Sa Huỳnh, vàng son hiện lại

Sa Huỳnh, vàng son hiện lại
TP - Nền văn hóa cổ đại của miền Trung Việt Nam đang hiện lên đầy vàng son tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (VN) qua cuộc trưng bày Sa Huỳnh - 100 năm phát hiện và nghiên cứu.
Sa Huỳnh, vàng son hiện lại ảnh 1

Mộ chum bằng gốm niên đại 4.000 năm - đặc sản của văn hóa Sa Huỳnh - Ảnh: Đ.T.T

Phát hiện từ năm 1909, nhưng văn hóa Sa Huỳnh bị người Pháp dùng tư tưởng truyền bá luận để giải thích rằng cư dân Sa Huỳnh xuất phát từ ngoài biển, chỉ mai táng trên đất liền.

Khoa học Việt Nam, từ 1975 đến nay, chứng minh ngược lại: văn hóa Sa Huỳnh khởi phát tại bản địa trên dải đất từ Quảng Nam vào Bình Thuận ngày nay và để lại những dấu ấn vàng son trong lịch sử Việt Nam, tạo nên ba nền văn hóa đồng đẳng trên mảnh đất Việt: Đông Sơn ở phía Bắc, Sa Huỳnh ở miền Trung và Óc Eo ở Nam Bộ.

Thì đây, những mộ chum bằng gốm, vũ khí bằng đồng, công cụ bằng sắt, trang sức bằng thủy tinh, đá, mã não, các thứ bình, nồi chủ yếu lấy lên từ lòng đất Bình Châu và Long Thạnh - Quảng Ngãi nơi có di chỉ cư trú - mộ táng cho thấy nguồn gốc bản địa của văn hóa Sa Huỳnh.

Số hiện vật này vừa được mở cửa trưng bày hôm qua tại Bảo tàng Lịch sử VN, kéo dài hết tháng.

Bãi Cọi - gạch nối Đông Sơn và Sa Huỳnh?

Qua 100 năm, hiện vật văn hóa Sa Huỳnh vẫn được công bố đều đặn, chứng tỏ hàm lượng và sức hấp dẫn của nền văn hóa này. Mới đây, cuộc hội thảo về Bãi Cọi tức Bãi Phôi Phối thuộc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, đã tái hiện sức sống của văn hóa Sa Huỳnh. Bãi Cọi là cái gạch nối giữa Đông Sơn và Sa Huỳnh, hay là một nền văn hóa riêng?

Đó là câu hỏi mà giới khảo cổ và lịch sử đang tìm cách trả lời. TS Phạm Quốc Quân - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử VN cho biết, cuối năm nay sẽ khai quật và tìm hiểu thêm những địa điểm khác lân cận để rõ hơn về Bãi Cọi, bởi “Nghi Xuân là vùng văn hóa đậm đặc, chúng tôi sẽ cùng Sở VHTT&DL Hà Tĩnh nghiên cứu về Nghi Xuân nói chung và Bãi Cọi nói riêng”.

Giới khoa học cũng đang khẩn thiết đề nghị chủ đầu tư nắn con đường lớn không cho đâm qua di tích Bãi Cọi.

"Cha ông đã vật vã vươn lên để lại đến ngày nay một khối lượng di sản đồ sộ và kỳ thú không kém bất cứ nền văn minh cổ nào trên thế giới, nhưng dường như không mấy ai mường tượng nổi, bởi chúng bị xé nát thành những sưu tập nhỏ, trưng bày khiêm tốn ở một số bảo tàng VN".

TS Phạm Quốc Quân
Giám đốc Bảo tàng Lịch sử VN

TS Quân nói: “100 năm nghiên cứu Sa Huỳnh, kết quả rất đáng kể. Nhưng với bảo tàng, còn hạn chế. Có nhiều lỗ hổng trong trưng bày văn hóa Sa Huỳnh cần được khỏa lấp bằng các phát hiện mới, hiện vật mới từ khai quật khảo cổ học”.

Ông Giám đốc cũng bày tỏ: “Sự phong phú vật chất và đa dạng loại hình di vật của ba nền văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh và Óc Eo khiến chúng ta ngạc nhiên.

Cha ông đã vật vã vươn lên để lại đến ngày nay một khối lượng di sản đồ sộ và kỳ thú không kém bất cứ nền văn minh cổ nào trên thế giới, nhưng dường như không mấy ai mường tượng nổi, bởi chúng bị xé nát thành những sưu tập nhỏ, trưng bày khiêm tốn ở một số bảo tàng VN.

Vậy nên tôi rất mong miền Trung VN với đại diện là Quảng Ngãi nên xây một bảo tàng về văn hóa Sa Huỳnh. Với tư duy ấy, tại sao ta không có một bảo tàng Đông Sơn ở Thanh Hóa, một bảo tàng Óc Eo ở đồng bằng sông Cửu Long?”.

TS Nguyễn Giang Hải- Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học VN, cho hay, Bộ VHTT &DL cùng UBND tỉnh Quảng Ngãi sẽ tổ chức một hội thảo quốc tế về Sa Huỳnh vào cuối tháng Bảy tại tỉnh Quảng Ngãi. Cuối năm, Khánh Hòa sẽ có những cuộc khai quật lớn, có thể hàng vạn mét vuông.

Đến nay, ngót 80 di tích thuộc văn hóa Sa Huỳnh được phát hiện, hàng chục địa điểm được nghiên cứu khai quật, thậm chí khai quật lại những di chỉ mà người Pháp đã khai quật, ba cuộc hội thảo quốc gia về văn hóa Sa Huỳnh được tổ chức vào năm 1981, 1995 và 1999 tại Hà Nội và Hội An.

Văn hóa Sa Huỳnh tồn tại từ thế kỷ 5 đến thế kỷ 1 trước Công nguyên, phân bố chủ yếu ở Nam Trung Bộ mà trung tâm là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, phía nam giao thoa khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, Đông Nam Bộ, phía bắc giao thoa văn hóa Đông Sơn khu vực Huế đến Hà Tĩnh, đồng thời có mối quan hệ giao lưu rộng với Ấn Độ, Trung Quốc và các văn hóa khác ở Đông Nam Á.

Văn hóa Sa Huỳnh là cơ sở của nhà nước cổ đại đầu tiên ở miền Trung VN, nhà nước Lâm ấp Chăm Pa.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).