến ở đô thị lớn tại Việt Nam rồi, vì diện tích eo hẹp chứ tâm lý người Việt nào ai muốn ngủ ở những “góc chết”. Các nước hàn đới lại khác, khoảng không gian áp mái rất hữu dụng vì khí hậu lạnh, mái dốc khiến tuyết trôi nhanh tạo không gian ngay dưới mái ấm áp, hứng nhiều ánh sáng vào phòng. 

Nhưng những ô cửa sổ rộng và không chấn song vẫn còn quá lạ với người Việt thôn quê. Nếu có dịp sang châu Âu, rồi tự khắc hiểu. Tôi từng thấy nhân viên y tế khiêng cả giường có bệnh nhân béo phì qua cửa sổ thật dễ dàng, lúc chuyển nhà người ta cũng mở toang cửa sổ, ầm ầm ném từ giường tủ đến bàn ghế qua khoảng mở lẽ ra phải có chấn song ấy. Còn cái cửa ra vào, chỉ đơn thuần đi ra đi vào, và rất nhỏ, thường chỉ có một cánh để giữ hơi ấm vào mùa đông.

Nhà đất chỉ có đắt lên và ngày càng eo hẹp mà thôi, riêng chuyện này người Việt và người châu Âu, Mỹ nghĩ như nhau. Châu Âu gần đây hình thành khái niệm co- housing- separate family (nhiều hộ gia đình chung nhà, chia sẻ vườn, bếp và những không gian sinh hoạt chung khác). 

Chuyện còn mới ở Bỉ, nhưng Đan Mạch đã đứng đầu, còn ở Mỹ đã hình thành hơn 100 dự án mà tôi thích gọi nhà chung cho thuận tai. Nhà chung tiết kiệm đủ thứ, lại còn được đánh giá là kiểu sống hiện đại: Kết hợp tài sản chung và riêng, tạo sự cân bằng và gắn bó cá nhân với cộng đồng, hình thành quyết định nhóm.

Ký ức sống trong căn phòng vách ngăn liếp, mùi dầu hỏa loang cả vào giấc mơ, góc này rán cá góc kia đổ bô lại ùa về. Tôi không thích chấn song và cũng chẳng ưa vách liếp.

Dù chưa quen, chắc tôi vẫn thích nhìn gương mặt mẹ chồng người Pháp của cô bạn gốc Thái đến xem nhà mới của con nhưng không hề mở miệng hỏi “giá bao nhiêu”, hoặc câu hỏi của chính mẹ chồng tôi khiến tôi bối rối “Con nói vừa mua xe mới giá chừng ấy với mẹ có ý gì? Định vay tiền à?”. “Chúng con vay ngân hàng rồi”, tôi đỏ mặt.

Cũng người bạn gái Thái ấy kể rằng mẹ chồng cô có ba con trai, con thứ hai lấy vợ Philippines, con út cưới vợ Thái, riêng con cả gần 50 tuổi vẫn chung nhà với mẹ. Gần đây anh cả mới thổ lộ anh là người đồng tính. 

Bà mẹ lặng lẽ ra ngân hàng ký chuyển khoản cho con 150 nghìn Euro và còn mua vé cho anh sang Nga viếng mộ Tchaikovsky, thỏa mong ước. Nghe chuyện này, một người bạn Việt khác của tôi rối rít “Tớ phải thú nhận với ai, về chuyện gì để được 150 nghìn Euro đây?”. Tôi bật cười “Ngoài chuyện bắt buộc phải ở cùng chồng và con ra, hãy nói xem cậu có thể chung nhà được với ai trước đã?!”.

MỚI - NÓNG