Quyền tác giả âm nhạc: Vẫn còn nhiều rắc rối

Quyền tác giả âm nhạc: Vẫn còn nhiều rắc rối
Chuyện xác minh tác giả mất rất nhiều công sức của các cơ quan quản lý. Về bản quyền, tác giả nào muốn đăng ký hay không là tùy ý, nên càng khó thêm cho công tác quản lý nhà nước.

Hiện nay số nhạc sĩ được trả tiền tác quyền theo luật định chỉ đạt tỷ lệ trên dưới 50%. Bản quyền các tác phẩm âm nhạc bị xâm phạm không ít, dẫn tới thực trạng những nhạc sĩ tài hoa ngại sáng tác hoặc sáng tác cầm chừng vì có thể bị coppy sửa lời nếu tác phẩm trở nên nổi tiếng. Có những trường hợp cùng lúc hai người cùng nhận là tác phẩm của mình.

Những trường hợp ăn cắp bản quyền lẫn nhau hoặc ăn cắp của chính mình (nghĩa là tác giả lấy chính bản nhạc cũ của mình sửa lại đôi chút rồi đặt tên mới) đang ngày càng nhiều. Bản “Lối về xóm nhỏ” nhạc và lời H.A nhưng thực ra T.H sáng tác năm 1975. “Khi người yêu quay gót” của L.N.T và “Yêu mãi anh” nhạc và lời P.T.T, là trường hợp ăn cắp lẫn nhau, lấy lẫn của nhau. Bản “Khi em thoáng  qua đời tôi” do N.T.H đưa, nhưng thực tế là của Việt kiều M.A.V. Bản “Chuyện ngày xưa” của T.P chính là bản “Trên 4 vùng chiến thuật”, loại nhạc lính cộng hòa trước năm 1975. Ở đây tác giả dùng lại nguyên xi nhạc và sửa lời rồi đặt tên khác.

Bản “Quay gót âm thầm” của P.K.T Việt kiều Mỹ lại bị P.T.L nhận vơ là của mình. “Nơi nắng xuân về” do T.S tự nhận là tác giả, nhưng thực ra bản “Nếu em về bên anh” của H.A (nhạc giống toàn bộ chỉ đổi tông Fa trưởng thành Rê trưởng)v.v. Vì vậy trên thị trường hiện nay khó phân biệt giả, chân nếu không phải là những nhà chuyên môn hoặc am tường nhiều lĩnh vực. Trong rất nhiều trường hợp như vậy, câu hỏi đặt ra là nếu chưa điều tra làm rõ thì tác quyền được trả cho ai? Xử phạt như thế nào? Thực ra xử phạt hành chính chỉ là hình thức, cốt lõi là người sử dụng tác phẩm âm nhạc.

Thực trạng hiện nay, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đang thực hiện khá tốt việc trả tác quyền âm nhạc cho tác giả có tác phẩm được sử dụng trong băng đĩa VCD, Karaoke. Còn lại tác phẩm được dùng tại những tụ điểm, những chương trình biểu diễn thì khó thu đủ được tác quyền.

Dĩ nhiên không thể trả tác quyền theo tỷ lệ bình quân bán vé. Có nhiều nhạc sĩ gợi ý “Nêu cao lòng tự trọng của ca sĩ” cùng với việc các điểm diễn có nhật ký biểu diễn ghi danh sách sử dụng các tác phẩm âm nhạc tại chỗ. Cách làm này vừa dễ vừa nhanh lại đầy đủ nhất. Đài tiếng nói Việt Nam trả 300.000 đồng/bản, truyền hình VTV trả 200.000 đồng/bản. Và thật vô lý nếu ca sĩ được trả hàng chục triệu đồng/suất mà lại quên người sáng tác ra tác phẩm. Nên chăng trả 30% tiền thù lao ca sĩ cho nhạc sĩ là người sáng tạo thứ nhất? 

MỚI - NÓNG