Trung tâm bồi dưỡng văn Nguyễn Du:

Quanh chuyện 3 nhà văn xin từ chức

Quanh chuyện 3 nhà văn xin từ chức
TP - Cùng lúc, cùng một lá đơn gửi Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà văn Ma Văn Kháng và nhà văn Phan Hồng Giang xin từ chức ở Ban Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du.

Tiền phong có cuộc trò chuyện với nhà văn, TSKH Phan Hồng Giang-Giám đốc Trung tâm.

Quanh chuyện 3 nhà văn xin từ chức ảnh 1
TSKH Phan Hồng Giang: “Làm Viện trưởng 1 năm không mệt bằng 3 tháng ở Trung tâm” Ảnh: Đ.T.T

Ông có hài lòng về khóa 1 của Trung tâm không? Lý do nghỉ duy nhất của ông là tuổi cao sức yếu?

Chỉ là tuổi cao sức yếu. Người ta cũng hỏi có phải vì không có trụ sở, không có bộ phận hậu cần, các ông già phải xách từng cái phích nước. Ngay hôm khai giảng, nhà văn Ma Văn Kháng đã bảo: Lẽ ra phải có trụ sở riêng, ô tô, tài vụ, chỗ ở phải có người quản lý, chúng tôi chỉ lo về nội dung thôi.

Lớp học rất nghiêm túc, tất nhiên người có tài mới đi được con đường văn chương phía trước. Ông Nguyễn Chí Trung là người chăm chỉ nhất. Hai người đi cùng bế ông ấy lên hội trường, ông Trung luôn ngồi hàng đầu, nếu khám bệnh đến muộn ông gọi điện xin phép đến muộn 1 tiếng. Ông Trung bảo: “Gần 80 tuổi mà được đi học là một hạnh phúc lớn”. Lớp có khoảng 15 người như thế, nhưng cực kỳ nghiêm chỉnh.

Hôm bế giảng, nhà thơ Vũ Quần Phương phát biểu: Nhiều hội viên Hội Nhà văn chưa quan tâm đến lớp học. Ông thấy sao?

Báo Văn nghệ Trẻ có viết nhầm là nhà thơ Đặng Hấn cũng dự lớp này. Nhà thơ Đặng Hấn phản ứng quyết liệt: “Tôi là nhà thơ thành danh rồi còn phải đi học lớp này à”.

Người bị nhầm tên là Lê Đức Hân nói: “Tôi không biết anh Hấn thế nào, nhưng riêng tôi được mang danh học lớp này là niềm vui sướng”. Vũ Xuân Tửu là lớp trưởng, theo tôi là một trong những cây truyện ngắn đặc sắc độc đáo bây giờ, Tạ Văn Sỹ-nhà thơ xe ôm, Huỳnh Trung Hiếu 64 tuổi cũng lọ mọ đi, có người nhà đi theo. Có tới 6 hội viên Hội Nhà văn đi học. Như vậy, không thể nói các hội viên Hội Nhà văn coi thường lớp này.

Ông có thể cho biết sự quan tâm của BCH Hội Nhà văn?

Trung tâm là cơ quan cấp 2 của Hội, phục hồi lại hình thức đào tạo ngắn hạn của trường viết văn Quảng Bá đã ngừng 30 năm nay. Nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà văn Nguyễn Trí Huân là 2 người hăng hái nhất. Còn kinh phí, Hội đã rót 100 triệu đồng, chúng tôi chỉ tiêu 30 triệu, còn lại dành cho khóa sau.

Lẽ ra phải học ở Quảng Bá (đường Âu Cơ), nhưng hiện chưa lắp máy điều hòa, nên đành học ở hội trường của Viện VHTT. Buổi sáng bế giảng khóa 1, buổi chiều tôi ra quận nhận sổ hưu (nghỉ chức Viện trưởng Viện VHTT).

Các ông có ý định nghỉ từ bao giờ?

Từ ngày 25/1 khi họp phiên chấp hành, chúng tôi đã nói: “Nếu bây giờ các anh tìm được người khác, chúng tôi sẵn sàng nghỉ”. Ông Hữu Thỉnh gạt phắt: Thầy già, con hát trẻ...

Tôi biết rất nhiều người trẻ muốn làm, nhưng Chủ tịch Hội nói thế, chúng tôi đành chấp nhận với điều kiện chỉ một khóa đầu. Như nhà thơ Vũ Quần Phương nói là chạy rốt-đa xong rồi thôi. Có trớn có đà rồi, anh em làm tiếp dễ thôi. Vất vả lắm, làm Viện trưởng 1 năm không bằng 3 tháng ở Trung tâm.

Khóa 2 nghe nói sẽ tuyển sinh vào tháng 10?

Có một doanh nghiệp sẵn sàng lo hết kinh phí, địa điểm. Ông ấy bảo: Chúng tôi không viết văn, nhưng theo chương trình dạy của Trung tâm, thì tôi thấy bất cứ doanh nhân nào cũng cần.

Ông ấy định đòi học giữa chừng, nhưng tôi không chấp nhận. Ông ta bảo: “Thế thì mở một khóa riêng cho chúng tôi”. Cty này giàu có, kinh phí trả chúng tôi chắc chắn cao hơn Trung tâm trả, nhưng tôi cũng không muốn làm nữa.

Hình như ông đã làm đơn xin nghỉ nhiều lần nhưng không được?

Đấy là ở Hội, ông Ma Văn Kháng xin nghỉ chức Tổng Biên tập tạp chí Văn học nước ngoài tới 8 lần. Cho nên, khi làm đơn từ chức ở Trung tâm, ông Kháng bảo: “Không nghỉ được ngay đâu, theo truyền thống của Hội mình thì phải 8 lần”.

Cũng bởi thế, trong đơn, tôi chốt một câu: “Đây là ý kiến cuối cùng không thể thay đổi”. Chắc lần này thì nhanh. Người xung phong làm nhiều lắm, vấn đề là Hội có ưng ý hay không.

Nhưng làm quản lý ở Trung tâm cũng có cái vui chứ?

Vui nhưng mệt. Ngoài chuyện quản học viên ở lớp, mời giảng viên, những phát sinh từ nhà trọ, còn nhiều việc đau đầu nữa. Đến 28/5, khai giảng ở Quảng Bá nhưng tối 26/5 vẫn chưa có điện.

Trung tâm gửi công văn cho Điện lực Tây Hồ, nhưng họ không thèm trả lời, đến gặp thì không tiếp. Tôi ở vào thế “cùng tắc biến”, phải gọi cho Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị - học viên khóa ngắn hạn năm 1971 của Trung tâm. Ông Nghị can thiệp, có điện ngay. Nhưng chúng tôi không thể giảng dạy ở Quảng Bá vì xập xệ quá, chưa có điều hòa, micro. 

Chắc đó cũng là một phần lý do khiến các ông nản và đồng loạt từ chức?

Thực ra, ông Vũ Quần Phương là Chủ tịch Hội đồng Thơ, ông Ma Văn Kháng - Chủ tịch Hội đồng văn xuôi - Hội Nhà văn, chỉ nói công việc chưa kể thời giờ dành cho sáng tác đã đủ bận rồi.

Tôi là Phó Chủ tịch Hội đồng dịch, vướng thời giờ đọc tác phẩm, rồi đào tạo nghiên cứu sinh ở Viện VHTT. Mai thấy báo đăng cáo phó cũng chả có gì đặc biệt, ông Kháng đã 71 tuổi rồi, huyết áp đầy mình còn ông Phương thì suy tim độ 1...

Xin cảm ơn ông.

Trần Thanh (ghi)

MỚI - NÓNG