Răng và tóc

Răng và tóc
TP - Có vài bộ phận hiếm hoi trên cơ thể con người ta, khi nhỡ tay cấu vào vẫn không bị thấy đau, đó là răng và tóc. Thế nhưng khác hẳn với lương tâm ở quan chức tham nhũng, đạo đức ở nhà buôn mất dạy, khí tiết ở văn sĩ đạo văn, răng và tóc chưa bao giờ là vô cảm.
Răng và tóc ảnh 1
Thói quen. Ảnh: Lê Thiết Cương

Số đo dân gian cho cái răng cái tóc quan trọng chiếm tới một góc của nhân cách, nôm na là hai mươi nhăm phần trăm diện tích của tâm hồn. (Góc, theo hệ giá trị của rượu thì bằng một phần tư lít).

Tóc thì hao hao gần giống như liễu rủ gần giống như mùa Thu, ở thi ca nó hay được để cạnh nỗi buồn. “Em không nhớ đã thả đi bao nỗi buồn buộc bằng tóc rụng” (Vi Thuỳ Linh).

Răng thì gần giống như là nỗi nhớ như là ám ảnh, ở ca dao nó thường được dùng để diễn tả tình yêu. “Mình về có nhớ ta chăng. Ta về ta nhớ hàm răng mình cười”.

Đau răng là nỗi đau vừa nhức nhối rất thật vừa dằn vặt siêu hình, nó không thăm thẳm mơ hồ như đau lòng nhưng nó lại không đơn giản dung tục như đau tay.

Những người chữa được răng đau (thuật ngữ y tế chuyên ngành gọi là bác sĩ nha khoa) thường có thu nhập cực cao. Ở các nước kinh tế phát triển có ê hề đồ ngọt thì thuế đánh vào đầu nha sĩ không hề thấp hơn thuế đánh vào đầu ca sĩ.

Theo trình tự trưởng thành của cơ địa con người, tóc có trước răng. Điều này lý giải cho một sự gần như đương nhiên là nỗi buồn thường có trước niềm đau. Và cũng giống như buồn và đau, răng và tóc rất hay được những người khéo tay hợp pháp làm giả.

Đội tóc giả là thời trang thời thượng của giới thượng lưu kéo dài vài ba thế kỷ ở khắp các thủ đô phong kiến châu Âu. Đại văn hào người Pháp Ban Zắc, khi ngong ngóng khát khao được thành quý tộc, đã tự thêm vào tên mình chữ đờ (đại loại giống như ở ta có chữ Tôn Thất hoặc Công Tằng) thì đã phung phí rất nhiều nhuận bút để xa xỉ mua vô số tóc giả.

Cái chân dung có lù xù loăn xoăn nhiều lọn tóc in trong nhiều sách giáo khoa trung học là giả đấy. Nhưng có lẽ chính vì thế mà văn của ông thấm đẫm sâu sắc hiện thực.

Hồi bao cấp, răng giả đặc biệt là răng vàng được các tay chơi Hà thành cực kỳ thích. Dân sành điệu là mặc sơ mi trắng pha lon (nilon) tay đeo pôn rốt (đồng hồ Nga) đi xe Phượng Hoàng và nhất thiết phải có cái răng lấp lánh ánh kim phía hàm trên sau răng nanh. Họ thong thả đạp xe quanh bờ hồ thỉnh thoảng vô cớ nhoẻn cười.

Bây giờ vàng rẻ mốt ấy đã thành dị hợm, xã hội ngày nay nhan nhản những khuôn mặt hầm hầm vắng hẳn đi những nụ cười bâng quơ bất cần lý do.

Răng và tóc Việt, từ lâu lắm đã thăng hoa rồi lắng đọng trở thành tinh hoa của tâm hồn Việt. Hoàng đế vĩ đại Quang Trung trong bài hịch khởi binh đánh quân xâm lược nhà Mãn Thanh, đã bay bổng yêu nước viết nên một đoạn thật hùng. “Đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng. Đánh cho chúng chích luân bất phản, đánh cho chúng phiến giáp bất hoàn”.

Động cơ chống ngoại xâm đầy bi tráng của dân tộc Việt, nhiều khi chỉ đơn sơ chính khí như tóc dài răng đen vậy.

Trên thế giới, những giai thoại những chuyện kể về tóc thì có rất nhiều. Theo hồi ký của gần như hầu hết các điệp viên kiệt xuất các tình báo gia lỗi lạc thì trong những đồ nghề họ luôn mang bên mình, ngoài dao găm súng lục máy ghi âm, thì bao giờ cũng có một vài bộ tóc giả.

Muốn mình biến hoá xuất quỷ nhập thần một cách nhanh nhất, không gì bằng thay đổi kiểu tóc. Có lẽ vì vậy, để cuộc đời phong phú bớt đơn điệu, nhiều đàn ông trung niên tuy không hề là gián điệp vẫn rất thích chăm chỉ đến các tiệm hớt tóc thanh nữ.

So với tóc, chuyện về răng thì ít hơn hẳn nhưng tất thẩy đều là chuyện lạ. Cổ tích Bắc Âu có kể. Một nàng công chúa kiêu kỳ tới tuổi cập kê, vua cha chiều ái nữ lập một đàn cao rồi cho sứ giả gọi loa kén rể khắp thiên hạ.

Đàn ông đủ loại sĩ nông công thương ùn ùn kéo tới, đứng bạt ngàn dưới chân lầu ngong ngóng mong thành phò mã. Trời lạnh, mọi người đều ngửa mặt lên thở, công chúa xúc động chợt nhận ra trong vô số các hơi thở bay lên đều mang hình chữ O duy nhất chỉ có một người thở ra hình trái tim. Công chúa rưng rưng xin vua cho được lấy người đó.

Đêm tân hôn, tân phò mã dịu dàng mỉm cười, công chúa đau lòng lúc ấy mới biết anh ta bị sứt răng cửa.

Nguyễn Việt Hà
(Nhân triển lãm ảnh Răng và Tóc, khai mạc ngày 03/03/2007 tại Gallery 39A Lý Quốc Sư)

MỚI - NÓNG