Quảng Bình cung đón Phật ngọc lớn nhất thế giới

TP - Tượng Phật ngọc Hòa bình Thế giới bằng ngọc thạch cao 2,7m, nặng trên 4 tấn từng đi vòng quanh thế giới một lần nữa tới Việt Nam. Nơi đầu tiên Phật tử và du khách có thể đến chiêm bái Phật Ngọc là tại chùa Hoằng Phúc- Quảng Bình, tiếp đó là một số tỉnh miền Bắc như Thanh Hóa, Thái Nguyên…

Tượng Phật ngọc Hòa bình Thế giới được chế tác từ khối ngọc thạch mệnh danh là “niềm kiêu hãnh Bắc cực” (Polar Pride) được phát hiện tại Bắc Canada năm 2000. Ông Ian Green- Phật tử người Úc, người có duyên với khối ngọc này đã mời các các nghệ nhân Nepal, Ấn Độ và Thái Lan chạm khắc khối ngọc theo nguyên mẫu tượng Phật Thích ca tại thánh địa Bồ đề Đạo tràng (Ấn Độ). Việc chế tác diễn ra tại Thái Lan. Việt Nam là nước đầu tiên vinh dự đón tượng Phật có một không hai này vào năm 2009. Lần đó, tượng đã được tôn trí tại các chùa lớn ở Đà Nẵng, Bà Rịa- Vũng Tàu, TPHCM, Đồng Tháp và Bắc Ninh. Sau đó tượng mới được đưa về Úc.

Năm 2010, tượng tiếp tục sang Mỹ, 2011 đến các nước châu Âu và 2012 qua châu Á. Lý do Việt Nam được ưu ái cung đón tượng Phật ngọc đầu tiên theo thầy Thích Đức Thiện, hiện trụ trì chùa Hoằng Phúc: “Vì người Việt Nam mình vốn yêu chuộng hòa bình, có niềm tin Phật pháp lớn cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở Úc”.

Quảng Bình cung đón Phật ngọc lớn nhất thế giới ảnh 1

Tượng Phật ngọc Hòa bình Thế giới tại chùa Phật Tích hồi năm 2009 thu hút hàng triệu lượt du khách tới chiêm bái. Ảnh: Nguyễn Mạnh Hà.

Tượng Phật ngọc đã về Việt Nam được 3 tuần và tới 26/3 sẽ tới chùa Hoằng Phúc. Lễ khai mạc cung nghinh tượng Phật ngọc diễn ra 9h sáng 27/3. Tượng được tôn trí tại chùa tới 5/4. Trong thời gian này tại chùa sẽ diễn ra lễ thắp nến cầu quốc thái dân an hòa bình thế giới và các buổi thuyết giảng Phật pháp về các chủ đề Phật giáo và hòa bình thế giới, Thiền và cuộc sống do Thượng tọa Thích Đức Thiện và Thượng tọa Thích Chân Quang chủ trì.

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, trụ trì chùa Phật Tích (Bắc Ninh), năm 2009, gần 2 triệu lượt người đã đến chiêm bái tượng Phật ngọc riêng tại chùa Phật tích mà không có một tai nạn đáng tiếc nào xảy ra. Cho đến nay đây vẫn là sự kiện tôn giáo thu hút đông đảo công chúng nhất của tỉnh Bắc Ninh.

Được biết, Hoằng Phúc là ngôi quốc tự cổ xưa gắn với cuộc đời hoằng pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Khởi nguồn chùa là am Tri Kiến (hay còn gọi là chùa Kính Thiên) tọa lạc tại thôn Tri Kiến, huyện Tri Kiến thuở xưa, nay là thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy. Vào năm 1301, Phật Hoàng Trần Nhân Tông truyền giảng Phật Pháp tại chùa. Vào thế kỷ XVII, các vị chúa Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phúc Chu cho tu bổ xây dựng chùa. “Lịch sử không thể không nhắc đến am Tri Kiến”, thầy Thích Đức Thiện nói. “Đó là dấu ấn thời kỳ cha ông mở rộng về phương Nam”. Trước khi chùa được trùng tu vào tháng 1 năm nay, dấu tích xưa chỉ còn lại chiếc cổng cổ được cây si bao bọc.

Lượng khách sạn, nhà nghỉ của huyện Lệ Thủy không nhiều; để chuẩn bị đón Phật tử và du khách thập phương về chiêm bái tượng Phật ngọc, địa phương đã hoàn thiện thêm một số hạng mục cơ sở hạ tầng. Ngoài tận dụng khu nghỉ cho Phật tử tại chùa, BTC cũng huy động nhà dân xung quanh có điều kiện cho bà con nghỉ lại. Nếu ở dài ngày, khách thập phương có thể về Đồng Hới. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của thầy Thiện vào năm 2009, đa số bà con không ở lại qua đêm. Việc BTC quan tâm hơn vẫn là phân luồng giao thông và đảm bảo an ninh trật tự, yêu cầu các cơ sở dịch vụ niêm yết giá cả rõ ràng. Thượng tọa nhận xét: “Về chùa Hoằng Phúc trụ trì, tôi thấy đồng bào Phật tử bà con nhân dân trong đó rất có ý thức, không có hiện tượng chặt chém như lễ hội ngoài Bắc”.

Việc vận chuyển tượng Phật ngọc từ Úc tới Việt Nam và đi các địa phương do BTC quốc tế chịu trách nhiệm. Phía Việt Nam chỉ phụ trách việc công tác tổ chức, bài trí. BTC chuẩn bị mỗi ngày 7 nghìn đến 1 vạn suất cơm chay để phát cho du khách về chiêm bái tượng Phật.

Nhân dịp đón tượng Phật ngọc, chùa Hoằng Phúc cho phát một loại “ấn” đặc biệt trên đó in các lời dạy của vua Trần Nhân Tông, vị Phật hoàng theo Thượng tọa trụ trì là “biểu tượng cho hòa bình, hòa giải”.

MỚI - NÓNG