Ra nước ngoài, nhà văn ngơ ngác như “gà mắc tóc”

Ra nước ngoài, nhà văn ngơ ngác như “gà mắc tóc”
TPCN - Khi các nhà văn chúng ta ra nước ngoài cứ ngơ ngác như “gà mắc tóc” vì không nắm bắt được các thông tin cần thiết, cũng không được chuẩn bị về mặt ngoại ngữ nên không giao tiếp được.
Ra nước ngoài, nhà văn ngơ ngác như “gà mắc tóc” ảnh 1
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - nhà văn Việt Nam được dịch nhiều nhất hiện nay chia sẻ.

Anh cho biết, hiện nay hầu hết các NXB lớn ở châu Âu  (có truyền thống lâu đời) dường như không để ý đến các nền văn học nhỏ.

Vì thế việc phát hiện các tác giả có triển vọng của các nền văn học thuộc “thế giới thứ ba” thường là của các NXB mới thành lập (trừ trường hợp đặc biệt là cuốn Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh được một NXB lớn của Mỹ ấn hành với số lượng lớn).

Ngay từ năm 1990, bà Marion Honnebert- Giám đốc NXB Edmens de Laube đã sang Việt Nam, tìm đến tận nhà Nguyễn Huy Thiệp để ký hợp đồng in sách của ông.

Thời điểm ấy, mặc dù đất nước đã bước vào công cuộc đổi mới, nhưng nhìn chung sự hội nhập với bên ngoài vẫn còn rất dè dặt, nên việc giám đốc một NXB của Pháp đến gặp một nhà văn Việt Nam đã trở thành một hiện tượng lạ.

Nguyễn Huy Thiệp cũng cho rằng mình đã may mắn khi gặp NXB này, từ năm 1991-2005 họ đã in của ông 8 tập truyện ngắn và tiểu thuyết. Nhà văn đưa cho tôi xem bản in tập truyện ngắn Tướng về hưu năm 1991 của NXB này, với trang bìa vẽ một ông tướng người Pháp râu ria rất oai vệ chứ không phải một ông tướng người Việt như trong truyện kể, và trong lần tái bản sau đó, họ lại dùng một bức tranh của Nhật Bản để làm bìa sách.

Xin nhà văn cho biết nhận xét về các NXB của nước ngoài đã từng in sách của ông trong nhiều năm, so sánh với các NXB trong nước thì họ hơn ta ở những điểm gì? Và trong bước đường hội nhập để đưa văn học Việt Nam ra với thế giới chúng ta cần làm những gì?

Có thể nói họ làm việc rất chuyên nghiệp (khác rất nhiều với các NXB ở Việt Nam). Ví dụ như  NXB Edmens de Laube in cho tôi nhiều tập truyện như thế là vì họ có lý của họ, dĩ nhiên là họ cũng căn cứ vào những giá trị tác phẩm của tôi.

Điều quan trọng là NXB này đã “nuôi” cho tôi một lượng độc giả trong suốt 15 năm qua (điều mà một số NXB trong nước không làm được) và họ vẫn còn kỳ vọng vào các tác phẩm tiếp theo của tôi.

Đấy cũng là một cung cách làm sách rất văn minh của họ. ở ta, các NXB hình như không biết “nuôi” độc giả, không biết cách “giữ gìn” tác giả và tạo “cảm hứng” cho những sáng tác mới của người viết.

Ra nước ngoài, nhà văn ngơ ngác như “gà mắc tóc” ảnh 2
Những tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp đã được dịch và xuất bản ở nước ngoài

Tôi đã 6 lần đến Pháp, lần nào cũng được các NXB đón tiếp, tổ chức các buổi họp báo giới thiệu sách mới cho các độc giả ở Paris và đưa tôi đi tiếp xúc với độc giả ở các địa phương khác.

Thậm chí có lúc tôi có cảm tưởng “ở Paris tôi “nổi tiếng” hơn ở Hà Nội” vì khá nhiều hiệu sách ở bên đó biết tên tuổi tôi. Rõ ràng số lượng bản in trên mỗi đầu sách của tôi ở Pháp nhiều hơn ở Việt Nam.

Cho đến nay, ở Hà Nội, tôi chưa hề có một buổi giới thiệu “ra mắt” sách nào chính thống cả, chuyện “in ấn” khá là vất vả khi các “đầu nậu” in truyện của tôi theo kiểu chụp giật, “nối bản lậu” sách của tôi và làm ảnh hưởng tới thu nhập từ cho nghề viết của tôi, nhiều khi họ in sách của tôi mà tôi không biết, không kiểm soát nổi (thậm chí có “đầu nậu” đã xây được nhà vì in sách của tôi!).

Các NXB nước ngoài thì không làm như thế, họ ký hợp đồng in sách đàng hoàng và năm nào cũng trả tiền nhuận bút cho tôi.

Ông có nhận xét gì về những cơ hội để văn học Việt Nam hội nhập với các nền văn hóa trên thế giới và chúng ta phải làm những gì để đưa các tác phẩm văn học của chúng ta đến với độc giả nước ngoài?

Có thể nói từ thời điểm đất nước đổi mới, mở cửa đến nay, văn học chúng ta có rất nhiều cơ hội để hội nhập với các nền văn hóa khác. Các nhà văn như tôi chẳng hạn được ra nước ngoài khá nhiều lần.

Nhưng thú thật, không ít lần khi sang tới các nước đó, tôi rất buồn. Buồn là vì việc chúng ta hội nhập hơi muộn, nên Hội Nhà văn Việt Nam (và bản thân các nhà văn) không được chuẩn bị gì cả, không xây dựng được một chiến lược, một chương trình chuẩn bị cho việc hội nhập văn học, văn hóa với thế giới.

Do vậy, khi các nhà văn chúng ta ra nước ngoài (nhất là khi đi dự các hội thảo văn học lớn, các hội chợ sách) cứ ngơ ngác như “gà mắc tóc” vì không nắm bắt được các thông tin cần thiết, bản thân nhà văn chúng ta cũng không được chuẩn bị về mặt ngoại ngữ nên không giao tiếp được.

Rồi ngay bản thân các nhà văn của nước ngoài cũng không nắm bắt được các thông tin đầy đủ về đất nước chúng ta, thậm chí không biết gì về nền văn học của chúng ta, và đấy chính là những rào cản lớn trong phương diện hội nhập.

Tìm hiểu thêm, tôi được biết, văn học Việt Nam và các nhà văn của chúng ta được giới thiệu rất ít ở nước ngoài (thậm chí cả những nhà văn nổi tiếng). Tôi có may mắn là một nhà văn “gặp thời”, xuất hiện đúng thời điểm đất nước đổi mới.

Theo tôi, để văn học Việt Nam hội nhập được với thế giới, bản thân các nhà văn chúng ta phải có những cố gắng lớn trong vấn đề đọc và học (học ngoại ngữ để đọc trực tiếp các tác phẩm nước ngoài, để giao tiếp với các nhà văn nước ngoài, để dịch sách của mình ra tiếng nước ngoài), phải tự tìm các hội chợ sách ở nước ngoài để giới thiệu tác phẩm của mình.

Quan trọng hơn, một tổ chức nghề nghiệp như Hội Nhà văn Việt Nam và các cơ quan chức năng khác phải chủ động có kế hoạch, phải đóng vai trò chủ yếu trong việc quảng bá, giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài, phải tạo điều kiện giúp đỡ, chuẩn bị cho các nhà văn trong nước có những cơ hội để hội nhập.

 Bằng các tác phẩm của ông và tác phẩm của các nhà văn Việt Nam khác đã được xuất bản ở trong nước và dịch ra nước ngoài, xin ông cho biết nhận xét của mình về nền văn học của chúng ta so sánh với các nền văn học khác?

Nếu nhận xét về văn học Việt Nam với các nền văn học khác thì tôi nghĩ chúng ta cũng không có điều gì đáng “ngại” cả, nếu như các tác phẩm văn học của chúng ta được dịch ra tiếng nước ngoài một cách tốt nhất.

Vì chất lượng dịch các tác phẩm văn học là vô cùng quan trọng. Một tác phẩm hay có thể trở thành dở nếu như người dịch không thành công, không chuyển tải hết được ngôn ngữ văn học của tác giả. Nếu bản dịch hay, lập tức tác phẩm hay đó sẽ được quảng bá.

Điều dễ thấy là một số tác phẩm của chúng ta hiện nay bị “bên ngoài” dịch theo kiểu có “chủ kiến chính trị”, nên họ  thường chọn các tác phẩm có “mầu sắc” chính trị, chứ  không chú ý tới các tác phẩm có giá trị thuần văn học.

Một vấn đề quan trọng khác là phải có các tổ chức tài trợ, các quỹ hỗ trợ cho các nhà dịch sách, nếu không rất ít người muốn dịch sách của chúng ta ra tiếng nước ngoài vì tiền công dịch thuật được trả rất ít ỏi.

MỚI - NÓNG