Phượt trong phim về Điện Biên Phủ

Đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân tại hiện trường “Sống cùng lịch sử”. Ảnh: Hoàng Tuấn
Đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân tại hiện trường “Sống cùng lịch sử”. Ảnh: Hoàng Tuấn
TP - Đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân cho biết, bộ phim truyện điện ảnh hướng tới 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đã qua hội đồng duyệt, là những lát cắt tiêu biểu, không sa vào minh họa, vì đi theo hành trình phượt của nhóm trẻ.

Kịch bản mới lạ với thủ pháp đồng hiện - một nhóm bạn trẻ đi phượt, mơ và sống cùng không khí 60 năm trước - có làm khó anh?

Đương nhiên để giải quyết nó cũng không phải dễ. Thế giới có dạng phim này rồi, nhưng Việt Nam là lần đầu. Làm sao để nhân vật hòa vào các sự kiện lịch sử một cách đáng tin cậy, được chấp nhận. Và có cách nào đó để người xem quên đi, để cuối cùng nó đem lại một nhận thức, cảm xúc thì đấy là hai điều cần thiết nhất.

Anh có thể nói cụ thể hơn về những lát cắt cô đọng ấy?

Nói đến chiến dịch Điện Biên Phủ là nói đến vai trò của dân công, kéo pháo, đào hầm, nhiều nhân vật tiêu biểu, tình tiết tiêu biểu như Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót. Có lẽ đây cũng là lần đầu tiên thế hệ sau được nhìn thấy hình ảnh người ta từng được nghe trong một bộ phim: Chèn pháo, bịt lỗ châu mai, hoặc làm giá súng ra sao. Trên phim tôi không đề đây là Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn hay là Phan Đình Giót, mà chỉ lấy hành vi, hành động đó thành tiêu biểu, điển hình. Người xem có quyền liên tưởng.

Chiến thắng Điện Biên Phủ 60 năm rồi, nên tính khái quát phải lớn hơn. Bất cứ người lính nào trong giai đoạn lịch sử đó đều có thể hành động anh dũng như vậy. Tôi đọc nhiều tài liệu về chiến dịch, có nhiều sự hi sinh tuyệt vời lắm, mà họ không được nhắc tên nhiều.

Sợi dây liên kết những lát cắt ấy trong bộ phim là gì, thưa anh?

Đó là tốp bạn trẻ đi phượt, khi đến các địa danh, các bạn ấy liên tưởng. Trong sự thật lịch sử này có một phần tưởng tượng của các bạn ấy. Phim là những lát cắt, chọn những gì đọng nhất trong lịch sử, trong trí nhớ chứ không mô tả hành trình. Ví dụ phim Điện Biên Phủ của đạo diễn Pháp Pierre Schoendoerffer mô tả từng ngày một. Chính vì thế mà tôi không có đặt tên các nhân vật anh hùng.

Diễn viên của anh có kéo pháo thật không?

Cảnh kéo pháo hoàn toàn không kỹ xảo, thủ thuật điện ảnh thì có. Họ phải kéo thật sự, trong điều kiện bùn lầy ngập chân, kéo lên một con dốc cao-tìm mãi mới ra-ở ngay Điện Biên. Tất nhiên phim cũng phải đảm bảo an toàn, nhưng một cú trượt khiến pháo lăn, nhiều bạn bị thương. Chân tay trầy xước, chảy máu thì có, nhưng không thực sự nguy hiểm.

Gần đây, một phim chiến tranh có quá nhiều cảnh bom rơi đạn nổ, chết chóc gây cảm giác bị “quá”. Phim của anh thì sao?

Khán giả xem phim sẽ biết. Tất nhiên sẽ có bom đạn, nhưng thời Pháp thì không thể dữ dội, quá liên tục như thời Mỹ được, vì phương tiện chiến tranh đơn giản hơn. Quan trọng hơn, vấn đề là đạo diễn sử dụng liều lượng thế nào cho hiệu quả thôi.

Anh tin tưởng ở dàn diễn viên lần đầu đóng phim điện ảnh?

Các bạn ấy đối với điện ảnh hoàn toàn vô danh, mới đóng một vài phim truyền hình. Nhưng dù sao Lâm Tùng, Thu Quỳnh, Thu Nga đều là diễn viên ở nhà hát Kịch VN, Nhà hát Tuổi trẻ.

Liệu diễn viên kịch có bê nguyên nét biểu cảm của sân khấu vào phim?

Khán giả sẽ thấy một Thu Quỳnh hoàn toàn điện ảnh. Rất nhiều diễn viên sân khấu tham gia điện ảnh là bình thường. Nếu họ đóng kịch quá là lỗi đạo diễn, không phải lỗi ở diễn viên kịch.

Anh nhìn thấy ở Lâm Tùng có điều gì khác người để vào vai Đại tướng?

Trước đây, kể cả đạo diễn nước ngoài hay mời anh Mai Nguyên đóng vai Đại tướng. Còn tôi cảm giác vóc dáng Tùng gần với bác Giáp hơn. Trông Lâm Tùng toát ra chất văn, người xem dễ cảm nhận hơn. Nguyên thì có chất hơi rắn rỏi của tướng lĩnh. Ở phim này tôi khai thác Đại tướng ở khía cạnh nhân văn, con người, quan tâm đến người lính, hậu phương, vì ông được coi là vị tướng của nhân dân. Còn các cảnh thao lược, tài ba dù có, nhưng không có nhiều cơ hội.

Phần nào ngốn kinh phí nhiều nhất?

Đương nhiên là phần liên quan đến chiến dịch. Nhưng cũng có một phần do tôi khá cầu toàn về chọn cảnh, nên đoàn làm phim gần trăm người đi nhiều nơi, cố gắng thâu vào những hình ảnh đẹp đẽ, tiêu biểu nhất của Tây Bắc, thành ra cả mười mấy chiếc xe rồng rắn từ Yên Bái, sang Sơn La, Hòa Bình rồi Thanh Hóa, Điện Biên. Đôi khi một hình ảnh trong phim mọi người tưởng đẹp, có vẻ dễ dàng thực hiện nhưng đổi lại là cái giá đoàn phải đi hàng trăm cây số.

Phim làm trên mô típ các bạn trẻ đi phượt, ít nhất cũng làm cho các bạn trẻ thấy rằng ý nghĩa tích cực của đi phượt là tính khám phá, hơi phiêu lưu một chút.

Kịch bản về giới trẻ đi phượt, không rõ biên kịch có trải nghiệm không?

Tôi không rõ anh Đoàn Tuấn có đi không, nhưng chắc cũng phải tham khảo nhiều trang phượt. May mắn có nhà quay phim Lý Thái Dũng, có thể coi là dân phượt chính hiệu. Nhờ Lý Thái Dũng tôi hiểu về dân phượt hơn, thậm chí tôi cũng gặp cả bạn trẻ từng một mình đi phượt, nói chuyện hỏi han cảm giác một mình, khó khăn nảy sinh.

Đã nói đến phượt phải tìm đến những điểm khó khăn, đối với điện ảnh khó rồi lại phải có thẩm mỹ nữa, phải dung hòa được hai yếu tố đó. Tôi cũng tiệm cận được phần nào thế giới ấy, biết được những trạng thái, hoàn cảnh có thể xảy ra, rồi dụng cụ, hình thức của dân phượt.

Nghe nói anh cảm thấy không hài lòng vì thời tiết đẹp quá. Anh mong nó phải khắc nghiệt hơn?

Đúng, giai đoạn đầu tôi rất ưng ý về thời tiết vì nó đúng nghĩa là mưa phùn, gió bấc, mà đoàn luôn trong tình trạng mưa cũng quay. Không khí của phim như: “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt”. Như thế càng sát với hoàn cảnh lịch sử, người xem cảm nhận được sự khốc liệt, khó khăn. Cũng có những đêm đoàn có thể ốm, nhưng cuối cùng không sao.

Càng về cuối thời tiết lại nắng đẹp quá, nên phải tự tạo bối cảnh. Không gì hơn là thiên nhiên tự tạo bối cảnh cho mình- những cơn mưa dài đằng đẵng, lớp sương mù mịt mờ Tây Bắc. Mình tự tạo sẽ hạn chế về không gian, không cẩn thận bị lộ về sự giả. Có cơn bão rất lớn, với người dân thật sự là bi thảm, nhưng rồi nó không đi vòng lên Tây Bắc như dự đoán…

Cảnh kết phim có hình ảnh đám tang Đại tướng

Liên hệ với nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn, ông giới thiệu nên hỏi “bà đỡ”- nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm- biên tập kịch bản. Nhà thơ kể, một chiều nhà báo Đinh Trọng Tuấn đưa ông 5 trang đề cương kịch bản của Đoàn Tuấn, đọc xong rất tâm đắc. “Nó khác với các phim về Điện Biên trước nay. Chiến thắng Điện Biên Phủ được nhìn dưới con mắt các bạn trẻ, các bạn ấy tham quan, chứng kiến, và bằng thủ pháp đồng hiện đã sống cùng lịch sử nữa. Tôi thấy thủ pháp đồng hiện rất đắc địa”, Hoàng Nhuận Cầm nói.

Hỏi xem nhà biên kịch đầu bạc có trải nghiệm phượt không, Hoàng Nhuận Cầm khẳng định “anh Đoàn Tuấn đi rất nhiều, nhất là các vùng chiến trường xưa, vì anh ấy từng là lính. Anh ấy ấp ủ đề tài này rất lâu rồi, nên khi cần viết gấp để hoàn thành kịch bản đặt hàng, chỉ mất chừng 15 ngày. Khi viết, tóc dựng đứng lên như rễ tre, trông như chiến sĩ Điện Biên”.

Nhà thơ tiết lộ thêm: Trong thời gian quay phim, Đại tướng mất. Các nhà làm phim đưa hình ảnh đám tang Đại tướng vào cái kết rất ngọt. “Đời sống đã ùa vào phim. Cảnh kết phim hòa quyện giữa tài liệu, phim điện ảnh: Trong đoàn người đi viếng Đại tướng có cả ba diễn viên.

“Sống cùng lịch sử” công chiếu 25/4, chiếu tại Điện Biên ngày 28/4. Đạo diễn cho biết, hiện quân đội đã đặt hàng mua 12 bản phim nhựa để chiếu lưu động.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.