Phương tiện càng nhiều, đọc sách càng ít

Háo hức chọn sách trong Ngày hội đọc sách và bản quyền thế giới tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Háo hức chọn sách trong Ngày hội đọc sách và bản quyền thế giới tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
TP - Lần đầu tiên, Ngày Hội đọc sách được tổ chức trên quy mô quốc gia. Phần chính của lễ hội được tổ chức tại Văn Miếu– Quốc Tử Giám (Hà Nội) với nhiều hoạt động phong phú. TPCN đã trao đổi với nhà thơ Hữu Việt - đạo diễn kiêm MC chương trình của Ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà Văn VN.

> Hôm nay 'đọc sách cho ngày mai'

Háo hức chọn sách trong Ngày hội đọc sách và bản quyền thế giới tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Háo hức chọn sách trong Ngày hội đọc sách và bản quyền thế giới tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Là đạo diễn kiêm MC chương trình của Ban Nhà văn trẻ tham gia vào Ngày hội đọc sách 2011 tại Văn Miếu, xin anh nói một vài suy nghĩ của mình khi xây dựng chương trình?

Thông qua hình thức trình diễn, tận dụng hiệu ứng sân khấu và tương tác của các nghệ sĩ, chúng tôi muốn giới thiệu tới độc giả một cách đọc sách khác. Với văn xuôi thì nhà văn trong vai người dẫn chuyện còn các nghệ sĩ là người tái tạo không khí của tác phẩm, thổi lửa vào tác phẩm và chia sẻ cảm xúc với người đọc.

Phần trình diễn thơ bao gồm nhiều bài thơ khác nhau, bằng thủ pháp cắt dán đã tạo thành một bài thơ lớn “Tình tháng Tư -Mùa hồng bạch nở”. Đây cũng là một cách đọc khác, khi mỗi bài thơ chỉ là cái cớ, một chất liệu còn tự mỗi câu thơ sẽ lên tiếng.

Nhà thơ Hữu Việt
Nhà thơ Hữu Việt.

Có một số khán thính giả có mặt nhận xét, sơ bộ, chương trình khá giống với chương trình Ngày thơ VN diễn ra hàng năm. Anh nói sao?

Phần trình diễn thơ đúng là mang hơi hướng của Ngày thơ Việt Nam nhưng chúng tôi đã giới thiệu được những sáng tác mới tới độc giả. Còn trình diễn văn xuôi là một bước đột phá, lần đầu tiên xuất hiện tại Văn Miếu Quốc tử giám. Cá nhân tôi cho rằng các nghệ sĩ đã hóa thân vào các nhân vật rất đạt, như chính họ nhân vật của nhà văn. Khi xem, tôi tin rằng bạn đọc đang được “sống” cùng tác phẩm.

Phần tọa đàm về đọc sách và văn hóa đọc cũng là một điểm nhấn đáng chú ý của chương trình này. Văn hóa đọc chính là đọc sách một cách có văn hóa. Và để xây dựng một thói quen đọc sách, thì chúng ta phải bắt đầu từ những đứa trẻ, dù chưa biết chữ nhưng chúng cần được tiếp cận với sách, để sách trở thành người bạn đồng hành với con người trong suốt cuộc đời.

Điểm được coi là mới trong chương trình này là hai tác phẩm văn xuôi của Phong Điệp và Nguyễn Đình Tú được dàn dựng theo lối sân khấu hóa. Cá nhân anh đánh giá các tác phẩm này ra sao?

Phố Núi của Phong Điệp là một truyện ngắn xinh xắn, một câu chuyện tình dang dở, phản ánh đời sống của một bộ phận giới trẻ hôm nay. Không ai dám quả quyết mình không mắc phải sai lầm, nhưng người ta vẫn có thể đứng lên từ sai lầm, trưởng thành và trở nên mạnh mẽ. Sa (nhân vật trong Phố Núi) là một cô gái như vậy.

Kín của Nguyễn Đình Tú là một cuốn tiểu thuyết có kết cấu phức tạp, ẩn giấu nhiều thông điệp về đời sống con người hiện đại trong một xã hội không ngừng đổi thay và rạn nứt.

Trong phần trình diễn, tuy chỉ là một trích đoạn trong tiểu thuyết Kín nhưng tôi nghĩ rằng Nguyễn Đình Tú và Kim Oanh đã tái tạo lại tác phẩm hết sức thành công thông qua ngôn ngữ sân khấu.

Ngày hội đọc sách tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám thu hút đông đảo bạn trẻ
Ngày hội đọc sách tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám thu hút đông đảo bạn trẻ. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Là một trong những diễn giả của chương trình nói chuyện về văn hóa đọc, anh nói: các phương tiện để đọc thì ngày càng nhiều, nhưng số người đọc sách thì ngày càng giảm. Anh có thể nói rõ hơn điều mà mình trăn trở?

Ngày nay, việc đọc sách đã trở nên đa dạng hơn rất nhiều: đọc sách giấy, đọc sách điện tử, nghe đọc sách qua các phương tiện nghe nhìn… Các khảo sát gần đây cho thấy, thời gian người ta dành để đọc sách ngày càng giảm, ngược lại thời gian dành cho giải trí và các chương trình nghe nhìn ngày càng tăng.

Điều trái khoáy là, khi các phương tiện đọc sách ngày càng phong phú, thì dường như người ta lại ít đọc sách. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã có lý khi nói rằng, thời nay người ta chỉ quanh quẩn với 3 cái màn: màn hình tivi, màn hình máy tính và màn… trong giường ngủ.

Chúng ta không nên quên đọc sách chính là một quá trình tư duy và “Tôi tư duy tức là tôi tồn tại” (René Descartes)

Đây là lần đầu tiên Ngày hội đọc sách diễn ra tại VN với quy mô quốc gia, các anh đã có một kế hoạch gì mang tầm nhìn ra vài năm hay nhiều năm cho hoạt động này?

Hy vọng đây sẽ trở thành một mỹ tục đẹp và chúng ta sẽ có một Ngày đọc sách được tổ chức thường niên, tôn vinh sách và cổ vũ cho văn hóa đọc. Tác phẩm giống như một cái chuông, nếu không có người gõ thì nó sẽ im lặng. Tôi nghĩ rằng, bạn đọc chính là người gõ chuông, để tác phẩm ngân lên âm thanh về cuộc đời, số phận, về những giá trị nhân văn, thẩm mỹ luôn trường tồn cùng thời gian.

Ban Nhà văn trẻ coi việc kết nối giữa tác giả, tác phẩm với độc giả là một công việc hết sức quan trọng và cần thiết, nên chúng tôi sẽ tham gia bằng hết khả năng của mình vào Ngày hội đọc sách hàng năm. Slogan của Ngày đọc sách năm nay là “Đọc sách cho ngày mai”.

Hãy bắt đầu ngày mai ngay từ hôm nay.

Xin cảm ơn anh.

Với khẩu hiệu “Đọc sách cho ngày mai”; Ngày hội đọc sách 2011 diễn ra trong ngày thứ 7 (23- 4- 2011) tại Văn Miếu, Hà Nội. Chương trình được triển khai theo Đề án tổ chức Ngày hội Đọc sách năm 2011 của Vụ Thư viện - Bộ VH-TT&DL với mục tiêu phát triển Văn hóa Đọc trong cộng đồng, cổ vũ đọc sách và tôn vinh các nhà văn nhà thơ.

Ban Nhà văn Trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam, chính thức tham gia Ngày Hội Đọc sách lần đầu tiên được tổ chức tầm quy mô quốc gia, với chương trình mang tên “Nhà văn và tác phẩm” gồm hai phần:

Phần một trình diễn thơ và văn xuôi với sự tham gia của các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Bảo Chân, Phong Điệp, Nguyễn Đình Tú, Vi Thùy Linh và Hữu Việt. Phần hai là tọa đàm về đọc sách và văn hóa đọc của hai diễn giả: nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên và tiến sĩ giáo dục Thụy Anh.

 

Hiền Anh (thực hiện)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG