Sách hay không vì tác giả là con gái Tổng thống

Sách hay không vì tác giả là con gái Tổng thống
TP - Cuốn sách "Chuyện của Ana: Một hành trình hy vọng" xuất hiện trong nhiệm kì thứ hai của Tổng thống George Bush như một hiện tượng đặc biệt trên thị trường sách Mỹ, trở thành một cuốn best-seller số 1 của New York Times.

Tác giả cuốn sách này là con gái của cựu Tổng thống Bush: Jenna Bush. Tiền Phong trò chuyện với nhà thơ - dịch giả Hữu Việt về cuốn sách đầy chất nhân văn này.

Sách hay không vì tác giả là con gái Tổng thống ảnh 1
Nhà thơ, nhà báo, dịch giả Hữu Việt. Ảnh: PV

Thưa anh, anh có thể nói đôi lời về cuốn sách này, với tư cách là một trong những độc giả người Việt đầu tiên, và là dịch giả - đồng nghĩa với việc đọc rất kỹ?

Nó chỉ là một cuốn sách dịch thông thường (chúng rất nhiều trên sạp và trong các cửa hàng sách bây giờ), ngoại trừ hai điều.

Thứ nhất, tác giả là thiên kim tiểu thư của cựu Tổng thống Mỹ George Bush (con). Jenna Bush đã dành 6 tháng để hàng ngày trò chuyện, lắng nghe những nỗi thống khổ của Ana (tên nhân vật) cùng những giai điệu trữ tình trong cuộc đời em, để rồi viết nên cuốn sách theo thể loại phi hư cấu, nhưng lấp lánh chất thơ với những trường đoạn làm ta rơi nước mắt.

Thứ hai, nhân vật chính của cuốn sách là một thiếu nữ da màu bị AIDS từ trong bụng mẹ. Cô bé ấy sớm phải mồ côi và đã trải qua quá nhiều cay đắng, tủi hổ, bị khinh rẻ, chà đạp, lăng nhục, xâm hại… nhưng không hề gục ngã.

Bởi vì bên cạnh những sự xấu xa, vô luân, ô lại vẫn lấp lánh những tấm lòng bồ tát, những bàn tay hào hiệp đỡ Ana đi từ tuổi thơ đơn độc đến lúc trở thành một bà mẹ… 17 tuổi. Người mẹ ấy bồng con trên tay, tràn đầy sức sống và kiêu hãnh nói rằng: “Không phải chúng tôi đang chết vì AIDS; chúng tôi đang sống cùng nó”.

Thể loại sách văn chương phi hư cấu như cuốn sách này vẫn là mới lạ ở Việt Nam, anh có nhận xét gì về thể loại này? Phải chăng vì nó là loại sách “người thật việc thật” nên nó cuốn hút? Ở Việt Nam vẫn có người nghĩ văn chương là phải hư cấu hoặc nói cách khác hư cấu mới là văn chương?

Thật ra phi hư cấu (non-fiction) khá quen thuộc với các nhà văn phương tây và người đọc của họ cũng đã quen với thể loại này từ rất lâu rồi. Nhà văn Naipaul (Nobel văn học 2001) là người nổi tiếng với thể loại phi hư cấu, văn của ông được đánh giá là luôn mấp mé giữa hai bờ của hiện thực và tiểu thuyết.

Theo nhận thức của tôi thì phi hư cấu không có nghĩa loại bỏ hoàn toàn hư cấu, vốn là một nét đặc thù của văn học, đặc biệt là tiểu thuyết. Nó có vẻ gần với bút pháp hiện thực, nhưng ở thể loại này sự áp đặt của nhà văn được tiết giảm ở mức tối thiểu để sự thuyết phục bởi tính chân thực và chính xác của tác phẩm đạt đến mức tối đa.

Cụ thể, trong Chuyện của Ana, tự câu chuyện đã dẫn dắt độc giả đi qua hàng trăm trang sách, như đi qua một cuộc đời vậy. Và cho dù nó là một câu chuyện có thật, thì người đọc vẫn cảm nhận được sự sung sướng của Ana khi lần đầu tiên em bơi trên biển Caribe trong ánh hoàng hôn, hay sự run rẩy của em lần đầu chạm vào môi người yêu dấu.

Hư cấu không có nghĩa là “làm văn”. Hư cấu là một thể loại. Vì vậy, chuyện đơn giản thế này thôi: nó làm nên văn chương, nhưng không có nghĩa chỉ có nó mới là văn chương.

Điều gì đã khiến cuốn sách trở thành best-seller? Giá trị văn chương, nhân văn hay cũng còn vì tác giả của nó là con gái của Tổng thống Bush?

Có lẽ bạn sẽ tò mò đôi chút khi nhìn thấy tên tác giả trên bìa sách. Ơ, con gái ông Bush lại là nhà văn cơ đấy! Nhưng điều ấy sẽ qua rất nhanh khi bạn bắt đầu đọc những trang sách đầu tiên. Tôi không nghĩ đây là một cuốn sách có giá trị văn chương ghê gớm, nhưng nó đúng là có giá trị nhân văn ghê gớm.

Tôi cứ nghĩ nếu cuốn sách này đi vào được nhà trường, nó sẽ thay cho những bài học về giới tính, về an toàn tình dục vốn khá khô khan và tương đối khó nói trong một quan niệm khá bảo thủ của truyền thống Á Đông.

Nó sẽ trở thành những câu chuyện trực quan sinh động, mang lại nhận thức về quyền của trẻ em, cũng như kiến thức để các cô bé, cậu bé vượt qua tuổi “tiền mãn teen” một cách bình an.

Nói về tác giả cuốn sách, cô Jenna Bush - là con gái Tổng thống Hoa Kỳ nhưng cô đi dạy tiểu học, rồi tham gia các chương trình vì cộng đồng... như một thanh niên bình thường nhất. Liên hệ đến thực tế Việt Nam, nhiều thanh niên con nhà khá giả, có chức có quyền lập tức lười biếng, chỉ biết ăn chơi, thậm chí phá phách... Anh nghĩ gì về hiện tượng này?

Theo quan sát của cá nhân tôi, không hẳn những thanh niên sinh ra trong nhung lụa dễ hư hơn những người xuất thân từ gia đình bình dân. Đúng là có một bộ phận thanh niên như vậy và họ gây nên sự phản cảm và phẫn nộ từ dư luận.

Thế nhưng, chúng ta vẫn nên có một cách nhìn khách quan trên quan điểm xã hội học và loại bỏ các yếu tố kỳ thị. Tôi không nghĩ có bậc làm cha làm mẹ nào, dù là thằng ăn cướp, lại muốn nhìn thấy con mình trở thành hư hỏng.

Có rất nhiều điều đáng phải bàn về môi trường xã hội, sự tha hóa, lạc chuẩn đạo đức, cũng như chất lượng giáo dục… đã tác động lên thế hệ trẻ của chúng ta như thế nào.

Một xã hội thực sự văn minh thì người con mới không cậy bố, cậy mẹ, cậy ông cậy bà, cậy cô dì chú bác để làm bậy. Họ ý thức được trách nhiệm và nhân phẩm của mình như một công dân và theo đuổi những gì mà họ cho là thật sự có ích. Tôi cứ “liều” mà nói về tác giả cuốn sách này như vậy.

Xin cảm ơn anh

Sách hay không vì tác giả là con gái Tổng thống ảnh 2

CHUYỆN CỦA ANA: MỘT HÀNH TRÌNH HY VỌNG có tên gốc: Ana’s Story: A journey of hope (NXB HarperCollins), tác giả: Jenna Bush và Mia Baxter (ảnh); Người dịch: Nhà thơ Hữu Việt (Anh cũng là người đã chuyển ngữ tập thơ “Khúc hát trái tim” của thần đồng thơ yểu mệnh người Mỹ Mattie J.T. Stepanek, bản dịch được Giải thưởng Văn học dịch Hội nhà văn Việt Nam 2007).

Jenna không kể về gia đình nổi tiếng của mình mà kể về những trải nghiệm trong thời gian làm tình nguyện viên cho Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Châu Mỹ Latinh và vùng Caribê với nhiệm vụ của một bác sĩ nội trú, như bất cứ một người trẻ bình thường nào đam mê hoạt động vì cộng đồng.

Trong sách là câu chuyện có thật của Ana - một thiếu nữ Mỹ Latinh có HIV từ ngày chào đời đến khi 17 tuổi với đứa con gái nhỏ. Cô sống mạnh mẽ trong niềm hi vọng con mình có kết quả âm tính với HIV trong lần xét nghiệm cuối cùng khi bé 18 tháng tuổi.

Lê Anh Hoài thực hiện

MỚI - NÓNG