Phương ngữ

Minh họa: Kim Duẩn
Minh họa: Kim Duẩn
TP - Nói chuyện phương ngữ, xin có mấy dòng thư giãn.

Trong tiểu thuyết Mười lẻ một đêm (viết năm 2004), tôi có xin phép nhại giọng miền Trung: “Ở trường Mỹ thuật, có lần đúng giờ học vẽ mà người mẫu nam không đến. Gã sinh viên tót ngay lên cái bục gỗ, tụt hết ra làm mẫu cho cả lớp vẽ. Đứng ngồi tô hô các tư thế, lại còn cười nói đối đáp trêu chọc bạn cùng lớp. Chẳng có người mẫu nào lại tự nhiên và sinh động bằng. Đám sinh viên nam và sinh viên nữ đều được việc. Chỉ có thầy chủ nhiệm, một họa sĩ khắc kỷ cuối giờ vào lớp thấy vậy thì rút dép ném đúng vào chỗ hiểm của gã. Thầy đuổi trò tồng ngồng chạy vòng quanh cái bục gỗ, thầy chửi bằng giọng miền trong nồng nặc như tiếng Ý. Tổ cha mi mi từ mô ra mi mần răng mà mi lại ra ri”. 

Đấy là tiếng Ý. Có người nói miền Trung của ta còn là cái nôi của tiếng Nhật nữa. Nói cách khác, giọng Trung có chung nguồn gốc với giọng Nhật. Tiếu lâm trên mạng kể một người Nhật đã phát hiện ra điều này khi nghe hai người Huế đối thoại:

- Mi đi ga ni?

- Ừ, tau đi ga ni. Mi đi ga mô?

- Ga tê. Tau đi ga tê.

- Ga tê ga chi?

- Ga Lăng Cô tề.

- Răng đông như ri?

- Ri mà đông chi.

- Mi ra ga mô?

- Ra ga Nam Ô.

- Khi mô mi đi?

- Chừ chứ khi mô.

- Mi lo đi đi.

- Ừ, tau đi nghe mi.

Người đọc nào không hiểu, hãy tìm một người Huế để phiên dịch.

Lại nhớ thời chiến tranh có tiểu thuyết kể về vùng Quảng Nam Đà Nẵng, dùng toàn thổ âm thổ ngữ trong suốt cuốn sách mấy trăm trang. Người đọc chóng mặt, nhức đầu, ù tai. Phương ngữ đưa vào có liều lượng, vừa đủ độ thì tạo được không khí cho người đọc tin, cho người đọc thích. Quá mức độ thì phản cảm, thậm chí có thể người ta phải bỏ sách.

Lại nữa, cuốn tiểu thuyết cách đây chưa lâu của một nhà văn vùng Đông Bắc, đoạn viết về chiến tranh ở miền Nam Trung Bộ, mấy cô du kích bắt được một anh chàng bị nghi là địch. Các cô lập biên bản, mà viết lẫn lộn e lờ en nờ: một nà, hai nà… Mấy cô Nam Trung Bộ mà nói ngọng như người đồng bằng Bắc Bộ.

Giản tiện

Chính tả của người Mỹ có xu hướng bỏ những chữ câm trong một từ. Chẳng hạn những chữ u câm trong các từ như colo(u)r, parlo(u)r, neighbo(u)r, mo(u)stache, g(u)ard. Một số chữ câm khác chưa bỏ được, ví dụ chữ h trong những từ (h)onour, (h)our. Hoặc chữ k trong những từ: (k)now, (k)not. Hoặc chữ p trong từ (p)sychology… Một số nhà ngôn ngữ của Mỹ kêu gọi giản tiện hóa chính tả tiếng Mỹ, giản tiện hơn nữa, nhưng chưa thể thực hiện. Một số từ cũng có chữ u như b(u)oy đúng là chưa được cải tiến và cũng khó cải tiến. Cải tiến ngôn ngữ không phải là việc nhiệt tình và quyết liệt mà được.

Trong tiếng Anh - Mỹ có nhiều chữ câm, tức là có viết ra nhưng không được phát âm. Những chữ câm, người ta gọi là silent tức là lặng, câm, im. Chữ trong ngoặc ở những từ trên gọi là u silent, chữ u câm.

Giờ mới ra chuyện đùa. Trong phòng đợi sân bay, một ông hành khách nhìn ra ngoài mà reo lên:

“Boeing is landing”. (Chiếc Boeing đang hạ cánh.)

Hành khách bên cạnh nhắc:

“Be silent”.

Be silent vừa có nghĩa là hãy yên lặng, hãy câm đi, vừa có nghĩa là chữ B câm.

Ông khách kia tưởng được nhắc về phát âm, bèn tiếp tục reo to:

“Oeing is landing”.

Ở câu reo lên lần này, ông đã bỏ chữ B trong từ Boeing. Chữ B đã câm.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.