Rộn rã kịch thiếu nhi

Rộn rã kịch thiếu nhi
Mặc dù chưa cận ngày quốc tế thiếu nhi, các sân khấu tại TPHCM đã gấp rút dựng kịch để kịp tung ra trước đó 10 ngày, với sự pha trộn các thể loại như cải lương và xiếc, kịch và xiếc.

 Ngày 10.5, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tổ chức giới thiệu vở cải lương - xiếc “Mụ phù thủy và chiếc đũa thần” (kết hợp với đoàn xiếc TPHCM), ra mắt ngày 2.6 tại rạp Hưng Đạo. Vở dài 100 phút. Tham gia vào vở có các nghệ sĩ của nhà hát cùng đội xiếc Mặt Trời Đỏ. Mức đầu tư cho vở khoảng 400 triệu đồng.

Vở diễn thứ hai có sự pha trộn giữa kịch và xiếc là “Bầy quỷ và viên ngọc thần”, do đạo diễn Hoàng Duẩn dàn dựng, Cty Giờ Vàng hỗ trợ toàn bộ kinh phí (khoảng 400 triệu đồng). Ở đây có sự kết hợp giữa âm nhạc, kịch nói, xiếc (người và thú), rối, ảo thuật... sẽ là một vở diễn lạ mắt, sử dụng một số màn diễn mà lần đầu tiên đoàn xiếc thực hiện, như diễn ảo thuật đổi mặt, muôn mặt khác nhau, xiếc trên lưới cá, xiếc trong vỏ ngọc trai... Dự kiến vở sẽ được công diễn ngày 23.5 tại công viên 23.9.

Bên cạnh đó, Idecaf vốn có truyền thống dựng kịch thiếu nhi khá ăn khách, cũng đã đưa lên sàn vở kịch mới “Chú bé Khoai lang tây và ba bà tiên” (tác giả Minh Phương - đạo diễn Vũ Minh), dự định ra mắt ngày 20.5 tại Nhà hát Bến Thành. Đây cũng là nơi khá mạnh về nguồn diễn viên, tập trung các nghệ sĩ gạo cội như NSƯT Thành Lộc, Hữu Châu, Thanh Thủy, Bạch Long, Đình Toàn, Đại Nghĩa, Hoàng Trinh, Lê Khánh...

Song song cùng vở diễn hoành tráng trên, Idecaf cũng đã dựng sẵn 5 vở mới cho thiếu nhi trên sân khấu 7 Trần Cao Vân. Đó là các vở: “Chú mèo đi hia” (Anh Tuấn - Đình Toàn), “Bông hoa phù thủy” (Hoàng Long), “Hoàng tử Ếch và công chúa Mập” (Anh Tuấn - Hùng Lâm), “Mụ phù thủy và hai em bé” (Anh Tuấn - Châu Hùng Lâm) và “Cuộc phiêu lưu của chú bé ngựa gỗ Pinocchio” (Anh Tuấn - Hồng Phước).

Sân khấu Hoàng Thái Thanh đưa lên sàn vở kịch thiếu nhi “Nữ hoàng ngang ngược” (tác giả Mỹ Dung - đạo diễn Tấn Phát), công diễn ngày 29.5. Dàn diễn viên trẻ, cùng cách khai thác kịch tâm lý với những câu chuyện mang tính giáo dục cao là thế mạnh của sân khấu này. Sân khấu kịch Hồng Vân sẽ dựng lại vở “Chuyện cái bồ” (Thái Hòa - Đức Thịnh) bằng song ngữ (Việt - Anh) tại sân khấu Superbowl, “Cuộc chiến ẩm thực” (đạo diễn Minh Nhí) tại rạp Kim Châu.

Năm nay, nghệ sĩ Gia Bảo và Cty Miền Đất Võ giới thiệu vở “Chúa tể muôn loài”, phóng tác theo bộ phim hoạt hình “Vua sư tử” của Walt Disney, do Minh Nhí dàn dựng. Tham gia có NSƯT Bảo Quốc, Minh Nhí, Thanh Thủy, Trung Dân, Anh Vũ, Ngọc Trinh...

Thiếu chất hồn nhiên

Tuy nhiên, càng chuyên nghiệp, với việc nhiều nghệ sĩ người lớn tham gia các vở diễn, cũng đồng nghĩa với việc nhìn thế giới trẻ thơ qua con mắt người lớn, chứ chưa hẳn ở góc nhìn của trẻ con. Nhiều vai diễn của không ít nam diễn viên từng bị khán giả người lớn phản hồi là hơi ẻo lả.

Phim hoạt hình có thế mạnh rất lớn, trong khi kịch phóng tác dựng lại cũng bị người lớn trong vai các con thú làm giảm bớt tính ngây thơ cũng như thế giới tưởng tượng phong phú của trẻ em. Nhiều vở mang đậm tính hài hước, để nghệ sĩ tung hứng rất rôm rả, nhưng nhiều khi vẫn quá đà, khiến cho bố cục vở bị lệch lạc ít nhiều. Hơn thế nữa, những chi tiết thần thoại được “kịch hóa” đơn sơ thành ra không thu hút sức liên tưởng của các em.

Hướng đi tiếp cận tâm lý trẻ với những vở kịch viết cho thiếu nhi mang tính nhân văn vẫn còn rất thiếu (như sân khấu mới Hoàng Thái Thanh đang làm). Khán giả nhí cũng bắt đầu chán cảnh các con thú to lớn đối thoại như... người lớn chỉ để kể câu chuyện cổ tích hay thần thoại mà trẻ em biết rất rõ.

Một số nơi có phần giao lưu với các bé, tặng quà, đố vui... để tăng thêm phần sinh động, nhưng bản thân các nhân vật chưa tạo được độ hấp dẫn nên chưa có nhân vật nào đọng lại thật lâu trong lòng khán giả trẻ thơ.

Theo Minh Thi
Lao Động

MỚI - NÓNG