Hướng về Thăng Long - Hà Nội:

Ra mắt 'Bách khoa thư Hà Nội'

Ra mắt 'Bách khoa thư Hà Nội'
TP - Sáng qua 8-5, Bách khoa thư Hà Nội đã ra mắt và được đánh giá là công trình nghiên cứu giàu ý nghĩa nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Ra mắt 'Bách khoa thư Hà Nội' ảnh 1

Giáo sư Lê Xuân Tùng (thứ hai từ trái sang) - Chủ nhiệm công trình nghiên cứu - trao tượng trưng Bách Khoa Thư cho Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị  -  Ảnh: Minh Tuấn


Bách khoa thư Hà Nội
gồm 18 tập thể hiện 18 chủ đề lớn với hàng ngàn trang in. Mỗi tập thể hiện một chủ đề lớn như lịch sử, địa lý, chính trị, pháp luật, kinh tế, khoa học và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, giáo dục, y tế, văn học, nghệ thuật, tiếng Hà Nội, bảo tàng - di tích, du lịch, tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục - lễ hội, thể dục thể thao.

Nội dung các chủ đề được trình bày xuyên suốt một ngàn năm lịch sử hình thành và phát triển Thủ đô (1010-2010), trải qua các chế độ phong kiến, thực dân và thời kỳ độc lập từ Cách mạng Tháng Tám cho đến giai đoạn đổi mới hiện nay.

Bách khoa thư thể hiện khá rõ sự phong phú và bản sắc khi dành cả một tập để nghiên cứu về tiếng Hà Nội.

Theo Giáo sư Lê Xuân Tùng - nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội - là chủ nhiệm công trình nghiên cứu, nội dung mỗi tập được trình bày theo ba cấp độ. Cấp độ 1 là tổng luận, khái quát toàn tập; cấp độ 3 gồm các chuyên mục nhỏ, các mục từ minh hoạ hoặc phát triển các vấn đề ở cấp độ 2.

Việc biên soạn Bách khoa thư Hà Nội với 18 tập đồ sộ kéo dài từ năm 1993 tới nay với sự tham gia của trên 150 học giả, nhà nghiên cứu hàng đầu Việt Nam.

Nhận định về bộ Bách khoa thư Hà Nội, giáo sư Vũ Khiêu khẳng định, đây là bộ Bách khoa thư đầu tiên về Hà Nội, mỗi cuốn sách đều có sự gắn bó hữu cơ với nhau được nghiên cứu công phu, có sự chắt lọc và tránh trùng lặp, thể hiện hết sức phong phú về Thăng Long - Hà Nội, là cơ sở dữ liệu quan trọng về Thủ đô Hà Nội.

Phát biểu tại lễ ra mắt, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị biểu dương tinh thần nghiêm túc và vượt khó khăn trong nghiên cứu của các tác giả, đồng thời khẳng định đây là công trình nghiên cứu rất có giá trị.

Nhân dịp này thành phố Hà Nội tặng bằng khen và phần thưởng cho 20 tập thể và 20 cá nhân với tổng giá trị 140 triệu đồng do có nhiều đóng góp biên soạn Bách khoa thư Hà Nội.

“Tôi rất lấy làm tiếc là mặc dù đã rất cố gắng nhưng các tác giả cũng chưa thể cập nhật thông tin về khu vực Hà Nội mở rộng. Phần nội dung này hy vọng sẽ được bổ sung trong thời gian tới” - Ông Lê Xuân Tùng nói.

MỚI - NÓNG