PPAN và Đồng Bọn trở lại

PPAN và Đồng Bọn trở lại
TP - Không ít người ngỡ ngàng khi gặp PPAN. Dáng người gầy nhỏ, đeo niềng răng, da xanh xao trông cậu không giống một sinh viên chuyên ngành đạo diễn ở Mỹ, khó liên tưởng đây là tác giả kịch bản và là người dàn dựng vở nhạc kịch mang không khí Broadway vào Hà Nội.

> Ai xuôi vạn lý
> Máu của đá

Càng không thể hình dung ra những ca khúc thời thượng được Việt hóa, những đoạn thoại sâu sắc hài hước lại liên quan đến chàng trai 21 tuổi, mỏng manh với vẻ mặt thoáng ủ rũ này.

Khoảng giữa tháng Tám năm ngoái, vở nhạc kịch “Góc phố danh vọng” (GPDV) tại khán phòng Trung tâm văn hóa Pháp L’espace của một nhóm sinh viên du học sinh làm rộ lên cơn sốt vé. Dự định công diễn trong bốn đêm nhưng những người tổ chức phải bổ sung thêm suất diễn thứ năm.

Sau này hỏi chuyện nhóm sản xuất mới biết những đêm cuối rạp chật cứng vì rất nhiều khán giả mua vé đi xem lại. Dự án GPDV kết thúc trong sự tiếc nuối của những người biết thông tin muộn.

Lúc đó nhiều khán giả đã dự đoán “thể nào anh chàng đạo diễn du học sinh Mỹ cũng sẽ quay trở lại” và đúng thế, cuối tháng Năm vừa rồi Dự án kép của Nguyễn Phi Phi Anh (PPAN) đã khởi động, chuẩn bị cho ra mắt “Góc phố danh vọng” phiên bản mới và “Đêm hè sau cuối”.

Thành công ngoài mong đợi của dự án đầu tiên tạo áp lực ghê gớm cho PPAN trong Dự án kép lần này. Một năm trước các tình nguyện viên và diễn viên tham gia hồn nhiên nhiệt tình nhưng là thể hiện mình cho sướng mà không ai mường tượng ra hiệu ứng khủng đến thế. Năm nay ngay từ khâu casting đến lúc tập vở trong đầu mọi người dường như đã mặc định một đoạn kết chói sáng rồi vậy nên áp lực càng dồn lên “kẻ đầu têu”.

Có bạn rất xinh đẹp và có năng khiếu đến casting, được chọn đóng vai phụ bạn ấy từ chối thẳng “em đến đây để cast vai chính chứ vai phụ thì em không có thời gian”. Bạn đó cần danh vọng mà không có đam mê. Thông thường diễn viên nhạc kịch cần ba tiêu chí Hát - Nhảy - Diễn xuất, PPAN cần tới năm tiêu chí, phải cộng thêm Ngoại hình và Đam Mê.

GPDV là câu chuyện kể về một cô ca sĩ phòng trà choáng ngợp bởi hư danh, vật vã giữa tình yêu của hai người đàn ông. Đây là câu chuyện xảy ra trong không gian có chút không khí showbiz đàng điếm phù phiếm dễ thu hút khán giả.

Những bản hit đình đám của Madonna, Rihanna, Lady Gaga, những giai điệu bất tử của Wicked,?Cabaret,?Grease,?NINE,?Sweeney Todd - The Demon Barber of Fleet Street, vv., vũ đạo quyến rũ theo di sản của hai biên đạo múa huyền thoại Bob Fosse và Jerome Robbins, dàn vũ nữ chân dài tất lưới, những bộ trang phục khiêu khích bắt mắt mang bóng dáng “thảm đỏ”, khán giả nín lặng nghe hơi thở Broadway.

Thế nhưng từ vở diễn đầu tiên cho tới giờ PPAN vẫn không nhận rằng mình dựng Nhạc kịch mà chỉ là Ca nhạc&Kể chuyện. Cậu không dám so sánh điều mình đang làm với chuẩn mực to lớn của Nhạc kịch, lại càng “hổng dám đâu” với Nhạc kịch Broadway.

21 tuổi, sau 3 năm học phổ thông ở Singapore và 3 năm học Đạo diễn sân khấu tại Mỹ, trở về nước với ý tưởng điên rồ tự viết kịch bản và dàn dựng một câu chuyện kể bằng âm nhạc. Mục tiêu không phải là cơm áo gạo tiền hay danh vọng cá nhân mà chỉ thỏa mãn đam mê.

“Một vở diễn mà trong đó mình, diễn viên, những cộng tác viên và khán giả thấy thỏa mãn hạnh phúc là điều đáng giá nhất”.

PPAN chưa nhận mình là người chuyên nghiệp và cũng chưa hề có mong muốn gây dựng một nhà hát riêng cố định. Cậu ấy thích làm việc với những diễn viên và ekip không chuyên nhưng có tài năng và văn minh. PPAN thổ lộ rằng kém chịu đựng với mọi thứ thuộc về “không văn minh”, trong đó có diễn viên và khán giả.

Khi kể về công việc và thành quả cậu ấy luôn ẩn vào cách nói hài hước để mọi người nhận ra cậu ấy không hoang tưởng, biết mình là ai. PPAN hào hứng trong mọi công việc liên quan đến viết, từ kịch bản đến thư gửi các nhà tài trợ hoặc cộng sự, đến lời giới thiệu trong tờ rơi quảng cáo vở diễn.

“PPAN (VÀ ĐỒNG BỌN) hân hạnh giới thiệu”; “Chúng tôi trẻ con, non tuổi đời non bản lĩnh sân khấu, đã thế lại còn hay cãi nhau và đi đâu cũng bị coi là “người ngoại đạo” học đòi làm diễn viên”.

PPAN tự nhận mình “điếc không sợ súng” và “ngoại đạo” nhưng kể cả những nghệ sĩ gạo cội “chẳng may” lọt vào khán phòng của GPDV 2012 cũng bị cuốn vào những cơn sóng phấn khích vốn đã vắng bóng nhiều năm ở sân khấu miền Bắc.

“ Những tiếng cười của khán giả, hay những tràng vỗ tay, những phút nín lặng, phần nhiều cũng nằm trong tính toán của chúng mình khi xây dựng và tập luyện vở diễn”. Một nghệ sĩ có khả năng tính toán, thế này mà cứ đòi là “ngoại đạo” ư?

Kịch bản “Mùa hè sau cuối” là một mô-tuýp khác hẳn. Một chuyện trinh thám lãng mạn với cái kết bất ngờ. Trang phục sẽ không màu mè, có chất hiện đại và sang trọng, không hề gợi nhớ “Broadway” , cụ thể nó sẽ ra sao thì đó là điều khiến PPAN đang bấn loạn. PPAN một lần nữa tự nhận mình quá điên rồ khi lao đầu vào Dự án kép lần này.

Khi kịch bản “Mùa hè sau cuối” vừa hoàn thành, ca sĩ nhạc kịch “ngoại đạo” Nguyễn Hương Thảo (Á quân Tìm kiếm tài năng Việt) đã gọi điện xin vai , vừa hay đạo diễn nhạc kịch “ngoại đạo” đang bối rối vì có một vai rất khó. Hương Thảo sẽ tự tập các đoạn thoại và hát ở Mỹ, đến tận đầu tháng Tám cô mới có thể bay về ráp nối cho đêm diễn mở màn giữa tháng Tám tới đây.

Bảo Trâm top 3 VN Idol sẽ vào vai bà chủ phòng trà, đây cũng là một tín hiệu hút khách tìm đến (có thể là xem lại một lần nữa) “Góc phố danh vọng 2” vào trung tuần tháng Bảy này.

PPAN không muốn nói tỉ mỉ về cát-sê của những người làm dự án, bởi nói ra thì mọi người sẽ sốc. Năm ngoái, sau khi trừ mọi chi phí, gia đình PPAN chỉ phải bù lỗ hộ cậu 20-30 triệu gì đó “thế là quá rẻ cho một giấc mơ thành hiện thực”.

Năm nay không hứa hẹn những người tham gia sẽ có khoản bồi dưỡng đáng kể vì họ phải làm những hai vở diễn. Nhưng PPAN đã thống nhất với mọi người rằng khoản lãi lớn nhất mà họ nhận được là khóa học nhảy, học hát, học diễn xuất và những trải nghiệm nhạc kịch.

Vì xác định tuyển những người thế hệ 9x không chuyên nên nhân sự hậu đài đều lần đầu trong đời nhìn thấy bảng đèn, dàn âm thanh. “Tôi quẳng cho họ một cuốn sách hướng dẫn sử dụng, sau một đêm họ đã tự mò ra”.

“Thế còn thẩm mỹ và độ nhạy cảm khi sử lý ánh sáng thì dạy thế nào được?”. “Tôi bắt họ xem nhiều video clip của sân khấu nước ngoài, cùng họ phân tích “ánh sáng này đã ngộp thở chưa”; “âm thanh này có đủ ngây ngất không?. Xem thật nhiều thẩm mỹ sân khấu sẽ nâng lên”.

Nếu một người trẻ tuổi có ý tưởng hay cho một dự án nghệ thuật họ phải làm thế nào để hiện thực hóa giấc mơ của mình?. Theo PPAN, đầu tiên bạn phải có khả năng trình bày hồ sơ rõ ràng và sinh động.

Cần có CD, hình ảnh cụ thể đính kèm, sử dụng phông chữ đúng cách để nhấn chỗ cần nhấn, phải đưa ra phương án thực hiện cụ thể. Nhà tài trợ luôn bận, họ không đủ kiên nhẫn để đọc một hồ sơ nội dung lộn xộn, mông lung, xa vời. Bạn phải mạnh dạn tìm gặp họ, chuẩn bị lời trình bày thuyết phục và chân thành. Mặt khác sản phẩm của bạn phải có “đinh”, có thứ mà mọi người không thể không xem.

PPAN tự biết mình là người quá lập dị, khó tính nhưng đôi khi có thể vui bật lên vì một bộ phim nội dung giản dị với một hai đoạn thoại hay, một vài câu nói khán giả không thể quên, thế là đủ. Mặt khác cậu ấy đánh giá cao mọi bộ phim bom tấn “hẳn phải có lý do mới kéo được khán giả lũ lượt đến rạp”.

PPAN không tin Nhạc kịch sẽ bùng nổ ở Việt Nam vì bộ môn này rất khó chuyên nghiệp hóa. Cậu có giấc mơ ngày nào đó làm phim nhưng là mơ mộng thế thôi. Chưa có kế hoạch chính xác gì cho tương lai cả. Nguyên tắc của cậu ấy là làm từng thứ một, chưa xong việc này thì không ôm đến việc khác.

PPAN và Đồng Bọn trở lại ảnh 1
 

Phi Anh muốn mọi người gọi cậu là PPAN (đọc là Pi Pen, viết tắt của Phi Phi Anh Nguyễn) đây là biệt danh đã gắn bó thân thuộc với cậu.

“Dị” và lãng mạn

Ppan và bức vẽ đoạt giải ba toàn quốc tại Singapore và được trưng bày trong viện bảo tàng nghệ thuật quốc gia SAM trong hơn một tuần
Ppan và bức vẽ đoạt giải ba toàn quốc tại Singapore và được trưng bày trong viện bảo tàng nghệ thuật quốc gia SAM trong hơn một tuần.
Cách đây 6 năm PPAN thi đỗ vào trường chuyên Amsterdam, ngay sau đó đoạt học bổng du học phổ thông Singapore. Cũng ở đây, trong môi trường tự do cho sức sáng tạo PPAN đã bùng nổ tài năng trời cho và nét quái quái trong cậu. Biên kịch, dựng kịch, đạo diễn game show, vẽ tranh.

Trong 2 năm, PPAN đã hoàn thành 18 tác phẩm. Ấn tượng nhất là bức “Seeker, Dreamer, Enchanter” được trưng bày tại viện bảo tàng mỹ thuật Singapore trong hơn 1 tuần. Trong tác phẩm sân khấu cũng như hội họa của cậu bé 17 tuổi hồi đó đã ẩn giấu chất hài hước, lãng mạn và ma mị, điều mà 5 năm sau khán giả Nhạc kịch của PPAN có thể cùng cảm nhận được.

Cậu lựa chọn cuộc sống của nhiều điều bất thường phá cách nhưng trong tình cảm lại cổ lỗ. Cậu có thể vướng lâu vào một mối tình sâu đậm nhưng cũng dễ thích dễ rung ring với nhiều bóng hồng thoảng qua.

“Đôi khi người ta thích lâu một ai đó chỉ vì đơn giản người kia không hẳn là của mình, nhưng cái cảm giác không chắc chắn đó rất lãng mạn”. Hâm mộ những chuyện tình cổ điển như trong phim “Love Story” từ thập kỷ 70 thế kỷ trước. Cậu thích mẫu phụ nữ giống như mẹ của mình. Thông minh, chân thành, văn minh nhưng nữ tính đậm chất đàn bà Việt. Giờ này năm ngoái cậu có một nàng người yêu nhưng hiện giờ thì không có ai cả.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG