Rơi lệ vì giấc mơ hòa bình

Tiết mục của Thu Minh (Tàu anh qua núi) nhận được nhiều lời khen về chuyên môn và xếp thứ ba về lượng bình chọn của khán giả trường quay, sau Hồng Nhung và Mỹ Linh. Ảnh: Hương Thảo
Tiết mục của Thu Minh (Tàu anh qua núi) nhận được nhiều lời khen về chuyên môn và xếp thứ ba về lượng bình chọn của khán giả trường quay, sau Hồng Nhung và Mỹ Linh. Ảnh: Hương Thảo
TP - Số thứ hai của chương trình Giai điệu Tự hào mang tên Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình khiến nhiều khán giả rơi nước mắt. Vì bài hát hay, ca sĩ giỏi và phần lớn vì format chương trình - kết hợp hiệu quả giữa tính chính luận và giải trí.

Mỗi bài hát gợi người nghe ký ức riêng họ. Những bài được chọn lựa vào Giai điệu Tự hào gợi nên một ký ức tương đối toàn diện, cùng hoàn cảnh bài hát ra đời. Chương trình có sẵn băng tư liệu, lời dẫn, và phát biểu cảm tưởng của nhân chứng sống… Những ký ức sâu sắc, sống động của lớp thính giả đi trước làm giàu thêm cho ký ức của thế hệ sau. 

Bài hát như một mồi lửa châm vào kho ký ức khiến ai ai cũng cảm xúc thăng hoa. Trong khi nhà văn Trần Thị Trường (trong hội đồng bình luận lão thành) khá bình thản kể về những mất mát về người khi bom Mỹ giội xuống Khâm Thiên, thì không cầm được nước mắt (theo khuôn hình cận cảnh) lại là nhà văn thế hệ sau Trang Hạ, giống như sự chuyển giao ký ức.

Tuy nhiên đôi phần dàn dựng hơi “sến” quá mức cần thiết. Ở bài Đêm nay anh ở đâu, hai nam nữ vũ công mặt mũi âu sầu minh họa cho Lan Anh hát. Bài hát kết thúc, trước khi bước vào cánh gà, nữ vũ công trao lại cái đèn măng-sông cho ca sĩ. Như thể Lan Anh là giá treo đèn?!

Cũng nhờ Giai điệu Tự hào mà một số “ảo tưởng” về nghệ thuật được phanh phui. Khi hai thế hệ thính giả bàn luận chán chê về tình yêu thời chiến và tình yêu thời bình do nghe bài Đêm nay anh ở đâu của Phan Huỳnh Điểu, thì tác giả có mặt mới lên tiếng khẳng định nội dung bài hát hoàn toàn do ông bịa ra. 

Bài hát có những câu vô cùng da diết như “Ôi em đang bay vào trong mơ/ Thấy em được ra chiến trường/ Cùng anh chiến đấu/ Sống chết cùng có nhau…” hóa ra được gợi hứng chỉ bởi một câu hỏi thăm của ca sĩ Vũ Dậu. Khi hai vợ chồng Vũ Dậu gặp Phan Huỳnh Điểu trên phố Hàng Buồm, Vũ Dậu hỏi: “Đêm nay anh ở đâu?” Ý muốn biết nhạc sĩ ở khách sạn nào.

Dữ kiện trong tác phẩm có thật hay không chưa rõ nhưng công dụng là có thật. Nhà văn Trần Thị Trường nói “vịn câu hát Hà Nội niềm tin và hy vọng để đứng dậy” trong mùa bom Mỹ rải thảm Hà Nội, chị chỉ đơn thuần miêu tả thực tế chứ không có sự tu từ gì ở đây nữa. 

Nhà thơ, người dẫn chương trình Hồng Thanh Quang hùng hồn: “Chúng ta dùng ý chí để kết thúc chiến tranh”. Trong khi GS Văn Như Cương bổ sung một yếu tố nữa làm nên chiến thắng là tinh thần chịu đựng.

Bài Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh có câu: “Xa ba mươi năm nay đã gặp nhau/ Vui sao nước mắt lại trào”. MC Thu Nga hỏi đạo diễn Đặng Nhật Minh một câu khá thừa là: “Nước mắt này là của ai, khóc cho điều gì?” Như cái tên của chương trình, đôi khi người ta còn khóc vì tự hào. Sau khi nghe bài hát này, KTS Hoàng Phương đã nêu một ý kiến mà anh cho rằng cảm thấy có lỗi nếu không nói ra.

Có dịp nói chuyện với một người bạn từng thuộc chiến tuyến bên kia, anh hiểu được chút chạnh lòng của họ vào ngày 30/4 dẫu đất nước đã thống nhất. Bác sĩ Nam Anh ở miền Nam thích bài hát này đơn giản vì nó báo hiệu rằng chiến tranh đã kết thúc và máu sẽ không còn đổ.

Bản phối mới Tàu anh qua núi theo kiểu nhạc nhảy qua phần trình bày của Thu Minh nhận được sự tán thưởng của đông đảo khán giả trong trường quay, đồng thời lãnh đủ những chê bai là vị đại diện cho ngành đường sắt. 

Hơn một ý kiến cho rằng ngành đường sắt không đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội hôm nay. Bác cán bộ đường sắt khẳng định trong các yếu tố làm nên chất lượng giao thông: tốc độ- dịch vụ- an toàn, đảm bảo đường sắt là an toàn nhất. Vừa nói xong thì GS Văn Như Cương chỉ luôn vết sẹo trên lông mày gây ra bởi nạn ném đá lên tàu một thời (!).

Cuối chương trình, bài hát nhận được nhiều bình chọn của khán giả trường quay để có mặt trong đêm Gala vinh danh là Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao. Ngoài giọng hát Hồng Nhung thuyết phục thì câu chuyện về bài hát hẳn góp phần quan trọng khiến khán giả bấm nút bình chọn. 

Ra đời năm 1976, mãi 1988, bài hát mới được in tại Việt Nam (trước đó ở Nga) và nhạc sĩ qua đời, nó mới được vang lên. “Bài ca chứa đựng những suy tư về đất nước, con người, tình thương. Tác phẩm nghệ thuật mang tình yêu thương, nhân bản sẽ sống mãi với thời gian. Những gì cổ động nhất thời sẽ bị lãng quên”, đạo diễn Đặng Nhật Minh khẳng định.

Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình là một số khá thành công về cảm xúc của Giai điệu Tự hào (phát trên VTV1 vào tối thứ Bảy cuối tháng). Đấy là chương trình chưa hề động tới mảng ca khúc cùng chủ đề được sáng tác trong những năm 1970 tại miền Nam mà tiêu biểu là những bài hát phản chiến của Trịnh Công Sơn.

KTS Hoàng Phương: “Chỉ khi nào người biết yêu người thì mùa xuân đầu tiên mới xuất hiện trong tim chúng ta. Còn mùa xuân của đất trời thì năm nào cũng cứ như thế… Tôi thích Mùa xuân đầu tiên hơn tất cả các bài hát khác của Văn Cao.”

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.