Quách Ngọc Thiên - Nhà thơ Mường có số phận khắc nghiệt

Quách Ngọc Thiên - Nhà thơ Mường có số phận khắc nghiệt
Đọc những dòng anh viết sau cơn bạo bệnh chỉ khiến ta thêm bùi ngùi. Định mệnh quái ác đã cắt ngang đời thơ Quách Ngọc Thiên, rất lâu trước khi anh từ giã hẳn thế giới này (28/6/2005).

Sáu mươi năm qua ( 1945 - 2005), văn học các dân tộc thiểu số ở Việt Nam đã có những bước tiến khổng lồ, nhất là thơ ca. Nếu thời mở nước và kháng Pháp chỉ có Bàn Tài Đoàn (Dao), Nông Quốc Chấn (Tày) là đứng lại được trong các tuyển thơ thì hiện nay chúng ta có cả một danh sách dày dặn các nhà thơ có danh thuộc hầu như đủ mọi dân tộc, ở mọi miền đất nước: Lò Ngân Sủn (Giáy), Y Phương, Dương Thuấn, Lương Định... (Tày), Lâm Quý (Cao Lan), Inrasara (Chăm), Vương Trung, Lò Cao Nhum (Thái), Pờ Sảo Mìn (Pa Dí)...

Riêng dân tộc Mường đã có Vương Anh (Thanh Hoá) nổi tiếng từ cuộc thi thơ của báo Văn nghệ (1969) với bài “ Tình còn tình chiêng” (Trao quả còn, nắm tay người ở lại/ Trai làng mang tiếng chiêng đi).

Sau Vương Anh, lâu lắm chưa thấy xuất hiện thêm một nhà thơ Mường nào, nhất là từ vùng đất căn bản, đất tổ của người Mường, cũng là người Việt cổ - tỉnh Hoà Bình, với những Bi Vang Thàng Động, bốn mường nổi tiếng nhất. Công chúng văn chương đều có ý mong.

Tôi nhớ khi còn làm việc tại Sở VHTT Hà Sơn Bình (tỉnh gộp Hà Tây - Hòa Bình bấy giờ), nhà thơ Bế Kiến Quốc đã hết sức phấn khởi khoe với tôi chùm thơ của anh kỹ sư trẻ Đinh Đăng Lượng, người Mường, công tác tại Nhà máy giấy Kì Sơn.

Những câu thơ hồn nhiên mà kỹ lưỡng của Lượng khiến tôi cũng mê. Lượng tả cái làng anh khi có nhà máy mới “Đêm nay tôi đi dọc đường làng/ Ánh điện sáng một con gà chợt gáy/ Cả làng ngủ trong lời ru của máy/ Cả làng vừa mới thay ca”.

Ca ngợi công nghiệp hoá vùng cao như thế thì giỏi quá! Khen Lượng bao nhiêu, chúng tôi lại sốt ruột cho Quách Ngọc Thiên bấy nhiêu. Vì Thiên cũng là người Mường chính cống Yên Thủy, làm thơ đã lâu, lại đang ở ngay Phòng Sáng tác - Xuất bản của Sở nhưng chưa có được những bài ấn tượng như Lượng!

Quách Ngọc Thiên thanh minh, đại ý là quê anh cũng gần như miền xuôi, màu sắc núi rừng đã nhạt nhoà...Tôi biết trong lòng Thiên cũng day dứt lắm. Tôi quen anh từ hồi Thiên còn là kế toán trưởng nhà máy mì sợi tỉnh Hoà Bình. Đẹp trai, tốt bụng, nghề kế toán khá vững, đảng viên có thâm niên, nếu đi theo con đường quan chức chắc chắn anh sẽ là loại cán bộ “nguồn” của tỉnh, gì chứ một chức giám đốc Sở không phải là khó lắm.

Nhưng anh bỏ tất cả để theo nghiệp văn chương. Từ Sở Lương thực - Thực phẩm, Thiên chuyển sang Sở Văn hoá, chỉ một thời gian ngắn đã trở thành Trưởng phòng Sáng tác - Xuất bản. Cũng thuộc loại được ưu ái.

Nếu yên vị ngồi đấy, gọ ghẹ thêm cái bằng tại chức nữa thì cái ghế Phó Giám đốc Sở cũng trong tầm tay. Nhưng rồi thơ vẫn không để anh yên! Đùng một cái, tôi được tin anh thi vào Trường viết văn Nguyễn Du. Hơn bốn mươi tuổi rồi, mấy chục năm làm kế toán, suốt ngày gảy bàn tính cộng cộng trừ trừ, nay phải thi văn thi sử, hẳn là không dễ dàng gì?

Nhưng anh vẫn thi. Đỗ rồi là cắt tuốt mọi giấy tờ, vào ở hẳn trong trường. Hồi ấy, trường Nguyễn Du đâu đã có cơ ngơi như ngày nay, nhà cửa thì lụp xụp, ăn uống cực kì kham khổ.

Có đêm tôi đang nằm khoèo trong cái ô 7m2 của mình ở 128 Hàng Trống thì nghe tiếng gõ bồm bộp vào mảnh cửa cót ép. Mở ra thì là Quách Ngọc Thiên với cái dáng cao gày, cặp má hóp quen thuộc. Anh kêu đói, chúng tôi hì hụi nấu mì suông trên cái bếp điện dây trần.

Ăn xong, anh ngủ lại với tôi và tỉ tê hỏi mượn chỗ ở này để hoàn thành mấy tác phẩm dở dang. Tiếc là tôi không thể làm vừa lòng anh. Sáng ra, anh từ biệt tôi, không vui nhưng cũng không trách móc lời nào...

Ít lâu sau, tôi nghe tin anh đột ngột trúng gió, hôn mê rất sâu. Gia đình nghĩ là tình huống đã tuyệt vọng nên xin cho anh ra viện, về quê. Cơ quan cũ của anh ( Sở VHTT Hà Sơn Bình) linh hoạt giải quyết các chế độ cho anh như người nghỉ mất sức.

May mắn là anh đã vượt qua được cơn nguy biến, tuy phải gánh chịu những di chứng thật nặng nề. Gần hai chục năm chung sống với bệnh tật trong cảnh nghèo nàn, Quách Ngọc Thiên vẫn cố gắng không bỏ thơ. Nhưng có lẽ Nàng Thơ đã bỏ anh?

Đọc những dòng anh viết sau cơn bạo bệnh chỉ khiến ta thêm bùi ngùi. Định mệnh quái ác đã cắt ngang đời thơ Quách Ngọc Thiên, rất lâu trước khi anh từ giã hẳn thế giới này (28/6/2005). Nhưng chỉ với một số bài thơ để lại, Quách Ngọc Thiên xứng đáng có một vị trí trong nền văn học đa dân tộc của chúng ta.

Chùm thơ hay nhất của Quách Ngọc Thiên được viết trong 2 năm 1981 - 1982. Hồi ấy anh chưa đi học Trường Nguyễn Du! Có lẽ những thành công của Đinh Đăng Lượng và lời khen của đồng nghiệp dành cho Lượng đã kích thích Thiên?

Khác với Lượng chỉ đá qua văn chương tí chút và không khi nào rời khỏi nghiệp... quan chức, Quách Ngọc Thiên “quyết tử” với thơ và anh đã được đền bù, tuy phải trả một cái giá quá đắt! Chùm thơ 4 bài  “Nàng gió nương”, “Mưa rừng măng”, “Bài thơ trở lại”, “ Với thuyền độc mộc sông Đà”  xuất hiện trên báo Văn nghệ đã giới thiệu một Quách Ngọc Thiên khác hẳn với những gì đã viết, đã in.

Nói cho công bằng, trước đó anh đã có những câu hay, như những vần lục bát trong bài “Bản ven sông Đà” (1977): Bố ơi bố nghĩ những gì/ Cột này khó nhọc những khi chặt về/ Hôm nào rừng động tiếng ve/ Nhát rìu chém vỡ trưa hè chói chang...

Rồi: Cột là gỗ quý đen tròn/ Dấu người ngồi tựa đã mòn tháng năm...Hay thì có hay nhưng mới là cái hay chung chung, có thể nói là cổ điển, chưa có dấu ấn Mường, dấu ấn Quách Ngọc Thiên.

Đến “Mưa rừng măng” (1981) thì khác hẳn. Tôi đồ rằng không phải người sinh ra và lớn lên ở miền núi thì không thể viết bài thơ này. Thơ tình ư? Đúng rồi.  Thơ tả cảnh, thơ phong tục? Không sai. Hồn nhiên, tinh tế lắm Hai ta đi hái măng/ Cơn mưa rừng chợt đến/Đầy thung sợi chỉ giăng/Ta trốn bên gốc sến/Mưa tíu tít gọi nhau/Mưa lật từng cái lá/Như tìm ta ở đâu/Chưa gặp thì chưa thả/.../ Mưa đã rơi xuống đầu/ Mưa đã rơi vào áo/Hai ta chợt nhìn nhau/Thấy mưa cười trong mắt...

Tôi muốn dẫn cả bài, nhưng xin được dừng ở hai câu này: Giỏ đầy mưa đầy măng/Mưa măng chồng măng vợ. Đầy giỏ măng thì ai cũng biết, nhưng đầy giỏ mưa thì chỉ có thi sĩ mới thấy.

Và “măng chồng măng vợ” thì đích thực là “bản sắc dân tộc” mà nhà thơ nào cũng muốn tìm rồi! Tôi cũng rất yêu giọng thơ lục bát của bài “Với thuyền độc mộc sông Đà”. Hồi ấy có đến một nửa những người làm thơ phía Bắc nhắc đến sông Đà nhưng bài hay về đề tài này ít lắm. Trong số ít may mắn ấy có Quách Ngọc Thiên.

Bài thơ mở đầu thật tự nhiên, phóng khoáng, rất động, rất mạnh mẽ: Dựng thêm cột điện trên cao/Bóng chiều đổ những con sào ngang sông/Chợt đâu một chiếc thuyền cong/Lướt qua để sóng lượn vòng lan man.

Rồi trong vai một người thợ dựng cột dẫn cho dòng điện tương lai, nhà thơ thả trí tưởng tượng về đầu nguồn sông, về thời xa xăm: Muốn gọi theo, muốn gửi chào/Mà con suối cứ rì rào đổ ngang/Thuyền dần xa...ráng chiều vàng/ Đậu lưng người lái khuất hàng núi xanh.

Hình như có một sự nhớ nhung, tiếc nuối nào đó, bàng bạc giữa những dòng thơ. Nhớ cái gì, tiếc cái gì, không rõ! Phải chăng đấy là cái gọi “ Thi tại ngôn ngoại”?

Bài “Nàng gió nương” được nhiều người coi là bài thơ hay nhất của Quách Ngọc Thiên. Hình như cái cách gọi gió là...em này, trước Thiên cũng chưa có ai viết thế?

 “Em Gió” không phải vô hình mà có đường có nét hẳn hoi: Anh mơ nhìn mắt em hình hạt thóc/Đôi mày chao núi lượn chân trời/Đôi môi hồng quả cây sang chín/Đôi chân trần đi êm cỏ trôi. “Em” vừa có hình, vừa có tiếng Em gọi gà rừng gáy chiều thấp thoáng/Tiếng mõ trâu lăn trên đồi lưa thưa/ Em tung cả tiếng chim non chi chít/Trên búp cành nhung tơ.

Khổ kết bất ngờ, cũng thật sáng tạo: người trai bản có thể đưa “em gió” về nhà: Em đến gần mơn man làn má/Anh choàng tay em lại đi đâu/Chỉ nghe em cười trong khóm lúa/ Anh gặt về ta ở bên nhau.

“Nàng gió nương” như một biểu tượng cho mơ ước no ấm, thanh bình của người miền núi. Không phải ai cũng coi đây là bài thơ hay, nhưng sự độc đáo của nó thì  người đọc dễ nhất trí.

14/7/05

MỚI - NÓNG