Quang Hải: Không buồn nếu "Pao" không ăn khách

Quang Hải: Không buồn nếu "Pao" không ăn khách
Trong khu vườn điện ảnh, "Chuyện của Pao" chính là cú liều của Quang Hải - "kẻ rong chơi" tuổi Đinh Mùi mang trong mình chất giang hồ đất cảng với chút khoa bảng xứ Nghệ.
Quang Hải: Không buồn nếu "Pao" không ăn khách ảnh 1
Quang Hải

Cảm giác của anh sau đêm tôn vinh giờ thế nào?

Tôi đã tĩnh trí ngay đêm hôm đó vì thực ra, trước lễ trao giải Cánh diều vàng, tôi đã bắt tay vào một dự án khác và đang theo đuổi nó nên rất bận. Hôm đó, tôi coi như một ngày cuối tuần đẹp đẽ và giải thưởng chính là niềm khích lệ tôi và những cộng sự đi tiếp trong những bộ phim sau.

Là người chỉ thích xem phim hình sự, nghe nhạc rock, tại sao anh lại bắt đầu sự nghiệp đạo diễn của mình bằng một câu chuyện lãng mạn và tình cảm?

Năm 2002, tôi làm một chuyến đi đến các vùng Đông Bắc, Tây Bắc và quyết định tìm hiểu sâu sắc hơn về cuộc sống ở những nơi này để làm phim.

Tôi muốn đưa khán giả đến một vùng đất mới, muốn họ thấy ở nơi đó con người ta cũng có khát vọng sống, có tình yêu, tình người nhưng ở một thế giới khác, không có bon chen, đố kỵ. Qua câu chuyện phim, tôi hy vọng người xem tìm thấy sự cân bằng trong tâm hồn.

Bên cạnh sự rung động khi tiếp cận với tác phẩm văn học như anh từng nói, còn yếu tố nào khác, sự an toàn chẳng hạn, bởi đề tài miền núi thường dễ được duyệt cấp kinh phí?

Không ai dại gì chọn sự an toàn bằng cách hành xác như thế. Sốt rét chưa thấy, nhưng bọ chó thì có rồi. Khi làm bộ phim này, tôi và Hải Yến đã phải bán nhà trong TP HCM ra HN thuê nhà, và mất 2 năm trời ròng rã đi đi về về giữa HN - Sủng Là, Đồng Văn, Mèo Vạc, Sa Pa, Bắc Hà, Lai Châu, Điện Biên.

Sau này khi làm xong rồi, tôi tự hỏi tôi có điên không? Trong những ngày làm phim, cả đoàn với gần 60 người cứ rong ruổi mỗi ngày 6 tiếng đồng hồ trên con đường núi cheo leo, mà lại là đường độc đạo, thỉnh thoảng đá lở chắn ngang đường, thời gian ngủ không đủ, ăn thực phẩm địa phương. Muôn trùng khó khăn. Vâng, đúng là trong cuộc sống con người ta hay chọn yếu tố an toàn làm đầu, nhưng như thế khác nào tôi tự bóp chết niềm đam mê của mình và niềm tin của bao người.

Khi làm một bộ phim tôi không bao giờ chỉ đi từ bề ngoài, vì như thế sẽ không đủ sức và ý chí để theo đuổi nó đến cùng. Nếu ai đó nói tôi khôn khi chọn đề tài này thì đã nhìn quá sai về tôi và toàn bộ êkíp bộ phim.

Có người nhận xét phim của anh giống như giới thiệu về du lịch, anh nghĩ sao?

Trong phim này tôi muốn người xem uống trà tâm sen, đắng ban đầu nhưng có vị ngọt về sau.

Khi làm phim, anh phải chịu những áp lực nào?

Tôi nhớ mãi một câu mà ông Phillip Noyce nói với tôi: "Làm phim không bao giờ tránh được áp lực. Để giải quyết áp lực đó, anh phải dùng phương pháp, phương pháp và phương pháp". Chịu đựng áp lực là điều đương nhiên của nghề nghiệp này, và người đạo diễn phải chấp nhận nó. Nếu không thì đừng nên làm phim.

Anh rất hay nhắc đến Phillip Noyce, phải chăng ông ấy là thần tượng của anh?

Tôi mang ơn bởi những gì ông ấy đã làm cho chúng tôi trong nghề nghiệp. Phillip Noyce rất bận với công việc của một đạo diễn, nhưng ông luôn giúp đỡ chúng tôi trong suốt thời gian qua và cho tôi những lời khuyên chí lý.

Tôi nói với ông về khát vọng làm phim của mình, và ông cung cấp cho tôi khá nhiều tài liệu giá trị. Ông ấy quan sát và truyền cho tôi cách hành xử trong nghề, nhưng Phillip Noyce cũng luôn nhắc tôi thế giới này rất rộng lớn, không nhất thiết học ai cứ phải giống người đó mà phải làm phim theo phong cách của mình.

Trong nước, anh "tâm phục, khẩu phục" đạo diễn nào?

Rất nhiều. Đó là các đạo diễn Trần Vũ, Đặng Nhật Minh, Phạm Kỳ Nam, Đào Trọng Khánh...

"Chuyện của Pao" được quay bởi một quay phim nước ngoài. Anh đánh giá ra sao về các tay máy nội?

Tôi có thể đặt niềm tin vào một nhà quay phim trong nước, họ sẽ có những cảnh quay không kém Cordelia. Nhưng vì đây là bộ phim đầu tay nên tôi muốn làm việc theo quy trình mà tôi được học. Chính vì vậy, cộng tác với một nhà quay phim nước ngoài, tôi nghĩ thuận lợi hơn.

Xem phim nước ngoài thấy phim của ta tụt hậu quá. Theo anh, lý do nằm ở đâu?

Lý do là con người. Nước mình có những cá nhân giỏi, nhưng tinh thần hợp tác trong công việc rất kém. Phim ảnh là một sản phẩm của tập thể, nếu thiếu đi tinh thần hợp tác thì không có sản phẩm tốt. Cái tôi của người đạo diễn rất quan trọng và cần phải có, nhưng nó phải được sử dụng hợp lý, phải là sức hút để mọi người cống hiến hết mình cho công việc.

Tôi nghĩ, nghề đạo diễn là nghề thuyết phục và kết nối. Nếu ví mỗi người như một dấu chấm thì đạo diễn chính là người cầm bút nối các dấu chấm đó lại với nhau.

Khi công chiếu "Chuyện của Pao", nếu khán giả thưa vắng, anh sẽ ra sao khi mà như anh nói đã hy sinh rất nhiều cho bộ phim đầu tay này?

Tôi sẽ không buồn. Không được buồn, không được chán, bởi tôi không phụ trách từ khâu đầu đến khâu cuối của bộ phim.

Theo Đàn Ông

MỚI - NÓNG