Lễ hội đình Ngãi Cầu (mồng 8 Tết):

Rước kiệu - chợ quê

Rước kiệu - chợ quê
(TPO) Lề làng quê thói vẫn tươi nguyên, dù tiền hay sính thành thị bỗng xuất hiện, giống như viên cuội ném xuống mặt ao, gây sóng nhưng rồi cũng lại phẳng lì. Ngày Tết, năm Ất Dậu này (2005), làng Ngãi Cầu lại có lễ rước.

Ngãi Cầu (An Khánh, Hoài Đức, Hà Tây) vốn nổi tiếng với Đình Ngãi Cầu, có lễ rước Kiệu 5 năm một lần (hàng năm đều mở hội vào 8 tháng Giêng âm lịch), được liệt vào  Di tích Kiến trúc, nghệ thuật - một danh thắng của Hà Nội xưa kia.

Đình thờ nữ thần Đức Bản Thổ và bốn vị tướng thời Hùng Duệ Vương làm thần Hoàng làng. Ngôi đình được tạo dựng từ thế kỷ 17, qua 3 lần trùng tu. Đức Thánh Mẫu sinh ngày 8 tháng 3 năm Giáp Tý (298 Tr.CN), nên làng hay tổ chức ăn lễ bánh trôi bánh chay vào mồng 8 thay vì mồng 3 như nhiều làng quê ở Việt Nam.

Rước kiệu - chợ quê ảnh 1
Đình Ngãi Cầu (gồm 8 giáp và 12 cửa) được dọn sạch trang nghiêm trước khi đón tiếp đoàn rước kiệu

Rồi Phổ Quang Tự (chùa Ngãi Cầu) tạo dựng từ năm 1573, tọa lạc trên một gò đất hình mai rùa phía Tây làng. Quán nằm chếch hướng Đông Bắc sát chùa. Lễ rước Kiệu từ Đình tới Quán và từ Quán quay lại Đình diễn ra rất phong phú với nét đẹp văn hóa cổ truyền.

Khu đất trống trước cửa Quán và Chùa là nơi Lê Lợi – Nguyễn Trãi cho hạ trại, đóng quân (bên dòng Lững Giang xưa – sông Đáy ngày nay), tạo thành mũi tiến quân vào bao vây Thăng Long đánh tan quân Minh ngày 10/10 năm Bính Ngọ. Nay trở thành khu chợ của dân làng Ngãi Cầu.

Chỉ xây tạm ba lán, cột sắt, đổ bê tông và mái tôn, cứ ngày 2-5-7-10 hàng tháng (âm lịch), dân mở chợ. Những ngày không phải phiên, dân dịch lên gần phía trước Đình tạo chợ tạm, đủ cung cấp thức ăn tươi cho người dân hàng ngày.

Chợ Tết với chợ phiên chẳng khác nhau là mấy, vẫn hàng tạp hóa, hàng tiêu dùng, và thực phẩm, có chăng ngày Tết chợ sẽ kéo đến chiều, còn phiên thường chỉ quá ngọ là vắng teo. Hàng chợ Tết có hoa, quà và đồ sắm Tết. Mẹ chồng tôi buôn hàng tạp hóa (loại hàng lặt vặt và nhỏ bé nhất chợ), mỗi dịp Xuân sắp đến đến bà đều khấp khởi vì bán được nhiều hàng, nhất là đồ nhựa, khăn trải bàn, hoa nhựa, dây bạc trang trí. Chợ quê vẫn mặc cả từng trăm đồng con.

Rước kiệu - chợ quê ảnh 2
Những nữ tú trong đoàn rước kiệu, tấm khăn đỏ choàng qua người biểu thị nhà quan mới được ... è lưng rước kiệu

Thuần khiết và quen mắt với lối cổng nhà cổng ngõ. Làng xã cũng lạ mắt hơn bởi lối phố thị, chuẩn bị có  khu công nghiệp Ngãi Cầu sẽ được xây dựng. Đất sốt, nhà sốt, có chuyện cười ra nước mắt, nông dân bán đất ruộng hơn trăm triệu, chẳng đếm bao giờ phải nhờ người ngân hàng vào đếm, nhận hộ!

Nông dân đi cấy và trồng màu chỉ để giữ đất cho được giá rồi mới bán. Nghe nói, 500 triệu đồng  một mảnh ao con. Người thành thị bỗng làm hỏng những người nông dân thuần khiết, hay nhiều người cũng mờ mắt vì hơi đồng. Sắc áo quần rực màu hơn,  gò má ít sạm hơn trên khuôn mặt những em nhỏ tiểu học, song số trẻ nghiện bỗng tăng. Thanh niên tán gái cũng vè vè từ alpha cộng trở lên, oai lắm. Xã đang chuyển mình.

Dáng quen của những bà, cô chạy hàng túi cho Hà Nội bằng chiếc xe đạp và một túi to thồ phía sau. Họ cần mẫn xuất phát từ 4 giờ sáng, để rồi chiều lại tong tả ra về cũng kiếm được kha khá, tháng bỏ ống một triệu. Con cái cũng xúng xính áo quần sida (hàng thùng), nhưng học vẫn giỏi dù sách giáo khoa chọn lọc từ quầy hàng sách cũ.

Rước kiệu - chợ quê ảnh 3
và các nam thanh

Lề làng quê thói vẫn tươi nguyên, dù tiền hay sính thành thị bỗng xuất hiện, giống như viên cuội ném xuống mặt ao, gây sóng nhưng rồi cũng lại phẳng lì. Ngày Tết, năm Ất Dậu này (2005), làng Ngãi Cầu lại có lễ rước.

Những cụ bà, cụ ông tuổi mặc áo đỏ, nhai trầu bỏm bẻm, uống trà trên đình hoặc đi theo đám rước. Làng thuê cả một đám chèo (tầm tầm) của tỉnh khác về ca ba ngày 7 – 8 – 9 tháng Giêng âm lịch. Mồng 8 là chính hội. Cũng vật nhau, cờ tướng và nhiều trò chơi dân gian được bày ra suốt dọc từ Đình tới Quán. Dân làng được phen nghỉ ngơi và xỉ hả sau một năm nhọc nhằn chợ búa hay ruộng đồng.

Chơi hội

Cụ ông đánh trống đầu Xuân, khai hội vào đúng 0 giờ ngày mồng 8 Tết phải là một cụ già quắc thước, đủ cả dâu rể, cháu nội cháu ngoại và nhất là cụ bà vẫn phải... còn song hành cùng cụ. Đấy là một nét cầu kỳ trong Lễ hội Ngãi Cầu.

Lễ rước gồm 7 kiệu (Lọng trước đi đầu, 4 kiệu 4 vị tướng, kiệu rước Thánh Mẫu và kiệu song loan).

Rước kiệu - chợ quê ảnh 4
Bàn thờ (hay còn gọi là điếm) dựng lên để chào đón đoàn rước

Màn múa sư tử - lân – rồng đón chào đoàn rước, tiếp đó là trẻ em mặc quần áo xanh đỏ sắc màu mùa Xênh tiền – hình thức múa để những ai muốn cầu may cầu lộc tự có lòng hảo tâm.

Kiệu nặng nhất lên tới... 1 tạ, cần tới 36 cô gái (chưa chồng) khiêng 2 kiệu Thánh Mẫu và Thành Hoàng. Các kiệu còn lại do những chàng trai khỏe mạnh, tuấn tú đảm trách. Tất nhiên họ phải đều là người dân gốc của làng.

5 năm trước đám rước diễn ra suốt  đêm từ tối tới tận sáng, nhưng nay các cụ trong làng cũng thống nhất giảm thiểu... rườm rà và chỉ rước  vỏn vẹn trong 1 ngày nhưng vẫn đủ hai lượt, đúng 12 giờ đêm mồng 8 Tết là trở lại Đình.

Rước kiệu - chợ quê ảnh 5
Đến các bà, các cô trong đoàn rước

Sở dĩ phải rước 2 lượt là vì 4 vị tướng đó được hóa thân ở Đình và trở lại Quán (nơi sinh) để tạ ơn Thánh Mẫu rồi lại quay trở lại nơi tôn nghiêm. Dân làng lũ lượt kéo đến xem – nghỉ và đi – cùng đoàn rước kiệu.

Để cầu may, cầu lộc, cầu hạnh phúc cho cả năm, mỗi khi đoàn rước kiệu đi qua, dân làng còn tự động mang chiếc chiếu của gia đình (chiếu mới càng tốt) lót đường để Thành Hoàng và Thánh Mẫu đi qua. Sau đó, mang chiếu về giặt sạch và dùng trong cả năm.

Đoạn đường kiệu rước đi qua mỗi hộ đều tự treo một chiếc đèn lồng để chào đón tỏ lòng thành kính.

Các em bé được múa trong dàn múa Xênh tiền (dân đọc trại là xin tiền) cũng rất vinh dự. Tất cả những nam thanh, nữ tú khiêng kiệu đều phải tự lo ăn uống, nhưng các cháu bé này thì sẽ được thưởng một... bát phở và một cốc Coca trước sau lễ rước (!).

Rước kiệu - chợ quê ảnh 6
Cờ đuôi nheo trong đám rước

Tham dự lễ hội chủ yếu là dân làng, nhưng họ cũng mời bạn bè và khách thập phương về ăn cỗ, uống rượu đúng ngày lễ làng. Dù đời sống đã khá hơn nhiều, nhưng người dân vẫn rất coi trọng bữa ăn, đó là những bữa cỗ được dọn ra với lòng thành tâm cho lễ hội.

Năm 50 (tuổi lên cụ), 70 và 80 các cụ trong làng đều để con cháu tổ chức tiệc cho mình đúng vào dịp lễ hội, đầu Xuân. Năm nay làng Ngãi Cầu có tất cả gần 80 cụ tổ chức tiệc như vậy. Tất nhiên các cụ phải tổ chức các ngày khác nhau tránh trùng lắp, để dân làng, hàng xóm, người thân và bạn bè có thể đến thưởng thức bữa cỗ, chúc mừng các cụ được(!)

Đêm mồng 8 Lễ rước đã kết thúc, nhưng dân làng vẫn còn chơi hội cho đến hết ngày 10. Năm nào cũng thế, nhưng phải 5 năm nữa họ mới lại được hòa mình và cầu may, cầu tài năm mới như năm nay.

MỚI - NÓNG