Romeo và Juliet "kiểu Việt Nam"

Romeo và Juliet "kiểu Việt Nam"
Cặp vợ chồng đạo diễn người Mỹ Mark Woollett và Candace Clift vừa sang VN đã leo ngay lên sàn tập vở kịch Romeo và Juliet với các sinh viên của Trường cao đẳng Sân khấu - điện ảnh TP.HCM.
Romeo và Juliet "kiểu Việt Nam" ảnh 1

Mark Woollett vai Brutus và vợ vai Casca (từ phải sang) trong tour diễn vở Caesar hồi tháng tư năm ngoái ở Mỹ - Ảnh: Google

Vở kịch được hứa hẹn sẽ mang nhiều tính thể nghiệm bất ngờ trong cách dàn dựng, nhưng lại được khẳng định là "rất Việt Nam".

Chào Mark, nghe nói ở Mỹ vợ chồng ông đã dựng thành công rất nhiều tác phẩm của Shakespeare trên sân khấu, vậy tại sao ông lại muốn đem Shakespeare sang sân khấu VN?

Tôi nghĩ cả thế giới này đều biết đến Shakespeare. Đó là thứ kịch có thể diễn đạt bằng bất kỳ ngôn ngữ nào cũng dễ dàng đạt đến cái thần, vì bản thân tác phẩm đã quá tuyệt vời.

Tôi không hề ngại ngần khi có ý tưởng đem Shakespeare sang VN. Ở Mỹ chúng tôi đã dựng kịch Shakespeare đúng với nguyên tác theo lối kịch cổ điển của thế kỷ 16, nhưng sang VN lần này chúng tôi muốn làm theo lối kịch viễn tưởng.

 Nghĩa là...?

Romeo và Juliet là người VN, sống trong xã hội hiện đại VN nhưng không xác định rõ không gian và thời gian. Sẽ có sự đan xen của quá khứ và tương lai.

Chúng ta đều biết đó là một câu chuyện tình, nhưng cái lớn hơn chính là sự mâu thuẫn giữa các thế hệ. Tôi biết các bạn trẻ ở Sài Gòn đôi khi cũng bất đồng ý kiến với cha mẹ làm nảy sinh mâu thuẫn và Juliet kiểu VN cũng vậy.

Romeo và Juliet "kiểu Việt Nam" ảnh 2

Mark Woollett và Candace Clift hiện là những thành viên của Hội Shakespeare & Company, có nhà hát riêng tại Lenox, Massachusetts, Hoa Kỳ, thường xuyên biểu diễn những vở kịch kinh điển của Shakespeare.

Juliet kiểu VN à? Vậy cô ấy sẽ mặc áo dài chứ?

Tôi nghĩ là có đấy (cười). Có thể Juliet ở phần đầu của vở sẽ ngây thơ như một nữ sinh trung học trong tà áo dài trắng.

Đạo diễn Mỹ lại đi "VN hóa" một kịch bản phương Tây hẳn là không đơn giản?

Cô biết đấy, kịch Shakespeare vốn đã dài, mà tiếng Việt lại còn dài hơn nữa nên có lẽ chúng tôi sẽ cắt bớt. Không biết làm như vậy có gây khó hiểu không? Nhưng ngôn ngữ kịch của Shakespeare rất chuẩn, mà nghe nói tiếng Việt của các bạn lại trầm bổng rất hay nên tôi không lo lắng lắm. Ngay cả phần phụ đề tiếng Anh tôi cũng không nghĩ tới vì tôi muốn làm hoàn toàn cho khán giả Việt xem.

Làm việc với các diễn viên Trường cao đẳng Sân khấu - điện ảnh TP.HCM ông thấy thế nào?

Cởi mở, biết lắng nghe và khá chuyên nghiệp. Trước đây khi chưa sang VN tôi có nghe nói rằng họ rất chịu khó, khi gặp rồi mới thấy họ rất tài năng nữa. Họ biết chúng tôi muốn gì. Nếu có thể, tôi còn muốn đem họ sang Mỹ diễn các vở của tôi nữa cơ (cười).

Theo Hoàng Oanh
Tuổi trẻ

Đạo diễn trẻ Hồ Minh Thương vốn rất mê kịch cổ điển, nhưng khi làm trợ lý và biên đạo võ thuật cho Romeo và Juliet lần này cũng bị thuyết phục bởi cái hiện đại kiểu Việt là lạ trong cách làm của Mark và Candace. Theo đó thì các màn võ thuật trong vở dùng nắm đấm thay cho kiếm (hiện đại mà!), nhưng cũng không dùng súng (vì ở VN làm gì có kiểu dùng súng tự do).

Đặc biệt, mâu thuẫn giữa các băng nhóm ở đầu vở sẽ diễn ra ở... ngoài cổng nhà hát. Khán giả sẽ đứng đó xem rồi mới theo các diễn viên vào sân khấu theo diễn biến của mạch kịch.

MỚI - NÓNG