Phùng Há và cuộc tình với Bạch Công Tử

Phùng Há và cuộc tình với Bạch Công Tử
TP - Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Phùng Há đã  trút hơi thở cuối cùng vào lúc 0h30 phút sáng 5/7 tại BV Nguyễn Trãi, TPHCM. Nghệ danh và công đức của bà như một ngôi sao luôn tỏa sáng trong lòng bao thế hệ nghệ sĩ cải lương và người hâm mộ. 
Phùng Há và cuộc tình với Bạch Công Tử ảnh 1
NSND Phùng Há

Nhớ lại tháng trước, khi về  thị trấn Chợ Gạo công tác, anh bạn dân thổ địa đưa đến chụp ảnh căn nhà cổ trụ sở huyện ủy Chợ Gạo vì, đầu năm 1950, Bạch Công Tử được ông Hoàng Phi đưa về chăm dưỡng rồi mất tại đây.

Đây là nhà của huyện Chung, bạn thân của Đốc Phủ sứ Lê Công Xủng, người giàu có bậc nhất đất Mỹ Tho thời trước, ruộng đồng cò bay thẳng cánh, muối trắng ngập vùng Gò Công. Ông là thân sinh của Bạch Công Tử - George Lê Công Phước, chồng đầu tiên của NSND Phùng Há.

Thủa xưa, đất Nam Kỳ Lục tỉnh có hai công tử nổi tiếng với nhiều giai thoại để đời là Hắc Công Tử - Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy (Ba Qui) con trai hội đồng Trạch và Bạch Công Tử - George Lê Công Phước (Tư Phước) con trai Đốc Phủ sứ Mỹ Tho.  Lúc sinh thời, NSND Phùng Há kể lại cho tôi nghe chuyện bà quen Bạch Công Tử:

“Hồi đó, gánh hát Trần Đắc về trình diễn ở Mỹ Tho,  ông được bạn bè rủ đi coi hát, chớ trước đó ông chẳng để ý gì đến cải lương hết. Đêm đó tôi đóng vai Mạnh Lệ Quân trong tuồng Mạnh Lệ Quân thoát hài.  Vãn hát, ra cửa, tôi thấy ông đứng ngay ở đó, phía sau hậu trường, chào tôi, đưa tay cho tôi bắt. Tôi không dám đưa tay.

Là đào hát, tôi chưa từng bắt tay ai bao giờ. Ông cười, bắt đầu làm quen và, kể từ đó, đêm nào nếu không ngồi ở hàng ghế khán giả, thì cũng vào hậu trường ngồi bên cánh gà coi tôi hát không trừ bữa nào” .

Gánh hát Huỳnh Kỳ một thời đem lại cho giới hâm mộ cải lương những vở tuồng ăn sâu vào lòng khán giả như Giọt máu chung tình (tức Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà), Người đàn bà không tên, Sơn hà xã tắc, Kim Tinh Nương xuất hiện… với các tên tuổi nghệ sĩ Phùng Há, Ba Vân, Năm Phỉ, Ba Đồng, Tư Hélenne, Tám Du, Năm Thiện…

Thời đó lúc gánh hát đang trình diễn thì cánh cửa phía sau hậu trường được đóng lại. Nhưng thấy ông là con trai của Đốc Phủ sứ Mỹ Tho, ai dám không mở cửa.

Bạch Công Tử từng du học bên Pháp về sân khấu. Về nước, ông nổi danh ăn chơi khét tiếng đất Mỹ Tho, sau này còn cạnh tranh với Hắc Công Tử để yêu hoa hậu cô Ba Trà mỹ nhân đệ nhất.

Là người rất mê cải lương nên ông cùng bạn lập ra gánh hát Phước Cương (ghép tên hai người). Sau khi quen và mê cô đào Phùng Há, ông xây rạp hát Huỳnh Kỳ cạnh bên nhà tại Mỹ Tho (nay là Phòng VHTTTT TP Mỹ Tho), giao hết cho nghệ sĩ Phùng Há lo phần nghệ thuật.

Những năm 1930 đường bộ chỉ có xe ngựa, xe bò, vài chiếc xe cam nhông thuê mướn, do đó hầu hết các gánh hát cải lương di chuyển bằng đường thủy.

Gánh nào khá lắm thì sắm được vài ba chiếc ghe loại nhỏ, nghệ sĩ lưu diễn sinh hoạt nước sông gạo chợ là chính. Riêng gánh hát Huỳnh Kỳ, thì Bạch Công Tử sắm luôn bốn chiếc ghe chài làm phương tiện cho gánh hát lưu diễn, đồng thời làm nơi trú ngụ cho đào kép, nhạc công, công nhân.

Chiếc ghe đi đầu trang hoàng lộng lẫy như thuyền rồng, dành cho Bạch Công Tử và Phùng Há, treo cờ vàng gánh hát Huỳnh Kỳ. Ghe sau dành cho thầy đàn. Ghe nữa cho nghệ sĩ  và ghe cuối cùng chở nhạc cụ, công nhân có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt.

Gánh hát đi đến đâu, Bạch Công Tử cho phô trương nổi đình nổi đám, cho bầu đoàn xếp hai hàng chào đón quan chức địa phương, tổ chức các hoạt động thể thao giao lưu hữu nghị và rút súng lục bắn lên trời mấy phát để báo hiệu.

Thời gian bảy năm chung sống với Bạch Công Tử, NSND Phùng Há sinh hai con. Con trai đầu tên Paul Lộc, vừa lên hai đã qua đời do chứng bệnh ban trắng. Lúc sinh con gái tên Suzane Lý là thời điểm gánh hát suy sụp. Mấy chiếc ghe chài hùng mạnh của đoàn hát bị kéo về nằm ở bến  Cầu Ông Lãnh.

Gánh hát không còn hoạt động, nghệ sĩ Phùng Há lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau, đứa con gái Suzane Lý bệnh nặng mà Bạch Công Tử thì không có mặt dưới ghe, bỏ mặc cho bà.

Không còn tiền chạy thuốc thang, đi tìm Bạch Công Tử thì có người chỉ cho biết một ngôi biệt thự sang trọng. Người ta mở cửa cho bà vào để nhìn thấy cảnh ăn chơi trác táng của chồng.

Mấy hôm sau thì Suzane Lý qua đời, và nghệ sĩ Phùng Há cũng từ giã gánh hát Huỳnh Kỳ, đồng thời chấm dứt luôn mối tình với Bạch Công Tử.

Khoảng 1939 thì rã gánh. Ghe chài, đồ đạc bán hết, tài sản vườn ruộng cũng tiêu xài hết, Bạch Công Tử lại mang bệnh ghiền xì-ke, thân tàn ma dại sống cảnh lang thang không nhà cửa ở vườn Ông Thượng (Tao Đàn) Sài Gòn. Lúc bấy giờ ông Nguyễn Hoàng Phi, con trai Huyện Chung là chỗ thân tình với nhà Đốc Phủ sứ nên rước ông về Chợ Gạo chăm nom những ngày tháng cuối đời bệnh tật và nghiện ngập.

Ngôi mộ đất của Bạch Công Tử hiện nay nằm tại phần đất gia đình cụ Nguyễn Hoàng Lũy, con trai thứ ba ông Nguyễn Hoàng Phi tại ấp Thạnh Khiết, xã An Thạnh Thủy cách trung tâm Chợ Gạo khoảng một kilômét.

Năm 90 tuổi, NSND Phùng Há có về đây xin bốc mộ và hỏa táng mang về Chùa Nghệ  Sĩ thờ nhưng ông Lũy không đồng tình vì còn có một con gái của Bạch Công Tử tên Li Li- con một nghệ sĩ cải lương khác đang ở Pháp.

MỚI - NÓNG