Rau ở Thảo Điền

Rau ở Thảo Điền
TP - Người ta có thú vui ngắm gái, ngắm chim, ngắm hoa, buồn buồn thì ngồi vô tư lự ngắm xe đi qua đi lại. Tôi còn thú vui khác: ngắm rau. Chịu khó đi vào những khu dân cư trong Thảo Điền như Kim Sơn, Eden, Thảo Điền là tha hồ ngắm các thể loại rau.

Rau muống mọc hoang ngay trong mấy vũng nước ngập. Lá rau muống hoang màu xanh tím, bỏ đó không ai thèm hái. Chiều chiều, rau muống buồn buồn trổ bông chơi. Tôi thích ăn rau muống nước nhưng ở Sài Gòn khó tìm rau muống sạch quá. Hồi ở quê, má có cái ao rau muống trước khu gò rơm. Cái ao chủ yếu dùng để lấy nước tưới mấy luống cà chua, nhưng má cũng tranh thủ làm luôn một vạt rau muống và rau ngổ điếc. Vãi urê xuống vài ngày, ngọn rau muống non lại vươn dài ra, xông xáo xâm chiếm cái mặt ao nhỏ. Khoảng một tuần sau là có rau muống để ăn.

Anh Hai thường bứt rau muống vô ngắt khúc. Cứ khúc nào dài mà không có mắt là anh bứt thành một đoạn riêng. Anh Hai nấu canh rau muống ngon lắm. Cứ nấu nước sôi lên, quậy chút mắm cái đổ vô, thêm dầu phộng, đổ rau muống vô là xong. Nước rau muống có hơi mắm cái là ngọt không thể tả.

Bữa canh múc ra, mấy anh em tranh nhau cọng rau muống để hút nước canh trong tô. Nhiều khi đang hút mà ngước lên dòm cái gì là nước rau chảy tùm lum, bị ba la quá trời. Có lẽ ống hút là sản phẩm của đứa nào đó đã từng hút nước canh rau muống chăng?

Trong khu Thảo Điền, nhiều người giàu cũng tranh thủ cái vỉa hè để trồng rau. Tôi thích cái luống rau muống cạn của một nhà nọ. Rau muống cạn cọng nhỏ hơn rau muống nước nhiều và ăn ít ngon hơn. Rau muống cạn nhiều mủ nên ăn nhớt nhớt. Nhưng nói vậy không phải rau muống cạn không có món độc nha. Hồi xưa, mỗi lần giữ bò bên sông, tôi còn nhớ mấy người dưới Bình Phục lên sông Ly Ly đãi sạn.

Món ăn nửa buổi của họ là bánh tráng sắn cuốn cá nục và rau muống cạn. Ăn cá nục với rau muống cạn đúng là số dách. Cái nhà đó còn làm nguyên mấy luống nữa: mồng tơi, rau dền cơm, rau diếp cá. Tôi thích cái trò xu trộm diếp cá nhà người ta. Cứ mỗi lần đi ngang là bứt vài lá, bỏ miệng nhai luôn. Nhiều khi nghĩ lỡ nó mới phun thuốc trừ sâu, có khi về nhà giãy đành đạch chứ hông giỡn.

Thích nhất ở Thảo Điền là trò bứt rau dại. Vào mùa này, lạc tiên bắt đầu nảy mầm mới. Cứ đi lòng vòng quanh Thảo Điền là thấy lạc tiên mọc trên hàng rào, mọc lẫn với dây leo, mọc xen với cỏ tranh khắp nơi. Cây lạc tiên cùng họ với cây chanh dây, lá nó xẻ thùy, dây leo có tua cuốn.

Đặc biệt, trái của nó cũng có hột y như chanh dây, bên ngoài trái bọc một lớp bao lưới. Nhiều người gọi đó là cây chùm bao, còn tụi tôi hồi nhỏ thì gọi là cây rọ heo vì cái bao lưới dòm giống cái rọ bắt heo ở quê. Hồi nhỏ, má tìm ở đâu về một dây trồng sau hè. Cái giường của tôi có cửa sổ dòm ra giàn rọ heo đó. Tụi tôi chờ từng trái chín để tranh nhau hái.

Trái hườm hườm màu vàng ăn là ngon nhất, hơi chua và ngon hơn trái chín. Đến giữa mùa hè, bướm về đẻ trứng là mùa rọ heo tàn. Chừng hai tuần, lũ sâu bắt đầu nở rộ. Giống sâu này vằn vện, con nào cũng có màu sặc sỡ khoang đen đỏ vàng. Cây chùm bao trụi hết lá, chỉ còn đám sâu chúm chụm lại từng cụm, nhìn như loài hoa kỳ dị đầy tua gai. (Viết đến đây tự dưng nhớ con bạn Khương Hà, nó mà thấy dàn sâu đó chắc nó bỏ đi biệt xứ!).

Ở Thảo Điền, tôi có người bạn mà tôi không biết tên. Chị từ ngoài Nam Định vào, giúp việc nhà cho một gia đình ở Thảo Điền. Mấy lần thấy chị tưới rau ở mảnh vườn bên cạnh nhà, tôi xin tưới rau phụ, đơn giản vì thích tưới rau thôi. Hồi xưa, lúc ba mới sắm được cái máy bơm nước, mua mấy chục mét ống tưới rau cho má đỡ gánh nước là tụi tôi tranh nhau giành tưới cây buổi sáng.

Cái cảm giác cầm vòi nước xịt lung tung, ngắm nước rớt từ trên lá xuống đất mà không phải è cổ gánh hai thùng nước hai vai thiệt sướng. Vụ gánh nước này chắc phải viết cả một bài mới tả nổi nghệ thuật múc nước, gánh nước, tưới nước, tưới gàu xoa hay tưới gàu vòi. Giờ ở đây, chiều chiều đi cầm vòi tưới rau cũng thiệt tao nhã.

Chị giúp việc có được người tâm tình thì vơ lấy mà kể chuyện. Chị kể mảnh đất này chủ đất bỏ đó, không biết bao giờ mới xây, chả biết khi nào mới ghé nên chị làm liều ra trồng rau. Chị kể làm giúp việc chán quá, suốt ngày cứ ở trong nhà. Thà hồi xưa đi nấu cơm cho thợ xây còn vui hơn, có đứa đi qua đi lại nói chuyện, còn ở đây thì rầu như chùa. Chị bảo ông chủ nhà giàu lắm, đi làm tận đâu đâu. Bà chủ nhà thì đẹp lắm, ngoài bốn mươi rồi mà trẻ lắm, không có già lắm như chị em mình đâu em ạ.

Bà chủ nhà sáng sáng tụng kinh, trưa trưa đi chùa, chiều chiều về tụng kinh nên cái nhà chị càng giống cái chùa lắm. Chị buồn lắm lắm, trồng rau giải sầu. Chị đi bứt rau lang dại về trồng thành luống, gửi con nhỏ osin làm chung mua mấy gói hạt giống về trồng. Chị trồng thêm mấy bụi sả để lỡ cảm cúm bứt lá xông, còn củ thì mang vô ướp đồ ăn. Chị trồng mấy bụi hành hoa, tỏi để bứt bông xào.

Chị bảo ban đầu thì chỉ có chị ăn rau thôi. Rồi một ngày nọ, bà chủ nhà thấy vườn rau thích quá, bèn xin ăn ké. Bà chủ nhà sợ các loại rau ngoài chợ lắm, chúng độc lắm. Chị giúp việc vừa “lắm lắm” vừa đi lòng vòng nhổ cỏ trong khi tôi thì hưởng thụ trò tưới rau.

Rồi chị thiệt thà bảo, từ lúc có vườn rau, bà chủ nhà cũng có rau ăn vừa ngon vừa sạch, vừa tiết kiệm mỗi ngày cả chục ngàn tiền rau chứ chả chơi. Mười ngàn mỗi ngày thì tiết kiệm cả tháng ba trăm ngàn, nhiều lắm em ạ!

Tùy bút của Phan Lan Phương

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG