Tối nay trao giải Cánh diều 2007:

“Rừng đen” hay “Trái tim bé bỏng”?

“Rừng đen” hay “Trái tim bé bỏng”?
TP- Gần những ngày cuối xem phim truyện nhựa ở giải Cánh diều 2007, những tưởng đạo diễn Thanh Vân trên đường đua đã có thể một mình về đích lĩnh… vàng!

Nhìn ở góc độ nghệ thuật, quả thực so với mặt bằng chung của điện ảnh năm nay, rất khó tìm ra phim nào đồng đều và dễ chịu hơn Trái tim bé bỏng. Nhưng may thay phút cuối bỗng xuất hiện “người rừng” Vương Đức, sản phẩm mới tinh mà Hãng phim truyện VN vừa xuất xưởng mang tên Rừng đen như một gốc cây cổ thụ đổ ập chắn ngang đường đua.

Câu hỏi bây giờ chỉ là Rừng đen hay Trái tim bé bỏng đoạt giải Phim hay nhất? Đa số giám khảo hướng về tiếng “cây đổ” quyết liệt của Vương Đức hay chọn giải pháp “an toàn” Thanh Vân? Tối nay (9/3), lễ trao giải Cánh diều 2007 sẽ  truyền hình trực tiếp lúc 19h30 trên VTV3.

“Rừng đen” hay “Trái tim bé bỏng”? ảnh 1
Cánh Diều Vàng 2007 chỉ là cuộc đua của 2 ứng viên “Rừng đen”  và “Trái tim bé bỏng”

Phút 89 của Vương Đức

Thân phận éo le của một đôi trai gái vừa sống bản năng vừa đau đớn giằng xé lương tâm, kết cục của một gia đình thợ rừng, những thân cây rỉ máu và nước mắt màu đen của trời… ập xuống người xem tạo nên một cú choáng khá thú vị. Đó là cảm xúc đầu tiên về bộ phim Rừng đen của đạo diễn Vương Đức.

Có ý kiến cho rằng Rừng đen như sự lặp lại của Những người thợ xẻ, nhưng nhà báo Tô Hoàng nghĩ khác: “Đây không phải sự lặp lại Những người thợ xẻ mà đó là kiểu phim của Vương Đức. Từ Cỏ lau anh ta đã thế rồi, dữ dằn và chắt lọc. Tôi thấy Vương Đức rất chủ động trong Rừng đen còn Thanh Vân có phần bị động ở Trái tim bé bỏng. Với riêng Trái tim bé bỏng, còn nhiều điều hơi tiếc trong xử lý của đạo diễn nhưng đó vẫn là bộ phim rất ci-nê-ma. Đây là hai phim được nhất tại giải lần này”.

Trong số 11 phim dự tranh Cánh diều vàng 2007, phim của Vương Đức tạo được sự chờ đợi nhất bởi ngày 4/3 mới hoàn thành, trước đó chưa ai được thấy gì từ Rừng đen. Nhân vật chính của phim là Hoạt (Kim Long đóng) đột ngột xuất hiện với hoàn cảnh: đi tù về! Không cần dài dòng, chỉ biết “đi tù thay cha”, và với cái nghề “giặc rừng” cha truyền con nối trong gia đình Hoạt, đi tù cũng là chuyện thường, kiểu sống không biết sợ hãi gì của lão Bền thì chết cũng là chuyện thường!

Tưởng- anh trai Hoạt quyết ra khỏi rừng để giết tên nhân tình của vợ cũng chỉ ngắn gọn gặp em trai thông báo: “Tao đi tù”. Hoạt được cha suy tôn anh hùng trong đám giặc rừng nhưng rồi cũng quyết định giành lấy hạnh phúc riêng cho mình khi bỏ đi cùng Vân- vợ sắp cưới của cha.

Lão Bền gỗ oai hùng, mánh lới, dữ dằn là thế mà kết cục nhận lấy cái chết vô cùng bất ngờ và… thiếu kinh nghiệm: rơi xuống thác đen! Không thấy gỗ, chỉ có xác lão Bền trôi về bến, lũ con đã bỏ đi, chỉ mình ông lão chèo đò mù lòa trong cơn mưa đen quái gở… Cái kết như một nhát dao sắc, ứa nhựa đau đớn, nhưng cuộc sống không vì thế mà sụp xuống, tối đen. Trong xô bồ, dữ dằn ấy bật ra chất người đầy dục vọng, đó là một phần của cuộc sống rất thực.

“Rừng đen” hay “Trái tim bé bỏng”? ảnh 2
Cảnh trong phim “Trái tim bé bỏng”

Và độ an toàn cao của Nguyễn Thanh Vân

Tất nhiên Vương Đức cũng để lộ những nhát chặt vội trong Rừng đen, có những nhân vật bị anh bỏ rơi hoặc chưa khai thác hết, làm lỡ nhịp một số tình huống đã bày ra rất khéo. Cú đổ của cây ma- cây cổ thụ ví như vị thần rừng được Vương Đức cho “cascadeur cây” khác đóng thế nên không tạo ra cú rung chuyển cả một vạt rừng mang tính tâm linh như mong đợi. Khi ra mắt khán giả, Rừng đen có thể tạo nên nhiệt độ cảm xúc rõ ràng: hoặc thích hoặc không ưa.

Còn Trái tim bé bỏng của Thanh Vân thì khác. Đây là sự tụt hạng của Thanh Vân so với chính anh nhưng Trái tim bé bỏng vẫn là bước đi an toàn về nghệ thuật. Lại một kiểu làm phim rất dễ đoạt giải. Xem Trái tim bé bỏng của anh có thể không choáng nhưng cũng không chán! Còn xem Rừng đen thì không thể dửng dưng.

Trên chảo cát Quảng Bình nóng bỏng và cuộc sống cơ cực buồn tênh quẩn quanh, hình ảnh cậu bé trồng cây chuối nhìn cuộc đời lộn ngược (cho khác đi) là một ý tứ đẹp của Trái tim bé bỏng. Còn ở Sài Gòn, cú trồng cây chuối của cô gái thôn quê giờ chỉ còn là hoài niệm, không thể đảo ngược được số phận nữa.

Tạo hình của nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn thật đều tay. Cuộc sống khắc nghiệt và số phận bi thương của những cô gái trong một gia đình, trên một vùng quê được Thanh Vân kể càng về sau càng chậm rãi trong khi khán giả thì sốt ruột trước chuyến trở về dùng dằng của cô chị đã bị nhiễm HIV có kịp cứu cô em khỏi vết xe đổ. Cái kết nhẹ không chạm tới đích nhưng dẫu sao vẫn là một câu chuyện kể được lắng nghe. Cái kết cùng Rừng đen quyết liệt hơn, chắc và nặng hơn.

Với mùa giải Cánh diều năm nay, Vương Đức bảo anh không nôn nóng mà cảm thấy bình thường, được thì vui, không thì cũng chẳng buồn. Đã 6 năm trôi qua kể từ Của rơi của Vương Đức dự tranh giải Cánh diều 2002 cùng với Gái nhảy của Lê Hoàng, Vương Đức đã công khai bày tỏ không muốn phim mình đứng cùng hạng giải thưởng với Gái nhảy. Từ đó anh bị mang tiếng “to mồm”. Một câu hỏi vui trước giờ công bố kết quả: Bây giờ anh không muốn… to mồm nữa hay sao? Đạo diễn Rừng đen cười: “Nếu cần chiến đấu thì tôi cũng là… giặc rừng!”.

Một vài dự đoán trước giờ diều bay

-Dù có ít đất diễn nhưng Hồng Ánh vẫn là ứng viên nổi bật ở giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất (phim Trái tim bé bỏng). Còn ai cạnh tranh với cô đây, Yến Vi trong phim Sài Gòn tình ca thì chắc là không!

-Nếu diễn xuất ở Mùa len trâu là một sự phát hiện thì Kiều Trinh có thể hy vọng ở giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất trong phim Rừng đen. Tình cờ có những nét giống Hồng Ánh nhưng vai cô con gái nhiễm HIV mà Lan Hà thể hiện trong phim Trái tim bé bỏng vẫn chưa đủ nặng để cân với Kiều Trinh. Trường hợp của Thanh Thúy trong Vũ điệu tử thần phải lăn lộn cực nhọc song cũng khó đạt đỉnh. Vừa xem vừa băn khoăn vai của Ngô Thanh Vân có phải là vai nữ chính nữa hay không?! Nếu Sài Gòn tình ca phát hành sớm hơn Dòng máu anh hùng thì… đỡ hại cho Thanh Vân biết mấy!

-Vai chính trong phim truyện nhựa đầu tiên đã khiến anh chàng nghiệp dư Thạch Kim Long có gương mặt “mạnh mẽ chất đàn ông” trở nên sáng giá ở giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất (vai Hoạt trong Rừng đen). So với những gì thể hiện trên phim thì khá bất ngờ khi biết Kim Long là người Khơme và năm nay 31 tuổi. Minh Tiệp dày thành tích đóng phim nhựa hơn Kim Long rất nhiều song với cái kiểu đơn giản “dạo chơi” trong diễn biến tâm lý ở phim Giá mua một thượng đế thì thôi đành quý hồ tinh hơn quý hồ đa!

-Vũ điệu tử thần tập hợp được nhiều anh chàng đẹp trai như người mẫu Bình Minh, Tuấn Tú bỗng đột ngột xuất hiện Trần Dũng (diễn viên đoàn kịch Hà Tây) thấp bé vào vai ông Bền gai góc trong phim Rừng đen có thể khiến các chàng trai trẻ chân dài… rớt đài ở giải Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất!

-Vương Đức hay Thanh Vân, ai được giải Đạo diễn xuất sắc nhất cũng ổn!

-Giải quay phim sẽ là cuộc chạy đua giữa 2 người tên Tuấn: Hữu Tuấn (Trái tim bé bỏng) và Quốc Tuấn (Rừng đen).

MỚI - NÓNG