Quanh ngôi mộ được coi là của vua Lê Hiển Tông

Quanh ngôi mộ được coi là của vua Lê Hiển Tông
TP - Trong khi đào hệ thống thoát nước và dọn vườn tại khu vực phía sau một dãy phòng học của Trường THCS Xuân Quang, ở làng Kênh, xã Xuân Quang, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), người dân địa phương phát hiện một ngôi mộ cổ còn nguyên vẹn.

Qua các tài liệu dư địa chí viết về địa phương, cấp ủy, chính quyền, nhân dân xã Xuân Quang nghi đây là ngôi mộ của vua Lê Hiển Tông.

Quanh ngôi mộ được coi là của vua Lê Hiển Tông ảnh 1
Ngôi mộ cổ nghi là mộ của vua Lê Hiển Tông nằm ở khu vườn sau Trường THCS Xuân Quang, làng Kênh, xã Xuân Quang, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) vừa được nhân dân phát cỏ, xây dựng bê tông. Ảnh: Hoàng Lam

Tình cờ

Anh Lê Văn Thể - cán bộ UBND xã Xuân Quang, kể lại: “Cuối năm 1992, tôi cùng 6 người trong xã được giao đào hệ thống thoát nước phía sau dãy phòng học của Trường THCS Xuân Quang.

Khi chúng tôi đào đến độ sâu khoảng 70 cm thì nghe tiếng rất lạ, có một vật gì đó ở dưới lòng đất. Đào thêm 10 cm đất, chúng tôi phát hiện có một chiếc quách được làm rất kiên cố.

Chiếc quách dài 4m, rộng gần 2m. Thành của chiếc quách có khắc nhiều chữ giống chữ Nho. Chúng tôi dùng thuổng đục một lỗ của chiếc quách thì thấy phía trong quách có chiếc quan tài bằng gỗ.

Mùi hương từ chiếc quan tài bằng gỗ bay ra thơm ngào ngạt. Chúng tôi liền báo cáo với chính quyền và lấp đất lại. Sau đó, UBND xã đã huy động dân quân đắp đất thành ngôi mộ và bảo vệ ngôi mộ cổ đó cho đến nay...”.

Ông Lê Xuân Kỳ - Phó Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Thanh Hóa, hội viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, khẳng định: Theo các sách Lịch triều tạp kỹ của tác giả Ngô Cao Lãng (viết thời Gia Long - triều Nguyễn), do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành năm 1995; sách Khâm định Việt sử Thông giám cương mục do Quốc sử quán triều Nguyễn ghi chép, Nhà Xuất bản Giáo dục, ấn hành năm 1998; sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú và gần đây nhất là cuốn Lê triều Ngọc Phả của các tác giả Lê Xuân Kỳ, Lê Trung Tiến, Lê Anh Tuấn biên soạn, Nhà Xuất bản Thanh Hóa ấn hành (tái bản lần I) năm 2009 đều ghi: Do ốm nặng, ngày 17- 7- 1786, vua Lê Hiển Tông băng hà.

Được sự tổ chức của Nguyễn Huệ (con rể vua Lê Hiển Tông), thi hài của nhà vua được đưa từ kinh thành Thăng Long đi bằng đường thủy (từ sông Hồng, ra biển đông, vào cửa sông Mã, Thanh Hóa, rồi ngược sông Mã, sông Chu lên huyện Thọ Xuân) vào Trang Bàn Thạch (còn gọi là Trang La Đá) để an táng. Mà vùng đất Trang Bàn Thạch xưa, ngày nay thuộc xã Xuân Giang và Xuân Quang (Thọ Xuân). Đây là vùng đất an táng 3 vị vua, gồm: Lê Dụ Tông, Lê Hiển Tông, Lê Chiêu Thống.

Đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp cho xây dựng đập thủy lợi Bái Thượng, đào hệ thống sông nông giang đã chia tách Trang Bàn Thạch xưa thành 2 vùng đất. Một vùng thuộc xã Xuân Quang và một vùng thuộc xã Xuân Giang ngày nay. Phần mộ của vua Lê Dụ Tông hiện nằm bên làng Bái Trạch (Xuân Giang), được khai quật phục vụ nghiên cứu khoa học vào năm 1963.

Thi hài vua Lê Dụ Tông đang được bảo quản lại Bảo tàng Lịch sử VN. Còn phần mộ của vua Lê Hiển Tông và Lê Chiêu Thống nằm ở khu vực cồn Mả Lăng, hay Mả Tổ (xã Xuân Quang) trên diện tích rộng hàng chục nghìn mét vuông, tạo thành khu di tích lăng tẩm Bàn Thạch. Vì vậy, ngôi mộ cổ ở Xuân Quang có thể là mộ vua Lê Hiển Tông.

Sau khi người dân phát hiện ngôi mộ trên, UBND xã đã có văn bản báo cáo với cấp trên và đang chờ cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa về tìm hiểu, giám định ngôi mộ cổ này xem có đúng là mộ của vua Lê Hiển Tông hay không. Do nghi ngôi mộ cổ đó là phần mộ vua Lê Hiển Tông, nên vào những ngày lễ tết trong tháng, trong năm, nhân dân vẫn hương khói đều đặn cho người đã khuất.

Hiện nay, UBND xã đã chuyển trường học sang khu mới, dành phần đất ở khu vực này (gần 12.000m2) để khi cấp trên đồng ý sẽ xây dựng di tích lăng tẩm tưởng niệm vua Lê Hiển Tông.

Cơ quan chức năng sẽ vào cuộc

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Thành Hiểu - Trưởng Ban Quản lý Di tích - Danh thắng (thuộc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Thanh Hóa) cho biết: “Chúng tôi đã tiếp nhận thông tin về ngôi mộ cổ ở xã Xuân Quang và đã đi kiểm tra thực địa.

Qua kiểm tra, thám sát tại hiện trường, chúng tôi phát hiện có một tấm bia cạnh ngôi mộ ghi rõ đó là mộ của vua Lê Hiển Tông (hiện nay tấm bia này không còn ở xã Xuân Quang - P.V).

Căn cứ vào các tài liệu lịch sử, chúng tôi được biết tại Trang Bàn Thạch có 3 ngôi mộ của các vua Lê Dụ Tông, Lê Hiển Tông và Lê Chiêu Thống (vua Lê Hiển Tông là cháu nội của vua Lê Dụ Tông, vua Lê Chiêu Thống là cháu nội của vua Lê Hiển Tông- P.V) được táng theo trục bắc- nam (còn gọi là trục tý- ngọ theo thuyết phong thủy).

Sắp tới, ngành chức năng của tỉnh tiếp tục vào cuộc để lần nữa khẳng định bằng các chứng cứ khoa học về ngôi mộ của vua Lê Hiển Tông ở xã Xuân Quang. Từ đó, để chính quyền và dòng họ Lê Việt Nam tiến hành xây dựng quần thể di tích lăng tẩm tưởng niệm vua Lê Hiển Tông tại khu vực Trường THCS Xuân Quang (cũ) trên diện tích gần 12.000m2...”

Theo Wikipedia Tiếng Việt, Lê Hiển Tông (1717- 1786, tên húy là Lê Duy Diêu) là vua nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam. Ông ở ngôi từ tháng 5 năm 1740, sau khi Trịnh Doanh ép vua Lê Ý Tông nhường ngôi cho ông, đến ngày 17 tháng 7 năm 1786.

Ông là con trưởng của vua Lê Thuần Tông, làm vua được 47 năm, thọ 70 tuổi, là vị vua ở ngôi lâu nhất và là vua thọ nhất của nhà Hậu Lê. Đời vua Lê Hiển Tông chỉ đặt một niên hiệu là Cảnh Hưng.

Theo Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục (sách do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, cung cấp cho chúng ta một bức tranh đầy đủ, toàn diện về lịch sử Việt Nam từ thời Hùng Vương dựng nước đến những năm cuối cùng của thế kỷ thứ XVIII, gồm các lĩnh vực chính trị, phong tục, tập quán, luật pháp...), viết: “Dưới thời Trịnh Doanh, vua Lê Hiển Tông tuy cũng chỉ là bù nhìn, nhưng không phải đối diện với mối đe dọa có thể bị phế truất như những vua trước và nhận được sự tôn trọng nhất định từ phía phủ chúa, tuy chỉ mang tính hình thức.

Tháng bảy năm 1786, tướng Tây Sơn là Nguyễn Huệ với chiêu bài phù Lê diệt Trịnh kéo quân ra Thăng Long đánh đổ Trịnh Khải và ngỏ ý tôn phù Lê Hiển Tông. Do sự mai mối của Nguyễn Hữu Chỉnh - cựu thần của Bắc Hà theo hàng Tây Sơn, vua Lê Hiển Tông gả công chúa Lê Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ.

Lễ cưới diễn ra được ít ngày, vua Lê Hiển Tông ốm nặng. Ngày 17 tháng bảy năm đó, vua mất, ở ngôi 47 năm, hưởng thọ 70 tuổi. Lê Hiển Tông sống qua 4 đời chúa Trịnh. Ông được táng tại lăng Bàn Thạch, huyện Lôi Dương, nay là xã Xuân Quang, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa)”.

Những ngày qua, cùng với sự kiện chuẩn bị đưa thi hài vua Lê Dụ Tông về hoàn táng tại làng Bái Trạch, xã Xuân Giang (huyện Thọ Xuân), nhân dân địa phương quanh vùng đã chủ động phát cỏ, xây dựng bê tông quanh ngôi mộ.

Thực hư về ngôi mộ này như thế nào thì cần phải có những cuộc hội thảo, công trình nghiên cứu khoa học để khẳng định ngôi mộ cổ ở xã Xuân Quang là mộ của vua Lê Hiển Tông. Từ đó có căn cứ xây dựng quần thể lăng tẩm tượng niệm vua Lê Hiển Tông, để xứng tầm với công đức của một vị vua thời Lê trung hưng. Đây cũng là mong muốn của nhân dân địa phương.  

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.