Rõ hơn một Phan Khôi

Rõ hơn một Phan Khôi
TP - Hai cuốn sách "Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo năm 1931", và "Phan Khôi viết và dịch Lỗ Tấn" do nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, vừa được NXB Hội Nhà văn kết hợp Trung tâm Ngôn ngữ & Văn hóa Đông Tây xuất bản.
Rõ hơn một Phan Khôi ảnh 1
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân và tác phẩm của mình

Sau 3 cuốn sách đã ra mắt là Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1928, 1929, 1930, đây là các cuốn thứ tư và thứ năm trong công trình biên soạn công phu của soạn giả Lại Nguyên Ân.

Trung tâm văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây vừa tổ chức buổi giới thiệu hai cuốn sách đã làm bộc lộ rõ hơn một chân dung Phan Khôi - tên tuổi lớn của báo chí, văn học và tư tưởng Việt Nam đầu thế kỷ XX mà bấy lâu nay vì một số lý do, người ta còn e dè khi nhắc đến.

Phan Khôi (1887-1959) sinh tại làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, con Tri phủ Điện Khánh Phan Trân, cháu ngoại Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu.

Tiếp thu các luồng tư tưởng từ Pháp, phương Tây, các trào lưu văn hóa tư tưởng từ Hồng Kông, Trung Quốc, Phan Khôi có tư duy sắc sảo hiếm thấy.

Các bài báo đăng tải trên báo chí khắp ba miền từ những năm 20 đến những năm 50 của thế kỷ XX, danh sách các tờ báo ông đã viết khó mà kể hết: viết cho Đông Tây, Đăng cổ tùng báo, Nam Phong, Thực nghiệp dân báo, Hữu thanh, Hà Nội báo, Phụ nữ thời đàm... ở Hà Nội; viết cho Đông Pháp thời báo, Thần Chung, Phụ nữ tân văn, Lục tỉnh tân văn, Trung lập... ở Sài Gòn; viết cho Tràng An và thành lập tờ Sông Hương ở Huế. 

Nổi tiếng là cây bút sắc sảo và thẳng thắn, được làng ngôn luận rất vị nể, ông nêu được các vấn đề thời sự, nhạy cảm, khơi mào và tham gia những cuộc tranh luận sôi nổi trên báo chí thời bấy giờ như cuộc tranh luận về nữ quyền, về duy tâm - duy vật, về Nho giáo, về sự học, về văn chương, thi ca, về Truyện Kiều...

Cuốn Tác phẩm đăng báo 1931 bao gồm những bài ông viết trên các báo Trung lập, Phụ nữ tân văn ở Sài Gòn, Đông tây ở Hà Nội đề cập nhiều vấn đề như di sản Nho giáo và đời sống đương đại, những thiên lệch trong sự học của người Việt, bàn luận về sự yếu kém trong quy hoạch đô thị của người Việt, gia đình người Việt, v.v…

Khi tư tưởng về giải phóng phụ nữ sôi nổi, Phan Khôi viết bài đanh thép Tống nho với phụ nữ, trong đó vạch ra sự khắc nghiệt, vô nhân đạo của Tống nho khi cấm đàn bà góa đi lấy chồng.  Chính bài này đã khiến thi sỹ Tản Đà tức giận, gọi Phan Khôi là “cái tai nạn lưu hành ở Nam Kỳ”, đáng bị án chém.

Phan Khôi cũng là người khơi mào cuộc tranh luận về “Quốc học” và lôi kéo các nhân vật tên tuổi tham gia như Trần Trọng Kim, Lê Dư, Phạm Quỳnh...

Cuộc tranh luận gợi ra nhiều vấn đề xã hội đáng quan tâm, trong đó Phan Khôi dứt khoát cho rằng nước ta chưa có “quốc học” với ý nghĩa là chưa có những học thuyết, học phái  nào được sản sinh ra ở đây. 

Đảm nhận chuyên mục “Những điều nghe thấy” với bút danh Thông Reo trên tờ Trung lập, mỗi ngày ông hiến tặng bạn đọc một câu chuyện thú vị đáng suy ngẫm. 

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho biết, ông hứng thú với nhân vật Phan Khôi là bởi ông không thỏa mãn với những thông tin ít ỏi trên sách vở về Phan Khôi - nhân vật văn hóa tầm cỡ.

Ông miệt mài đi tìm Phan Khôi qua những bài viết trên các tờ báo trong Nam ngoài Bắc hồi đầu thế kỷ XX, dần dần vạch ra được con đường làm báo của Phan Khôi, để rồi nhận ra và khẳng định được Phan Khôi là học giả, nhà văn hóa, nhà ngôn ngữ học, nhà tư tưởng.

Theo Lại Nguyên Ân, những tư tưởng của Phan Khôi về các vấn đề xã hội, về con đường phát triển đất nước, về những nhược điểm của dân tộc Việt Nam… cho đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự và tính giá trị.

Hiện Lại Nguyên Ân vẫn đang tiếp tục công trình biên soạn, mong muốn làm hiện lại rõ nét hơn nữa chân dung Phan Khôi, cũng như nền báo chí, văn học, xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX.

MỚI - NÓNG