Sách chưa in đã bị cấm?

Sách chưa in đã bị cấm?
TP - NXB Gallimard thông báo sẽ cho ra mắt bạn đọc cuốn tiểu thuyết thứ ba của Mazarine Pingeot (con gái cựu Tổng thống Pháp Francois Mitterand) vào tháng 8, Nghĩa địa búp bê. Lập tức rộ lên trên các phương tiện truyền thông đại chúng cuộc tranh luận ầm ĩ.
Sách chưa in đã bị cấm? ảnh 1
Bìa cuốn Nghĩa địa búp bê

Ngày 18/12/1974, Mazarine Pingeot, con gái của Francois Mitterand và Anne Pingeot chào đời, lấy họ mẹ. Bố mẹ cô cách nhau đến 27 tuổi. Khi đó F. Mitterand là nghị sỹ đã có vợ và hai con trai đã lớn. Ngày 10/5/1981, Francois Mitterand được bầu làm Tổng thống Pháp.

Mối quan hệ giữa cha mẹ Mazarine Pingeot kéo dài 20 năm trong vòng bí mật. Mẹ hàng ngày chăm sóc Mazarine Pingeot. Cha Francois Mitterand cũng tranh thủ mọi thời gian để gần con gái.

Hầu như ngày nào cô cũng được ăn sáng với cha. Cha cũng hay đem cô theo trong những chuyến đi quan trọng. Có điều, ông luôn luôn giới thiệu cô là “cháu gái họ”.

Ông không dám nhận Mazarine là con, ngay cả trước người nhà. Tuy vậy, khi biết mình sắp có con gái, Francois Mitterand đã báo tin ngay cho một vài người bạn chí cốt. Và ngày 25/4/1984, ông bí mật ký văn bản chính thức công nhận Mazarine Pingeot là con.

Ngày 8/5/1988, Francois Mitterand trúng cử tổng thống nhiệm kỳ thứ hai với số phiếu bầu cao hơn trước. Ông tiếp tục giấu vợ là bà Danielle và hai con trai về người vợ và đứa con gái không chính thức của mình.

Báo chí, đặc biệt là Parris-Match, vẫn “săn đuổi” gia đình thứ hai của ông. Cuối năm 1994, thông qua một nhà báo thân tín, tổng thống chấp nhận cho tạp chí này công bố những bức ảnh chụp trộm.

Thế là ngày 3/12/1994, cả nước Pháp ngỡ ngàng. Ông không bị chê trách gì về chuyện ấy, không phải từ chức và ông qua đời ngày 7/1/1996 vì bệnh ung thư.

Mãi khi ông ốm nặng, vợ con chính thức của ông mới biết mẹ con Mazarine Pingeot. Hai gia đình thực sự hiểu nhau và xích lại gần nhau trong đám tang ông. Họ không ghen tức hay oán thù gì nhau cả. Quan hệ đó tốt đẹp cho đến tận giờ.

Sách chưa in đã bị cấm? ảnh 2
Mazarine Pingeot

Năm 1994, Mazarine Pingeot vào Đại học Sư phạm Fontenay-Saint-Cloud. Ba năm sau, cô làm luận án về Spinoza rồi được cấp bằng thạc sỹ triết học.

Ra trường, cô đến giảng dạy ở Đại học Tổng hợp Provence, miền nam Pháp. Ít lâu sau, cô được bầu làm trưởng ban quản lý Viện Francois Mitterand. Từ năm 2000, cô xuất hiện đều đặn hai tuần một lần trên một hệ thống truyền hình quốc gia. Cô cộng tác tích cực với tạp chí Elle danh tiếng.

Đặc biệt, Mazarine Pingeot dần khẳng định là một nhà văn mới lạ, với tiểu thuyết đầu tiên (1998) gây tiếng vang. Năm 2001, trong một chuyến đi công tác, cô gặp ở Villa Médicis de Rome bạn tình hiện nay, Mohamed Ulad-Mohand người Maroc (sinh 1966).

Hiện nay, Mohamed là đạo diễn kiêm nhà sản xuất phim. Hai người đã có một con trai, Ascot, sinh tháng bảy 2005. Họ sắp có con thứ hai trong vài tháng tới.

Qua các cuộc phỏng vấn và tác phẩm của cô (ba tiểu thuyết, một tập chính luận, một tự truyện), cô hé lộ những điều quan trọng mà xã hội quan tâm. Cô được cha cưng chiều hết mực.

Ví dụ, biết cô muốn gặp Fidel Castro, cha cho tổ chức một bữa tiệc tại Đại sứ quán Pháp ở Cuba, mời Fidel đến dự. Thế nhưng, cô không bao giờ ỉ thế cha. Cô ăn mặc và học hành từ thu nhập và lương công chức của mẹ. Lớn lên, cô tự lập trong mọi chuyện.

Năm 2005, cuốn tự truyện Bưng bít (tạm dịch Bouche cousue) của cô là một hiện tượng của văn học và xuất bản Pháp. In lần đầu đến 200.000 bản, nó xôn xao xã hội Pháp bởi những phát hiện về cha mẹ và tuổi thơ của cô, và bởi một giọng văn cổ điển tái sinh. Cô cải chính nhiều dư luận không đúng về cha mình.

Bài trả lời phỏng vấn ngắn gọn trên tờ L’Express cuối 2005 cũng là một sự kiện phi thường. Nó cho thấy bản lĩnh con người và ngòi bút Mazarine Pingeot, giữa cơn sốt Bưng bít năm ấy.

Cần nói ngày rằng không dưới một lần, Mazarine Pingeot đề nghị không nói đến cô với tư cách con gái của một tổng thống. Cô chỉ muốn được nhìn nhận như một phụ nữ dịu dàng và một nhà văn đúng nghĩa. Nhưng cô vẫn bị dèm pha và gặp rắc rối.

Vụ việc liên quan đến văn chương đầu tiên đến với Mazarine Pingeot ngày 13 tháng 3 năm nay. Lừa khi vợ chồng cô vắng nhà, bọn trộm phá cửa và lấy đi hai chiếc máy vi tính. Một trong hai chiếc máy “mang” một tiểu thuyết mới mà cô đang viết dở chừng. Trong khi cô và chồng chưa hề tiết lộ với báo chí...

Cuối tháng bảy vừa qua, Nhà xuất bản Gallimard thông báo sẽ cho ra mắt bạn đọc cuốn tiểu thuyết thứ ba của Mazarine Pingeot vào tháng tám, Nghĩa địa búp bê. Lập tức rộ lên trên các phương tiện truyền thông đại chúng cuộc tranh luận ầm ĩ.

Châm ngòi cho cuộc tranh luận là một kiến nghị với 200 chữ ký của dân làng Chinon yêu cầu Nhà xuất bản không phát hành và cơ quan pháp luật hữu quan cấm công bố tác phẩm. Lý do kiến nghị là Nghĩa địa búp bê viết về một vụ án hình sự còn chưa kết luận điều tra và vi phạm đời tư công dân.

Vụ án được gọi là “Trẻ sơ sinh ướp lạnh”. Ngày 23/7/2006, kỹ sư Pháp Jean-Louis Courjault (làm việc tại Hàn Quốc từ 2002) phát hiện xác hai trẻ sơ sinh trong tủ lạnh của mình.

Xét nghiệm AND ở Hàn Quốc cho biết hai đứa trẻ đó là con của Jean-Louis Courjault và vợ anh ta - Véronique Coujault. (Cùng quê làng Chinon với anh). Thoạt đầu, vợ chồng Courjault phủ nhận, lấy cớ năm 2003, chị vợ đã cắt bỏ tử cung. Họ bị trả về Pháp. Xét nghiệm AND ở Pháp đưa đến cùng kết luận như trên.

Tháng 10 năm ngoái, Véronique Courjault tự thú đã bóp chết hai đứa trẻ. Do đó, cuộc điều tra còn tiếp diễn. Courjault vợ vẫn bị giam. Courjault chồng bị cấm rời khỏi nơi cư trú. Vụ án dự kiến sẽ được xét xử trong năm sau.

Như vậy, chắc chắn Mazarine Pingeot không thể bê nguyên xi vụ việc chưa ngã ngũ vào tác phẩm. Thực tế, cô chỉ lấy cảm hứng từ vụ án có một không hai.

Chuyện trong Nghĩa địa búp bê cực kỳ đơn giản: Trong nhà tù, một phụ nữ phạm tội giết con tâm sự với chồng qua một bức thư dài nguyên nhân tội ác cuả cô. Các nhân vật đều không có tên. Cho nên, chê trách và phản đối Mazarine Pingeot là không có cơ sở.

Nhà xuất bản Gallimard chính thức tuyên bố rằng Nghĩa địa búp bê vẫn ra mắt bình thường và đúng hẹn. Nhà xuất bản cũng kêu gọi toàn xã hội bảo vệ quyền tự do ngôn luận, một quyền cơ bản của con người, vốn liên quan mật thiết đến các nhà văn.

Từ Bình Tâm
Tổng hợp

MỚI - NÓNG