Rắc rối về hưu

Rắc rối về hưu
TP - Câu chuyện hội viên Hội nhà văn Việt Nam phản đối Hội của mình ở giải thưởng nọ kia, thậm chí xin ra khỏi Hội không hề mới ở ta những năm trở lại đây. Mấy ngày qua, lãnh đạo Hội nhà văn Việt Nam lại gặp phải sự phản ứng bão tố của một nhân vật tên tuổi khác: Nhà văn Trung Trung Đỉnh, Giám đốc - Tổng biên tập NXB Hội nhà văn.

Câu chuyện về hưu của Trung Trung Đỉnh đang râm ran trong giới văn chương. Tác giả “lính trận” mấy hôm trước thông báo: “Biết tin gì ở NXB Hội nhà văn chưa, vui lắm!”.

Rồi ông kể: Ông Chủ tịch Hội “phái” ông phó chủ tịch Hội qua NXB đọc quyết định về hưu của Trung Trung Đỉnh (cùng một vài người quá lứa khác). Và đề nghị Trung Trung Đỉnh phải gấp rút bàn giao công việc trước ngày 1/8.

 Hỏi tác giả “Lính trận”: “Trước đó Hội nhà văn đã có cuộc gặp gỡ riêng nào với anh để nói chuyện về nghỉ chưa?”. Ông cười: “Chả có”. Chính vì vậy, nên ngay sau khi nghe xong quyết định về hưu, nhà văn chuyên đề tài Tây Nguyên phản ứng: “Tôi không bị kỷ luật mà phải vội vàng bàn giao. Việc gì cũng phải có quy trình, không phải các anh ép tôi mà xong”. 

Theo lời Trung Trung Đỉnh: “Tôi trả lại quyết định không nhận”. Tác giả “Ngõ lỗ thủng” cho biết: Ông không cần gì, không xin xỏ gì nhưng đòi hỏi sự công bằng và tôn trọng.

Rắc rối như Hội văn chương. Khi cơ quan nhà nước có quy định rõ ràng về tuổi về hưu, người ta cứ thế mà theo, không ai phản ứng vì không có lí do để phản ứng. Nhưng ở Hội, tuổi về hưu chẳng biết đâu mà lần giống như tiểu thuyết dài, ngắn chẳng ai qui định. 

Cũng ỷ là Hội chăng nên cho mình quyền lướt qua những “phép tắc” khi đưa một người chấm dứt công tác của mình: Không cần thông báo bằng văn bản trước 6 tháng. Chính vì thế, mới dẫn đến chuyện phản ứng dữ dội của nhà văn “lính trận”.

Trả lại quyết định cho người ra quyết định về hưu, có khi là việc làm hy hữu xưa nay không chỉ ở làng văn nghệ. Dư luận làng văn còn không hiểu nổi vì sao vội vã cho một người về hưu vì đến tuổi bằng cách đưa một người khác lên (nhà thơ Trần Quang Quý), mà người này chỉ 2 tháng sau cũng đủ tuổi nghỉ hưu? 

Có lẽ, người đau nhất lúc này là Trung Trung Đỉnh. Ngỡ rằng đi qua cuộc chiến chinh ông sẽ “tiễn biệt những ngày buồn”. Nào ngờ nỗi buồn trong thời bình còn đau sâu hơn thời chiến khi lao vào chiếc “ghế” văn chương.

MỚI - NÓNG