Quyền Thiện Đắc và Jazz Việt

Quyền Thiện Đắc và Jazz Việt
TPCN - Ba đời gắn bó với chiếc kèn Saxophone, đến Quyền Thiện Đắc nhà họ Quyền mới “sở hữu” một người có bằng cấp, mà lại là bằng cấp quốc tế hẳn hoi.
Quyền Thiện Đắc và Jazz Việt ảnh 1
Quyền Thiện Đắc

Về nước với chiếc bằng đỏ, Đắc vẫn quyết chọn Jazz làm mảnh đất lập nghiệp.

Biết Đắc thích ăn mặc “bụi”, trước khi đến phỏng vấn tôi đã dặn Đắc phải ăn vận thật sang trọng, chọn gam màu sáng, bắt mắt để chụp ảnh cho đẹp. Ừ ừ gật gật, gặp Đắc vẫn quần bò áo phông, đã vậy áo lại màu tối. Để ý kỹ mới nhận ra dòng chữ in trên áo Berklee College. À thì ra Đắc cố ý mặc bộ đồ này. Đấy là một thời để nhớ, để tự hào…

Những ngày khốn khổ hay thương hiệu của Đắc

Sinh trưởng trong “nhà kèn”, từ bé Đắc đã “đánh bạn” với các kiểu kèn. Đắc bảo “đúng nghĩa là “vác” kèn tập thổi”! Nhưng phải đến năm 14 tuổi, theo lời bố - NSƯT Quyền Văn Minh, Đắc mới vào học sơ cấp kèn Nhạc viện Hà Nội.

Mới được bốn năm, Đắc “vượt rào” thi lên hệ Trung cấp. Một ngày, NSƯT Quyền Văn Minh bận dạy học, Đắc thay bố đi diễn. Thổi say sưa một thôi một hồi, tưởng “múa rìu” qua được mặt thợ, ai dè ông quản lý người Tây gọi Đắc ra một góc, nhẹ nhàng: Thôi cậu không phải “diễn” nữa. Mọi người sẽ chờ bố cậu…

Kể từ hôm đó, Đắc lao vào tập. Rồi Đắc cùng những người bạn lập ban nhạc Hà Nội Jazzy Jazz. Ban nhạc Jazz nổi đình nổi đám một thời ở Hà Nội đã từng nhận giải Ban nhạc có kỹ thuật xuất sắc nhất LH các ban nhạc sinh viên năm 1998.

Giữa lúc Đắc đang tu chí, tiếng kèn đang lên từng ngày, “cụ” thân sinh lại phán một câu nghe rất lạnh lùng: “Con phải học hành tử tế”.

Đắc biết sự kỳ vọng cũng như áp lực của bố gói gọn trong mấy chữ “học hành tử tế”.

Khi trường đại học Berklee College of Boston - Mỹ có chương trình cấp học bổng, Đắc liền thu băng gửi sang dự thi rồi qua tận Seoul - Hàn Quốc kiểm tra trực tiếp. Nhận được học bổng 8.000 USD/năm, Đắc khăn gói quả mướp lên đường du học.

Ba năm du học là “những ngày khốn khổ” không chỉ riêng Đắc. Tay bút tay kèn, Đắc chạy đua với thời khóa biểu luôn nặng và dày. Tề gia nội trợ vốn là việc vạn bất đắc dĩ với chàng trai Hà Nội nên thật dễ hiểu sáu tháng đầu, thực đơn của Đắc chỉ toàn trứng rán và rau cải luộc…

Còn ở nhà, ông Quyền Văn Minh phải bán 5/7 chiếc kèn quý để lấy tiền nuôi Đắc ăn học. Giờ thì Đắc đã “ẵm” được tấm bằng loại ưu về nước.

Lựa chọn

Ngày Đắc nhận bằng tốt nghiệp, hai bố con họ Quyền đã khóc. Cũng dể hiểu thôi, “những ngày khốn khổ” đã qua. Bằng ưu từ “cái nôi” đào tạo nhạc Jazz hàng đầu thế giới đã trở thành một thương hiệu của Đắc.

Nhưng trước mắt chàng trai mới 25 tuổi này, những sóng gió vẫn còn đó.

Hơn một lần Đắc đã bày tỏ nguyện vọng được biểu diễn ở nước ngoài. Đắc thẳng thắn: “Môi trường ở nước ngoài tạo cho người nghệ sĩ nhiều cơ hội cọ xát. Trình độ của ban nhạc đồng đều hoặc cao hơn thì cá nhân từng thành viên cũng phải cố gắng, phát triển”.

Phân tích khá chững chạc, từng trải nhưng Đắc vẫn không giấu được cảm xúc thật của tuổi hai mươi hay buồn vơ vẩn: “Còn ở VN thì…” Nói rồi Đắc lặng đi một lát, mắt nhìn xa xăm.

Nhiều lần ông Quyền Văn Minh hỏi Đắc: “Ra nước ngoài biểu diễn, vị thế của con có đại diện cho một đất nước hay một trường phái nào không?”.

Đắc ấm ớ rồi lại kêu ca chơi nhạc ở VN nghèo. “Cụ” thân sinh vặn lại: “Vậy trở thành một nghệ sĩ đích thực hay một người giàu có, cái nào hơn?”. Thế là Đắc chịu.

Mà thẳm sâu bố con họ Quyền đều tự hiểu mỗi bước đi của họ luôn được nhiều người trông ngóng, dõi theo. Lối đi của họ đã thành đường, “nhà đã có phúc” vậy hà cớ gì mà “Hoàng tử” Đắc còn chần chờ không tiếp tục dấn thân theo Jazz Việt.

Lại chuyện giữa Jazz, Pop và nhạc thị trường cũng từng khiến Đắc phải phân vân. Phải thôi, Trần Mạnh Tuấn cũng là học trò của bố Đắc, cũng học trường Berkee College, đang hái ra tiền.

Nhiều lần Đắc đã mơ màng ngó sang sân Pop. Ở Mỹ, Đắc và nhạc sĩ Đức Trí cũng đã từng chơi Pop trong ban nhạc người Việt có tên Mordern Time.

Đắc nói: “Có thể nhiều người cho rằng Đắc không chơi Pop nên họ không mời. Nếu có dự án, Đắc sẵn sàng”. Hiện tuần bảy tối Đắc vừa là cây kèn chủ lực, là linh hồn của ban nhạc và đôi khi kiêm cả DJ của Jazz Club ở 32 Lương Văn Can, Hà Nội.

Ngày lên ngôi của Jazz?

Năm 2005 vừa qua, cùng với ban nhạc Jazz Sông Hồng, Quyền Thiện Đắc đã gây được tiếng vang với 2 đêm liveshow liên tục tại Nhà hát Lớn - Hà Nội. Hai album của Đắc cũng đã được phát hành cùng lúc.

Album Sự tỏa sáng với hai bản nhạc của thầy giáo và 6 bài do Đắc sáng tác thời du học ở Mỹ mang khuynh hướng nhạc đương đại. Album Bóng dáng quê hương, cùng với hai người bạn Hàn Quốc và Nhật Bản, Quyền Thiện Đắc Trio lại chỉ trình diễn những bản nhạc Jazz mang âm hưởng dân gian VN.

Trong vai trò solist, với bản giao hưởng An American in Paris tháng 2/2005 vừa qua Quyền Thiện Đắc đã có tua xuyên Việt với Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia.

Bước sang năm mới, Đắc chỉ ước sao thực hiện được một tua diễn Jazz xuyên Việt. Nghe đâu Quyền Thiện Đắc sẽ mời những người thầy, người bạn cũng chính là những nghệ sĩ nhạc Jazz hàng đầu thế giới sang VN "đi tua".

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.