Rước đèn

Minh họa: Trương Phương Hoa
Minh họa: Trương Phương Hoa
TP - Cô Cúc là con gái ông bà Tư ở quê. Lớn lên, Cúc cũng được bố mẹ cho học hết cấp 2 rồi đưa lên thành phố ở với bác Ba, anh ruột mẹ cô. Anh con bác xin cho cô đi học trái tuyến hết lớp 12 thì ở nhà giúp bác gái bán hàng.

Quanh năm cô tất bật dậy sớm thái thịt, nhặt rau, vo gạo, nấu nấu nướng nướng để từ 9 giờ có thể có cơm canh cho cánh xe ôm, lái taxi rồi học sinh sinh viên ăn sáng hoặc ăn trưa. Cô ít có dịp được đi đâu nên hè năm nay, bác và anh trai quyết định cho bác gái và cô theo tua du lịch đi chơi hai ngày.

Lên xe, Cúc dắt bác gái lên hàng ghế đầu, dõng dạc nói với hai cô cậu đã ngồi ở đó từ trước:

-Các em nhường ghế cho mẹ con chị nhé. Bà nhiều tuổi rồi mà.

Hai cô cậu nhìn hai bác cháu Cúc, lủi thủi xuống hàng ghế dưới. Cô bấm vào sườn bác mà cô vẫn gọi là MẸ: “Mẹ thấy chưa. Mọi việc cứ để con”. Đến nơi, vào phòng nghỉ trên tầng hai, cô gặp trưởng đoàn, đòi cho mẹ con cô xuống tầng một, vì bà già rồi, không leo được thang gác. Ông trưởng đoàn nhăn nhó chạy đi thương lượng mãi mới xong. Lúc ăn cơm, cô gắp miếng đậu phụ nhồi thịt rán, gọi chị phục vụ bàn:

- Em ơi, bọn chị ra biển, phải cho ăn hải sản chứ ai lại nhai đậu rán khô khốc thế này?

Cô phục vụ bình thản:

-Bọn em làm theo mức đóng tiền và yêu cầu của từng đoàn chị ạ.

Mẹ cô gạt đi:

- Chị nói đùa ấy mà cháu, không sao đâu.

 Cô tấm tức:

-Con tưởng đã cho hai mẹ con mình đi thì bố phải đóng tiền kha khá một chút chứ!

Mẹ thở dài:

-Thì bố với anh mày đã bao giờ được đi đâu. Cũng là chiều hai mẹ con lắm rồi.

Buổi chiều, hai mẹ con cùng cả đoàn ra biển, cô lại gọi ông trưởng đoàn:

- Sao anh không chọn nơi nào sóng nhẹ và xanh trong, chứ nơi này sóng to, lại đục ngầu thế này, ai mà dám xuống chứ?

Ông trưởng đoàn cười:

-Lần này các bác các anh chị bảo đi Đồ Sơn cho gần nên bọn tôi chọn nơi này. Lần sau, bác và chị có thể đăng ký đi xa hơn, như Cửa Lò, hoặc Nha Trang, Vũng Tàu, Côn Đảo... biển lúc nào cũng xanh lắm ạ.

 Mẹ lại khẽ bấm để cô im. Khi ông trưởng đoàn đã bỏ đi, bà nhắc:

-Nhà nghèo, đã được đi thế này là tốt lắm rồi, con đừng ý kiến gì nữa, người ta cười cho đấy!

 Thế nhưng, trước khi ra về, ông trưởng đoàn cảm ơn và xin mọi người góp ý, cô lại đứng lên:

-Tôi thấy anh phải rút kinh nghiệm cho những chuyến sau. Ai lại phòng nghỉ không có máy lạnh, mà trời thì nóng chết lên được, còn gọi gì là nghỉ mát nữa? Đã thế, phích nước nóng buổi tối cũng không, rồi bình nóng lạnh cũng không. Tôi thì chẳng sao, nhưng mẹ tôi nhiều tuổi rồi, sáng ra đánh răng rửa mặt cũng cứ như ở nhà thì còn mất tiền đi nghỉ mát làm gì?

Mẹ cô lại cấu, mong cô im đi. Và mọi người thì nhìn nhau cười. Có bà nói to: “Đi hai ngày mỗi người đóng  500 ngàn thì chỉ có thế thôi”...

 Hôm ấy về, bác gái cô thầm thì với bác trai: “Hôm nay tôi chợt nghĩ, có lẽ bố mẹ nó không dạy nó đến nơi đến chốn, cũng là loại đi “rước đèn”
ông ạ”... 

Chém gió

Hồi cùng học đại học, Hoa mê Dũng vì chàng rất có duyên. Trong lớp, hễ thày cô chưa đến là Dũng làm cả lớp bò ra cười vì những câu chuyện lém lỉnh. Cũng nhiều cô yêu chàng, nhưng học xong, Dũng và Hoa nhanh chóng làm đám cưới. Bây giờ họ đã có một con trai 3 tuổi. Và hai đứa đã quyết định ly thân. Hoa vẫn còn yêu Dũng, mối tình đầu của cô, nhưng cô đã không thể chịu nổi cái tật nói một tấc đến trời của Dũng. Hai đứa làm ở hai cơ quan khác nhau, Hoa cặm cụi làm thêm, lương chẳng đủ sống nên cô quyết định ở nhà, vừa trông con vừa mở một cửa hàng nhỏ bán tạp hóa. Chồng cô cũng đã phải nghỉ việc, vì anh làm mất lòng thủ trưởng và nhiều người trong cơ quan vì cái tật nói năng chế giễu mọi người không thương tiếc.

Hoa vẫn cơm nước cho chồng, nhưng đêm nhất định không chịu ngủ cùng. Anh buồn, ăn xong là ra hàng nước ngồi chém gió. Hoa để con chạy chơi trong nhà, dọn dẹp quán hàng nhỏ và tắm rửa cho hai mẹ con xong thì thường đi ngủ ngay vì mệt. Hôm nay, vừa dọn dẹp, cô lại vừa nghe tiếng chồng bên hàng nước vỉa hè cạnh nhà oang oang:

-Tớ mà có quyền, tớ cứ gọi là cách chức hết! Ai lại để tai nạn giao thông 1 năm chết nhiều hơn lính Mỹ chết trận ở Việt Nam trong năm năm hả trời? Rồi giáo dục, y tế nữa chứ. Rồi hàng giả, hàng nhái đầy đường...Ui chao, xã hội xuống cấp hết cả...

Rước đèn ảnh 1

Minh họa: Trung Hiếu

Các ông hàng xóm, ông nào cũng cao giọng bàn tán và chê bai tuốt tuột. Mà toàn là các ông ăn bám vợ, hoặc làm nghề không đủ sống như bơm vá xe, cắt tóc cạo râu, đi giao hàng...giống như Dũng nhà chị cả thôi. Một ông, nhà ở cuối ngõ, chắc không sợ vợ nghe thấy nên cao giọng:

-Ui giời ui, bà nhà tôi ấy à, mắng chồng quát con suốt ngày không chịu im cho một lúc. Tôi mà không ra đây, cứ về đến nhà là điếc hết
cả tai...

Một ông khác:

-Cái xóm này không có bà nào ra hồn, các bác cứ ngắm mà xem. Không gày ngẳng thì mặt đầy tàn nhang, không béo ú thì nhăn nheo như bị rách. Đã thế lại còn trát bự phấn son nữa chứ, gớm chết lên được...

Cả bọn cứ thế phá ra cười. Hoa không khỏi giật mình nhìn lại bản thân. Ôi- mới hai nhăm mà từ hồi sinh con, chị không giữ gìn, bụng xệ hẳn ra...

Chợt lại nghe tiếng ông chồng bà hàng nước:

-Thì tôi đã làm thơ đây: Mặt bà Chắt-mắt bà Đông- mông cô Hợi, lợi cô Khôi...

Tiếng cười của hội chém gió khiến Hoa cũng phải cười theo. Chả là bà Chắt có bộ mặt bự phấn, mắt bà Đông thì toét nhèm, mông cô Hợi to lù lù và lợi cô Khôi thì cười lộ ra cả tảng...

Đêm ấy, khi thằng cu đã ngủ say, Dũng lại lần vào bên vợ. Ừ, được cái chồng mình chém gió trên trời, chứ chưa lần nào Hoa nghe anh chê vợ. Chị nằm im... 

Đại gia và giang hồ

Hương và Tú yêu nhau rồi lấy nhau là mối tình đầu của cả hai, chỉ có điều Hương xinh xắn, chăm ngoan, là hàng xóm của Tú nhưng bố mẹ Tú không ưng cho Tú lấy Hương, vì cô con nhà giáo, nền nã mà không danh tiếng. Bố Tú hàm thứ trưởng, có ông bộ trưởng danh tiếng muốn gả con, mà Tú cứ nhất định chỉ lấy Hương nên cuối cùng ông bà phải chịu.

Hai vợ chồng được bố mẹ Tú cho một căn hộ, ở riêng, kể ra thì cũng thích. Khi Hương có bầu rồi sinh con, lâu không gần nhau, Tú ít về nhà, lại hay cáu kỉnh với vợ. Cô cũng không để ý, chỉ nghĩ anh bận việc của công ty do bố mở cho, về nhà có khi vợ mệt, anh lại lăn lưng ra nấu cơm, lau nhà...Thế rồi khi cu Thóc lên năm, bỗng một hôm có cô gái đến gặp Hương với cái bụng bầu, nói là cô làm thư ký cho Tú, và Tú đã làm cô có thai. Hương sốc quá, gặp bố mẹ chồng kể chuyện này, ông bà thản nhiên: “Anh chị yêu nhau rồi lấy nhau chúng tôi không ngăn cản. Nay việc đã vậy, anh chị tự giải quyết”. Hương không dám nói với bố mẹ mình, tự viết đơn xin ly hôn đưa chồng ký. Khi tòa án gọi ra tòa, chẳng may mẹ Hương đến chơi. Bà biết chuyện, ngã ngất, Hương vội đưa mẹ đi cấp cứu. Bố mẹ Hương gặp ông bà thông gia, trình bày: “Gia đình tôi không bao giờ chấp nhận con gái chúng tôi bỏ chồng. Xin ông bà tha thứ cho cháu tội viết đơn ly hôn, chúng tôi sẽ bắt cháu xé đi”. Mẹ Hương ngất lên ngất xuống, nói với con gái: “Đàn ông ai chả thích vợ nọ con kia, mày đã có thằng cu với nó rồi, không được để con trẻ khổ, hiểu không?”. Thế là Hương đành mang con về nhà bố mẹ, ly thân với Tú.

Mới hơn hai mươi tuổi, Hương đã rất chăm đi chùa. Cô thuộc rất nhiều kinh Phật, thấy cuộc đời chỉ là hư không, chẳng còn tin tưởng gì vào đàn ông nữa.

Con trai cô, cứ chủ nhật là được cha đến đón về bên ông bà nội. Ở đó, nó gặp em gái khác mẹ, chính là con của bố nó và cô con gái ông bộ trưởng đã một lần lấy chồng rồi bỏ chồng, nay cùng làm một công ty do hai bên bố mẹ chung tay mở ra. Mỗi lần đến, bố nó để lại một xấp tiền trên bàn cho mẹ Hương. Công ty bất động sản của bố nó lúc ấy đất và tiền cứ ào ào đổ vào nhà. Bố nó, ông bà nội nó đều sang giàu như đại gia. Bố còn xây hẳn một nhà ba tầng cho hai mẹ con nó nữa...

Hương là cô giáo, nhưng không dạy thêm. Cứ thứ bảy, chủ nhật là cô lên chùa, thành kính tụng kinh niệm Phật. Cô không để ý, nhưng có một người đàn ông cao lớn, vẻ hơi ngang tàng, râu rậm, mắt sâu lại rất chú ý đến cô. Cô ngồi niệm Phật ở đâu, anh ta cũng ngồi phía sau, cúi đầu tụng niệm. Một hôm, hai người gặp nhau trong phòng sư trụ trì, thày muốn nhờ hai người giúp chính cho lễ Phật đản sắp tới. Sau lễ Phật đản, vì đã gặp nhau nhiều, một lần ở chùa ra về, anh mời Hương đi uống nước. Nể quá, Hương đành nhận lời. Anh tâm sự Hương mới biết, anh chính là đại ca của nhiều nhóm giang hồ, nay vì chúng tranh giành quyền lợi, chém giết nhau, anh chợt tỉnh ngộ, bỏ nhóm giang hồ, đi chùa hối cải...

Từ đó, hai người ngày càng gần gũi hơn. Anh đã ngỏ lời, nhưng Hương không dám. Cô đã yêu, đã lấy chồng và có con. Cô đã bị phản bội và đang một mình chăm con cho chồng... Ôi- cô thấy mình đã nếm trải đủ mọi cung bậc của cuộc đời này. Chồng cô đã thật sự yêu cô, đã dám bước qua sự ngăn cản của bố mẹ để lấy cô. Vậy mà anh có thể bỏ cô, ngang nhiên sống và có con cùng người khác. Còn chàng giang hồ đẹp trai, liệu anh có bỏ được con đường mà anh đã sống suốt thời tuổi trẻ? Nếu bỏ được, thì sao anh lại sẽ không thể bỏ cô?... Và Hương quyết định sẽ cứ một mình với con trai. Mãi mãi...

Quan tâm

Hai bà Thư và Hảo chơi với nhau từ hồi cùng học trường làng, bao nhiêu năm, hai bà vẫn chia sẻ mọi vui buồn, vẫn đi lại thăm hỏi nhau luôn. Nhưng mấy năm nay, chồng bà Hảo mất, bà Thư cũng không còn đi xe máy được nữa, nên họ ít đến với nhau. Nghe tin bà Hảo ốm, bà Thư ra bến xe buýt, qua hai tuyến xe mới đến nhà bà bạn già. Họ cầm tay nhau tỷ tê đủ chuyện. Lúc ra về, bà Thư thở dài:

“Chắc cũng lâu lâu nữa tớ mới đến cậu được. Nhớ uống thuốc đầy đủ cho chóng khỏe nhé”. Bà Hảo biết bà Thư đi xe buýt, bèn gọi cậu con rể:

-Con đưa bà về bằng xe máy cho nhanh, kẻo đi xe buýt hai tuyến lâu lắm.

Hôm ấy là chủ nhật, cậu con rể ngoan ngoãn:
 “Vâng ạ”, rồi khép cửa phòng mẹ, ân cần dắt bà Thư ra đường: “Để cháu gọi taxi cho bác đỡ vất vả”. Bà Thư cảm động, lắc đầu:“Không cần đâu cháu ạ, cứ để bác ra bến xe buýt, cũng gần đây thôi mà”. Nhưng cậu ta cứ vẫy chiếc taxi thật sang và đưa bà ngồi vào ghế cạnh tài xế rồi lễ phép: “Cháu chào bác ạ” và đóng cửa xe, quay vào nhà, lấy xe máy phóng đi đâu không rõ. Lái xe hỏi: - Bác về đâu ạ? Bà Thư tái mặt:

-Cháu cho bác ra bến xe buýt thôi, bác không có đủ tiền đi taxi về nhà đâu.

Chàng lái taxi không nói gì, đưa bà ra bến xe buýt, mở cửa cho bà xuống. Bà Hảo lần giở túi tiền: “Bao nhiêu hả cháu?”. Chàng ta lắc đầu: “Có đáng gì đâu bác, gần mà. Bác cứ coi cháu như con thôi ạ”. Nói rồi, chàng lẹ làng phóng xe đi mất.

Phan Thị Thanh Nhàn viết truyện hồn nhiên như người ta chuyện phiếm. Nhưng có lẽ đây lại là thế mạnh trong thời đại người ta ưa tán dóc - trên “phây” và trong đời thực. Đọc truyện của Phan Thị Thanh Nhàn, người ta có cảm giác nữ nhà thơ này đang kể lại những câu chuyện mắt thấy tai nghe. Điều thú vị là tuy không có một dòng nào xưng “tôi”, nhưng có thể thấy cá tính, ý nghĩ và tình cảm của người viết rất rõ.

L.A.H

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.