'Rừng người Thượng' và minh triết Tây Nguyên

'Rừng người Thượng' và minh triết Tây Nguyên
TP - Nhân buổi giới thiệu và tọa đàm - tối 13-11 tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội - xung quanh tác phẩm vừa xuất bản bằng tiếng Việt: Rừng người Thượng của Henri Maitre, nhà văn Nguyên Ngọc hé lộ những biểu hiện về minh triết đáng ngạc nhiên của các dân tộc ở Tây Nguyên.
'Rừng người Thượng' và minh triết Tây Nguyên ảnh 1
Nhà văn Nguyên Ngọc tại tọa đàm “Rừng người Thượng”  - Ảnh: NMH

Bên cạnh Nguyên Ngọc, trên bàn chủ tọa có TS Andrew Hardy - Trưởng đại diện Viện Viễn Đông Bác Cổ tại Việt Nam. Theo A.Hardy, phần đáng chú ý và dễ đọc nhất vừa dịch sang tiếng Việt mới chỉ chiếm nửa số trang của Rừng người Thượng - xuất bản lần đầu năm 1912.

Cuốn sách là kết quả cuộc khảo sát lần hai kéo dài hai năm của Henri Maitre vào năm 1909. Từ những năm 1980, nhà dân tộc học Jacques Dournes đã nhấn mạnh đây là cuốn nghiên cứu xuất sắc nhất về cao nguyên miền Trung Việt Nam.

Hai năm sau khi xuất bản sách, Maitre rơi vào ổ phục kích của Nơ Trang Lơn và bị giết chết. Khi ấy, ông mới 31 tuổi.

“Những đóng góp  của ông cho việc thiết lập chế độ cai trị của Pháp trên cao nguyên dẫn đến việc ông bị ám sát. Nhưng công trình nghiên cứu của ông về dân cao nguyên lại làm ông sống mãi”, bằng tiếng Việt, A.Hardy khẳng định.

Nhà văn Nguyên Ngọc nhấn mạnh đến công lao nghiên cứu Tây Nguyên của người Pháp, trong đó, Rừng người Thượng chiếm vị trí và giá trị đặc biệt, chưa có công trình nghiên cứu nào vượt qua.

“Maitre thực hiện công việc tinh tế và gian nan đó trong một thời gian ngắn gần như kỷ lục trong điều kiện bất trắc. Đối tượng nghiên cứu không chút thân thiện” - Ông Nguyên Ngọc nói.

Một đoạn ngắn trong cuốn sách được đọc tại chỗ miêu tả cuộc viếng thăm tới một làng của Maitre. Dân làng chạy lên núi trốn biệt, Maitre và người của mình rình hồi lâu. Và để tóm được một người dân, Maitre phải vật lộn và bị thương vì giáo đâm. Người bị bắt sẽ được dùng làm con tin dụ dân làng về để giao tiếp.

“Ông mô tả nhân vật, đồng thời đương đầu với chính họ” - Nguyên Ngọc nói - “Nên chúng ta lại có thêm một chân dung nữa hết sức sinh động cũng đầy mâu thuẫn đó là chân dung của chính ông - một kiểu người Pháp đến Đông Dương, đến Tây Nguyên thời bấy giờ.

Maitre chưa thoát ra những điều kiện lịch sử để nhìn được những con người Tây Nguyên và nền văn hóa văn minh của họ với sự khiêm tốn đầy hiền minh như J.Dournes để hiểu rằng họ có những cách hiểu khác về văn minh, mà những cách sống văn minh khác không thể so sánh, càng không thể mang cái khác đến áp đặt”.

J.Dournes bỏ ra 25 năm sống ở Tây Nguyên, bỏ cả đạo Thiên Chúa để theo đạo của người Tây Nguyên, và đến những năm cuối đời, vẫn bày tỏ ý nguyện quay về sống ở Tây Nguyên.

Có hàng nghìn tác phẩm của người Pháp nghiên cứu về Tây Nguyên, riêng J.Dournes có 350 tác phẩm viết về Tây Nguyên. Chưa kể những công trình, bài báo nhỏ. Hiện mới có khoảng 10 cuốn đã được dịch ra tiếng Việt.

Nguyên Ngọc cho rằng những công trình như vậy nếu được phổ biến rộng rãi có thể giúp chúng ta tránh được những điều đáng tiếc.

Nhân GS Hoàng Ngọc Hiến ở Trung tâm Nghiên cứu Minh triết Việt đề nghị cho biết vài nét về minh triết các dân tộc Tây Nguyên, nhà văn Nguyên Ngọc kể về phong tục Ni-nông của người Xê-đăng biến mất cách đây mươi năm.

Nguyên Ngọc nói: “Một ngày nào đó trong mùa Ni-nông (tiếng Xê-đăng nghĩa là “không làm nông”) kéo dài 2-3 tháng, toàn bộ dân làng theo già làng bỏ lại tất cả những gì mà toàn bộ lịch sử tiến hóa của con người đã đem đến cho họ: dụng cụ, quần áo, thóc lúa…

Tất cả kéo nhau vào rừng, và sống lại hoàn toàn đời sống nguyên thủy. Lấy đá cọ với nhau làm ra lửa, săn bắt hái lượm… trong vòng 15-20 ngày. Nhu cầu trở về tắm gội trong cội nguồn nguyên thủy cho sạch con người - tôi nghĩ đó cũng là một cái minh triết”.

Một biểu hiện nữa của minh triết Tây Nguyên, theo Nguyên Ngọc là lễ Pơ Thi (bỏ mả). Nhiều dân tộc Tây Nguyên cho rằng chỉ sau lễ này - được tổ chức như một ngày hội lớn trong vùng- họ mới thực sự vĩnh biệt người chết.       

MỚI - NÓNG