Phong bì ở thôn quê

Phong bì ở thôn quê
TP - Năm nào vào sau rằm tháng một, tôi cũng về quê giỗ bố. Mấy năm trước để ý thấy mâm hoa quả chính giữa ban thờ lác đác một hai cái phong bì. Năm nay về muộn, tôi thắp hương bày lễ chợt nhìn thấy đám phong bì lợp đến hai phần ba mâm quả.

Những chiếc phong bì bưu điện có vạch đỏ xanh xếp chồng như đám ngói lô xô. Tôi cười, thì ra các cụ bây giờ cũng ăn phong bì rồi.

Phong bì ở thôn quê ảnh 1

Cô dâu thôn quê bây giờ - Ảnh: Đỗ Đức

Bữa ăn, tôi hỏi chị gái: Bây giờ đi ăn giỗ cũng phong bì a chị? Chị cười, trước đây không, chỉ có mấy ông cán bộ bạn của chú em ở xa đến thay lễ bằng tiền cho tiện. Bây giờ thì con cháu chúng nó học theo. Nông thôn nó thế đấy cậu ạ. Học mót nhanh lắm.

Gọi là phong bì phong bao, nhưng chẳng đáng gì. Vùng núi quê mới thoát ra cái nghèo, phong bì chỉ ba chục. Đem đi mua cũng chỉ nắm hương cút rượu và chút hoa quả đủ cho cái lễ mọn.

Đám cưới thì phiền toái hơn. Hôm về ăn cưới đứa cháu ngoại thấy có đứa ngồi ghi tiền mừng. Ghi số tiền để nhớ sau này đối đãi lại. Tiền khách đem bỏ hòm phiếu như bầu cử, như hòm công đức ở các ngày hội chùa làng.

Có người dùng phong bì, có người bỏ tiền trần, hòm tiền giống như hòm từ thiện bằng mica trong suốt đặt ở nhà chờ sân bay và nơi công cộng tại các siêu thị, cửa hàng.

Tôi hỏi đám cưới bao nhiêu mâm, tiền mừng có hoàn vốn không thì được biết mỗi đám trung bình trăm mâm, trong đó khoảng mười lăm hai chục mâm cho cánh làm cỗ và đám thanh niên tiếp nước nôi, dựng rạp, dỡ rạp. Tiền mừng cũng chỉ năm chục là cao nhất. Cưới xong thường phải bù vào chừng ba mươi phần trăm chi phí, chừng dăm bảy triệu dịch vụ ảnh hoặc video và trang trí phông màn.

Bây giờ ở nông thôn, cưới xin không thiếu dịch vụ thuê áo váy, chụp ảnh phục vụ tận tình cho đôi lứa ngày đẹp nhất trong đời. Thành ra phố huyện nào cũng có dăm tiệm làm dịch vụ này. Vào mùa cưới thường không hết việc.

Thấy vui vì cuộc sống không còn nhếch nhác như xưa, nhưng vẫn chưa hết cảnh sau ngày cưới phải lo trả nợ. Cũng mất cả năm tích cóp.

Cái phong bì kể ra cũng tiện. Ở thôn quê thì đó vẫn là những phong bì nghĩa tình chứ chưa thành sự mua bán đổi chác. Cuộc sống thôn quê, cho dù phong bì đi vào đời sống nhưng vẫn là những phong bì sạch.

Nông thôn miền núi quê tôi cũng ít việc phải nhờ vả bởi sau lưng họ chỉ có mỗi đất ruộng và bờ bãi, phải đổ mồ hôi trên đó mới có miếng ăn. Sạch hay bẩn trong mối quan hệ là do phương thức sống và cách sống.

Cuộc sống của người thôn quê vì thế chưa bị ô nhiễm vì cái phong bì, dù hình thức trông có vẻ như giống nơi phố xá.

MỚI - NÓNG