Rối làng làm du lịch

Rối làng làm du lịch
TP - Trò rối của ba phường rối Nhân Hòa, Bảo Hà và Minh Tân, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng không chỉ giữ gìn vốn quý cha ông mà còn là điểm dừng chân hút rất đông du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài.
Rối làng làm du lịch ảnh 1
Anh Tuân chọn con rối trước giờ biểu diễn

Đây là cách làm du lịch hay đem lại nguồn thu nhập không nhỏ đối với người nông dân. Trong lúc sân khấu còn lao đao, ba phường rối ở vùng thuần nông này vẫn cứ đỏ đèn quanh năm...

1. Đang cấy, nghe tiếng ới một cái, anh Thiều cùng vài bác nông dân khác vội lội ruộng lên bờ. Chùi chùi chân cho bớt bùn bám, tất tả chạy về ao đình làng sẵn sàng biểu diễn rối nước cho du khách xem...

Mấy ông Tây, bà đầm trầm trồ xem các tích cổ làng quê Việt qua các con rối ở ao đình thuần Việt. Họ càng khoái khi biết các nghệ sĩ múa rối này lại toàn là... nông dân vừa mới chân lấm tay bùn mải mê cấy cho kịp thời vụ cách đó ít phút.

“Đây cũng chỉ nghề tay trái nhưng cũng đem không ít thu nhập thường xuyên cho dân làng. Không múa rối cũng nhớ nghề lắm”, bác nông dân Trần Văn Phước (trưởng phường rối nước Nhân Hòa) nói.

Thôn Nhân Mục (xã Nhân Hòa, Vĩnh Bảo, Hải Phòng) có trò múa rối nước từ nhiều đời. Bác Phước vào hàng cao tuổi ở làng theo đuổi nghề rối nước từ trẻ cũng không biết rối nước của làng có từ bao giờ. Nhưng rồi chiến tranh giặc dã, phường rối làng Nhân Mục bỏ diễn.

Hòa bình lập lại, người dân lại bị cuốn vào vòng quay mưu sinh thời bao cấp nên trò rối nước cũng ít được người ta nhắc đến. Chỉ thi thoảng, dịp Tết Nguyên đán, vài lão nông trong làng tụ lại bỏ rối ra chơi cho đỡ nhớ...

Năm 1983, rối làng Nhân Mục được khôi phục lại. Phường rối nước Nhân Hòa lại được dịp thỏa sức đem lại tiếng cười trong các dịp lễ hội. Đất nước mở cửa, khách du lịch, tây, tàu đến cũng là cơ hội phường rối Nhân Hòa làm ăn. Chỉ cần alô trước đó ít giờ là phường rối sẵn sàng biểu diễn. Gặp hôm đông du khách, phường diễn liền 6 suất.

Hầu hết các suất diễn đều do các công ty du lịch đặt trước cho khách theo tua. Giá rất phải chăng, năm trăm nghìn đồng một suất diễn cỡ 30 phút. Xem xong, mấy ông tây còn xì xồ đòi xem mấy con rối...

Vừa sửa mấy con rối bị trục trặc do diễn hăng quá, ông Phước thủng thẳng: “Chủ yếu là diễn trò lấy từ các tích dân gian, truyền thuyết, lịch sử, cổ tích như Hoàn Kiếm, Thạch Sanh, cáo bắt vịt, múa tứ linh, chú Tễu, vua Hùng kén rể, câu cá... hơn 30 trò cả thảy”.

Những lúc rảnh, ông Phước lại tự ngồi nghĩ, sáng tác ra thêm nhiều trò mới để bổ sung các kho trò đã cũ. Mỗi lần nghĩ ra trò mới, cả phường rối lại phải ngày đêm tập trung luyện tập cho nhuyễn và dân làng bao giờ cũng là những vị khách, giám khảo đầu tiên xem và nhận xét...

Để tiết kiệm và đúng với ý tưởng trò mới sáng tác, ông Phước kiếm gỗ đục đục, đẽo đẽo cả tuần rồi sơn phết đủ thứ màu, vải nhuộm đủ màu sắc để ra đời những con rối vừa ý, sống động, có hồn... Và, giờ phường rối có cả thảy gần trăm con rối các loại, nào cô tiên, hầu đồng, lão nông, thợ cấy, rồng, phượng, trâu, cáo, vịt...

“Tự làm con rối vừa tiết kiệm kinh phí nhưng quan trọng là con rối nó có hồn hợp với trò mới tự sáng tác ra. Mỗi con rối làm xong sơn, may áo rồi ngồi ngắm nghía như đứa con mới của mình vậy. Xong lại trân trọng để lên cao hòa vào họ hàng nhà rối”, ông Phước tâm sự.

Sau mỗi suất diễn chia nhau mỗi người được vài chục nghìn đồng. Số tiền này không lớn nhưng so với thu nhập của một làng quê thuần nông thì cũng tươm tất lắm rồi.

Chia tay, ông trưởng phường rối nước Nhân Hòa ấn vào tay tôi cái danh thiếp ghi rõ tên Trần Văn Phước, có cả số máy bàn và di động hẳn hoi, đoạn cười cười: “Bây giờ làm ăn kinh tế phải có cái giao dịch để người ta tiện liên lạc với mình. Chứ trước, các công ty du lịch muốn đặt lịch hay hoãn biểu diễn không biết liên lạc với phường bằng cách nào cứ phải phóng xe máy về làng báo mệt lắm.

Ấy cũng vì không có cái danh thiếp này mà các ông tây mấy lần muốn mời phường ra nước ngoài biểu diễn cũng không biết liên lạc bằng cách nào làm chúng tôi lỡ mấy chuyến đi tây. Tiếc quá!”

2. Cùng huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, xã kế bên Nhân Hòa là Đồng Minh có làng Bảo Hà nổi tiếng cả nước về nghề tạc tượng gỗ cũng có nghề múa rối nhưng lại là rối cạn. Vì là rối cạn nên phường rối Bảo Hà đi khắp miền quê biểu diễn khi có lời mời.

Theo chỉ dẫn của đám trẻ con trong làng, chúng tôi đến nhà ông Bùi Văn Ngát, trưởng phường rối Bảo Hà. Có khách đến, bà vợ ông Ngát rót cốc chè tươi mời, vồn vã hỏi chúng tôi định mời phường đi biểu diễn ở đâu, bao giờ. Giới thiệu là phóng viên, bà cụ bảo: “Tiếc quá, ông nhà tôi cùng phường đi diễn mãi ở Chí Linh, Hải Dương cơ. Ngày kia mới về, ở bên ấy người ta có hội làng nên mời phường sang biểu diễn cho vui”.

Rối làng làm du lịch ảnh 2
Biểu diễn rối tại nhà cho du khách nước ngoài xem

Rồi bà kể, giêng hai nhiều làng tổ chức hội nên phường ông nhà tôi đi miết, thỉnh thoảng đáo qua nhà rồi lại đi. Bà cụ cứ băn khoăn mãi chúng tôi ở xa về mà lại không gặp được ông Ngát và cũng không biết liên lạc với ông Ngát bằng cách nào.

Bỗng bà sực nhớ ra bảo chúng tôi: “Nhà không có điện thoại có gì mấy chú cứ gọi sang hiệu may kia rồi bảo gặp ông Ngát nhà tôi là người ta chạy sang gọi giúp cho ngay đấy mà” rồi bà chỉ sang bên kia đường là cái hiệu may làng có biển hiệu, số điện thoại đàng hoàng.

Năm 1999, làng Bảo Hà lại có thêm một phường rối mới ra đời có tên là Minh Tân do gia đình anh Đào Minh Tuân thành lập riêng, tự người trong nhà biểu diễn. Vốn hơn 20 năm làm trưởng ban văn hóa xã, anh quyết định xin nghỉ rẽ ngang sang làm múa rối khi bước vào tuổi 40 sung sức.

Vốn có nghề truyền thống tạc tượng gỗ, anh Tuân tiếc cái nghề múa rối dân gian của làng. Gặp cơ chế mở, anh bàn bạc gia đình và cho ra ngay ra một phường rối khá đình đám phục vụ du khách.

Chạy vạy được vài chục triệu đồng, anh Tuân cho kè lại cái ao sau nhà cẩn thận để làm rối nước. Sân nhà sửa lại để lấy chỗ chăng phông màn biểu diễn rối cạn. Để sân khấu nhà đẹp mắt khách, anh Tuân thả hoa súng đầy lạch nước chạy ngang nhà...

Nhà ở thì tuyềnh toàng, rất cũ kỹ nhưng một cái nhà nho nhỏ nằm khuất mé bờ ao lại được anh Tuân đầu tư khá (so với cái làng quê thuần nông này) lúc nào cũng tươm tất, sạch sẽ với cái biển chỉ dẫn cả tiếng tây lẫn tiếng ta làm du khách sau chặng đường dài, cơm no rượu say... cũng phải gật gù, hài lòng với cách làm du lịch của gia đình. Của nhà một ít còn thiếu đâu vay mượn, anh Tuân đầu tư hơn 100 triệu sắm hàng trăm con rối các loại, đạo cụ làm bằng tre, cây.

Anh xây hẳn một gian nhà nhỏ để chứa các con rối. Bù lại, phường rối Minh Tân làm ăn khá xôm. Trước phường rối chỉ có 5 người nhà anh Tuân biểu diễn giờ đây phát triển lên đến hơn 10 người toàn là họ hàng.

Anh Tuân tính, mỗi năm gần 150 suất diễn, diễn cho khách du lịch xem tại nhà là chính, còn lại đi khắp các lễ hội làng quê miền Bắc biểu diễn theo lời mời, lễ lạt khác. Phường rối Minh Tân đã trở thành thành viên của Liên chi hội múa rối Việt Nam.

Du khách nước ngoài khi biết diễn viên múa rối chính là những người nông dân làng thì rất ngạc nhiên cứ đòi chụp ảnh kỷ niệm bằng được với mấy bác nông dân kiêm diễn viên này rồi sờ, xem các con rối... và nằng nặc hỏi mua.

Các con rối, chú Tễu, cô tiên, bác nông dân, con trâu... bằng gỗ xinh xắn, sống động được tạc thủ công ngay tại làng quê Bảo Hà được gia đình anh Tuân đem ra bán cho mấy ông tây mua về làm quà... với giá từ vài chục ngàn đồng đến trăm ngàn.

Khi bài này đến tay bạn đọc, anh Tuân đang cùng vài người trong phường rối của mình ra tận đảo Phú Quốc để truyền lại nghề múa rối nước cho một doanh nghiệp ở đó. Nghe đâu để có trò vui thu hút khách du lịch, một doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực du lịch, giải trí ở Phú Quốc sau khi xem phường rối Minh Tân biểu diễn đã bỏ cả trăm triệu đồng nhờ anh Tuân sắm đủ bộ múa rối nước chuyển vào và mời anh vào đó cả tháng để truyền nghề...

MỚI - NÓNG