Rồng Việt tại bảo tàng Pháp

Tượng rồng vàng nguyên khối năm Thiệu Trị 2 1842, một trong số cổ vật trưng bày tại Pháp dịp này
Tượng rồng vàng nguyên khối năm Thiệu Trị 2 1842, một trong số cổ vật trưng bày tại Pháp dịp này
TP - Năm Pháp-Việt khép lại bằng sự kiện triển lãm “Rồng bay-Nghệ thuật cung đình Việt Nam” diễn ra suốt mùa hè tại bảo tàng Guimet.

Đây được xem là đặc ân đối với Bảo tàng nghệ thuật châu Á Guimet-lần đầu tiên được giới thiệu tại nước ngoài bộ sưu tập bằng vàng và những kho báu của triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam. 

Bộ trưởng Văn hóa và Truyền thông Pháp, bà Aurélie Filippetti nhấn mạnh: “Qua tiến trình nghiên cứu lịch sử khoa học, triển lãm đánh thức những biểu tượng và huyền thoại về tiềm thức của chúng ta, nuôi dưỡng dài lâu những mơ ước và trí tưởng tượng của con người”. 

Lời giới thiệu của bảo tàng Guimet về triển lãm: “Vừa đáng sợ lại vừa mang lại lợi ích, hình tượng mang tính chất huyền ảo này thể hiện tính năng động trong vai trò bảo vệ, mang lại lợi ích của con rồng-được thể hiện sống động qua tạo hình uốn lượn của các nghệ nhân Việt Nam trải nhiều thế kỷ”. Triển lãm kéo đến 15/9.

“Trong số 89 hiện vật như ấn vàng nguyên khối, những chỉ dụ cuối cùng, những chiếc ấm tuyệt đẹp, bát đĩa dùng trong cung đình, lư hương, hộp trầu bằng vàng, bạc hay ngọc đi cùng với ống nhổ, có nhiều vật quý lần đầu được giới thiệu”, Pierre Baptise, chuyên gia khảo cổ học, phụ trách nghệ thuật Đông Nam Á tại bảo tàng nhận định. 

Chủ đề xuyên suốt là hình tượng rồng, biểu tượng hoàng gia, gắn liền với văn hóa tâm linh, tín ngưỡng. Người xem có thể bắt đầu với hiện vật thời đồ đồng, khoảng thế kỷ thứ V trước CN. Kế đến hiện vật của thời kỳ gắn với các cuộc chiến chống nhà Hán, Tống khoảng thế kỷ 10, và quá trình xây dựng các vương triều từ thời Lý trở đi.

 Cuối cùng là bảo vật thời Nguyễn. Bảo tàng Guimet cũng sở hữu hàng trăm đồ vật có xuất xứ Việt Nam, trong đó có nhiều hiện vật cung đình. Triển lãm lần này lí giải đầy đủ hơn biểu tượng rồng gắn với hoàng gia và sự phát triển phong cách nghệ thuật theo từng thời. 

“Ở châu Á, rồng không có chút liên quan nào đến hình dung của phương Tây trung cổ. Nó không liên quan đến địa ngục mà chính là nước. Cũng như rắn, nó di chuyển uyển chuyển giữ khô và ướt, cao và thấp, âm-dương”, Pierre Baptise nói. 

Người ta thấy rồng khắp nơi: trên phần trang trí của mái nhà, đồ đồng hoặc gốm men trắng, xanh trong đợt khai quật tại cố đô Huế năm 1990. Có hẳn một bộ phim mô tả lại cuộc khám phá ngoạn mục này. 

Hai cổ vật thất lạc thời Nguyễn trở về

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, một số hiện vật của các triều đại phong kiến nước ta bị thất lạc được đưa về Việt Nam. Đặc biệt phải kể long sàng của vua Thành Thái, và xe kéo của Hoàng Thái hậu Từ Minh (mẹ vua) mới đây được đấu giá tại bảo tàng Guimet. Đại diện ĐSQ Việt Nam tại Pháp được ủy nhiệm và đấu giá thành công chiếc xe kéo. Một người cháu họ của vua Thành Thái sở hữu chiếc long sàng, mong muốn được đưa vật quý về cố đô Huế.

Theo Theo Figaro, Guimet
MỚI - NÓNG